Kiểm toán "soi", bầu Đức và Johnathan Hạnh Nguyễn được xướng tên
Kiểm toán soi “điểm đen”, DN của bầu Đức và đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn được xướng tên
Nhật Minh
Thứ năm, ngày 10/09/2020 15:01 PM (GMT+7)
“Không thể xác định được” là cụm từ xuất hiện trên không ít báo cáo tài chính bán niên sau kiểm toán. Nhiều “điểm đen” trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp cũng được “lộ diện”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 500 doanh nghiệp công bố BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo của không ít doanh nghiệp bị đơn vị kiểm toán đưa thêm vấn đề nhấn mạnh.
Loạt doanh nghiệp nhận "tối hậu thư" của kiểm toán
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (HNX: OCH) ghi nhận khá nhiều ý kiến kiểm toán ngoại trừ cho các khoản cho vay, đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, ý kiến kiểm toán loại trừ đầu tiên nêu rõ, tại ngày 30/6/2020, OCH đang ghi nhận một khoản trả trước cho Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư (OTC: Viptour) với số tiền hơn 38 tỷ đồng về việc đặt cọc để nhận chuyển nhượng gần 3,9 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Viptour-Togi.
Trong đó, có hơn 18 tỷ đồng tại tài khoản đồng sở hữu giữa OCH và Viptour. Trước đó hồi tháng 8/2016, OCH và Viptour đã có biên bản đồng ý chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng, đến nay OCH đang làm việc với Viptour về việc thu hồi khoản ứng trước 20 tỷ đồng còn lại.
Cũng tại ngày 30/6/2020, OCH có khoản phải thu tại Công ty TNHH VNT (VNT) với số tiền hơn 201 tỷ đồng, theo hợp đồng hợp tác đầu tư để thực hiện dự án khu số 1 thuộc khu đô thị mới phía nam thành phố Bắc Giang. Ngày 19/10/2015, hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh và VNT có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền hơn 201 tỷ đồng mà OCH đã góp vốn trước đó.
Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, OCH đã đánh giá thận trọng và thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với khoản vay trên. Ngoài ra, OCH đang làm việc với VNT để thu hồi khoản phải thu hơn 201 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, quan điểm của kiểm toán cho rằng, hiện chưa có đủ các bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của khoản ứng trước và khoản phải thu này. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Trên báo cáo soát xét của CTCP Cán thép Thái Trung (TTS), Công ty Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh việc công ty này đang có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 355,53 tỷ đồng, lỗ lũy kế chiếm 46,3% vốn điều lệ, với 235,21 tỷ đồng đến 30/6/2020.
Tuy vậy, AASC cũng lưu ý thêm, việc TTS đang có CTCP Gang thép Thái Nguyên vừa là khách mua hàng với khối lượng lớn, vừa là bên cung cấp nguyên vật liệu chính là lợi thế giúp Công ty giảm áp lực vốn lưu động hỗ trợ cho khả năng hoạt động liên tục, giảm lỗ lũy kế.
Trong báo cáo bán niên của CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), Công ty Kiểm toán AFC Việt Nam cũng nhấn mạnh, đơn giá mua sỉ nước sạch từ Công ty mẹ - Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, áp dụng khi tính giá vốn trong nửa đầu năm nay chưa được Hội đồng quản trị thông qua.
Do đó, kết quả kinh doanh có thể bị thay đổi khi đơn giá mua sỉ nước được phê duyệt chính thức khác giá tạm tính.
Trường hợp của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA) cũng khiến kiểm toán "bối rối" tại báo cáo tài chính bán niên năm 2020 vừa qua với hàng loạt kết luận ngoại trừ với 3 cơ sở cùng 3 vấn đề cần nhấn mạnh.
Đầu tiên phải kể đến khả năng thu hồi các khoản phải thu về hỗ trợ vốn và lãi phát sinh với trị giá 126,6 tỷ đồng của VEAM (bao gồm giá trị vốn và lãi phát sinh tương ứng 91,5 tỷ đồng và trên 35,1 tỷ đồng).
Theo công ty kiểm toán VACO, do không thu thập được các bằng chứng đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp nên công ty kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, hay điều chỉnh các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất hay không.
