Kiên Giang: Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI
Kiên Giang: Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI
Hồng Cẩm - Ngô Văn Tước
Thứ sáu, ngày 16/10/2020 11:03 AM (GMT+7)
Sáng 16/10 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo đại hội.
Đại hội còn có 342 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 60 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ tham dự.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết: Báo cáo chính trị trình Đại hội hôm nay đã thực sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà; phù hợp với định hướng của Trung ương và sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI được Bộ Chính trị đánh giá cao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, dân, quân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra.
Tuy nhiên, cũng còn nổi lên một số hạn chế, đó là: Kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều. Tình hình an ninh biên giới, biển-đảo, an ninh nông thôn, an ninh thông tin, tội phạm, tệ nạn xã hội, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân từng lúc còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt hạn chế.
Trước những kết quả và hạn chế của nhiêm kỳ qua, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: "Tại Đại hội này, chúng ta có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá để đưa tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới".
Báo cáo kết quả Nghị quyết tại Đại hội, bà Đặng Thị Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.504 USD năm 2020 (gấp 1,45 lần so với năm 2015).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng. Du lịch biển có bước phát triển khá mạnh, tổng lượng khách du lịch đạt trên 28,2 triệu lượt khách. Đời sống của nhân dân ven biển và trên các đảo từng bước được cải thiện.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững. Công tác phát triển nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo. Ban hành nhiều chính sách thu hút lao động chất lượng cao, có trình độ đại học, sau đại học, chuyên môn sâu ở các lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ đạt chuẩn và nâng cao trình độ các mặt để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác (đến nay cán bộ cấp cơ sở đạt chuẩn 94,25%, cấp huyện 97,98%, cấp tỉnh 98,72%). Trình độ dân trí từng bước được nâng cao, số người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 2,17% dân số…
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rút ra một số kinh nghiệm bốn bài học kinh nghiệm: Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Hai là, phải luôn chú trọng giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, vừa để bảo đảm sự ổn định, vừa làm nhân tố để trên dưới cùng chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Ba là, phải xuất phát từ lợi ích thiết thân, hài hòa và chính đáng của nhân dân đi đôi với phát huy dân chủ, thực thi các cơ chế chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân. Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, giữ vững quốc phòng-an ninh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.