Ý kiến ngoại trừ số 2 liên quan đến một số mặt hàng chậm luân chuyển có giá trị 1.175,5 tỷ đồng. Trong đó, 63,4 tỷ đồng tại văn phòng Tổng công ty và 1.111,1 tỷ đồng tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá - cũng không được VEAM đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Hiện số hàng hoá này đã được trích lập dự phòng 214,7 tỷ đồng.
"Với các bằng chứng thu thập được không đủ để đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của số hàng tồn kho nói trên. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn hay điều chỉnh các khoản mục khác có liên quan hay không", đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ.
Cuối cùng là khoản chi phí trả trước trị giá gần 288,9 tỷ đồng của CTCP vật tư thiết bị toàn bộ, tăng gần 12,6% so với thời điểm 31/12/2019 bao gồm phí khấu hao, lãi vay và một số khoản chi phí khác được vốn hoá của nhà máy sắt xốp. Đối với vấn đề này kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ do không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về giá trị của khoản chi phí này.
Do đó, công ty kiểm toán không thể đánh giá được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản chi phí trả trước dài hạn và các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính giữa niên độ hay không.
Không chỉ lao dốc về lợi nhuận, Sasco của đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn còn nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khoản đầu tư đang mắc kẹt tại DongABank .
Cụ thể, ghi nhận tại BCTC bán niên, kiểm toán có nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và đầu tư góp vốn vào Xây dựng Công nghiệp (Descon), giá trị ghi nhân trên Bảng cân đối kế toán theo giá trị sổ sách lần lượt là 28,6 tỷ và 4,9 tỷ đồng. Theo kiểm toán, tại ngày lập BCTC này phía kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ thông về khả năng thu hồi các khoản đầu tư tài chính trên, do đó không thể xác định được liệu có cần phải điều chỉnh số liệu hay không?
Tương tự, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) bị đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị hơn 10.800 tỷ đồng tại ngày 30/06/2020. Kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng hơn 7.298 tỷ đồng (nằm trong số dư trên). Theo đó, phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến BCTC hợp nhất bán niên 2020 của HAG.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh rằng, khoản nợ ngắn hạn tại ngày 30/06/2020 của HAG đã vượt quá tài sản ngắn hạn của HAG với số tiền hơn 1.372 tỷ đồng.
Kiểm toán "bó tay" từ chối đưa ra ý kiến
CTCP Phân phối Top One (TOP) là một trong những doanh nghiệp bị kiểm toán "từ chối đưa ra ý kiến" trong mùa báo cáo bán niên năm nay.
Báo cáo soát xét do Công ty TNHH Kiểm toán TTP thực hiện, hàng loạt vấn đề đã bị kiểm toán viên nêu ra.
Cụ thể, trong tháng 6/2020, Công ty đã chuyển nhượng 47% vốn tại CTCP Lâm nông sản thực phẩm Hà Giang, dẫn đến khoản lỗ tài chính 84,2 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu tại đây về 48%, tuy nhiên đơn vị kiểm toán không xác định được giá trị hợp lý của doanh nghiệp này.
Đến thời điểm 30/6/2020, TOP cũng chưa trích lập dự phòng cho khoản giảm giá đầu tư vào Lâm nông sản thực phẩm Hà Giang dù nếu tạm tính theo giá chuyển nhượng gần nhất (giá của hợp đồng trên là 32.000 đồng/cổ phiếu), TOP sẽ cần trích lập dự phòng cho khoản đầu tư là 86 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng cho biết, theo biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 12/6/2020, TOP đã thực hiện góp vốn 17,3 tỷ đồng vào CTCP Chăn nuôi Hà Giang 1 và 17,3 tỷ đồng vào CTCP Chăn nuôi Hà Giang 2, nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa tiếp cận được với hàng loạt hồ sơ liên quan đến dự án.
Trước đó, tại báo cáo tài chính 2019, TOP bị một công ty kiểm toán khác là CPA Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến với nhiều vấn đề liên quan đến công nợ phải thu, chuyển nhượng cổ phần, góp vốn.
Đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, việc một BCTC bị kiểm toán viên "từ chối đưa ra ý kiến" là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao về chất lượng tài sản, dòng tiền, lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là không đủ độ tin cậy, tương ứng rủi ro lớn khi đầu tư vào những doanh nghiệp này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.