Kiến nghị cấm nhập ngũ cốc từ Ấn Độ: Các bên vẫn bất đồng

Thứ sáu, ngày 20/04/2012 12:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi phát hiện ngô và đậu tương nhập khẩu từ Ấn Độ có chứa mọt Trogoderma Granaiuum (TG), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã kiến nghị Bộ NNPTNT cấm nhập khẩu hoàn toàn ngũ cốc từ Ấn Độ.
Bình luận 0

Tuy nhiên, đề xuất này của Cục BVTV nhằm bảo vệ sản xuất trong nước một lần nữa lại bị Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi phản đối.

Cấm để bảo vệ hàng nông sản xuất khẩu

Theo thông báo mới nhất của Cục BVTV, trong tháng 3 vừa qua, cơ quan này đã phát hiện thêm 5.000 tấn nguyên liệu thức ăn gia súc được một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bình Dương nhập về bị nhiễm mọt TG. Lập tức, Cục BVTV đã yêu cầu buộc tái xuất lô hàng nói trên. Như vậy, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có tới 16.523 tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và khô đậu nhập khẩu từ Ấn Độ về nước ta, bị nhiễm mọt TG, phải tái xuất.

img
Sản xuất ngô trong nước chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn.

Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Mọt TG là một trong 100 loài sinh vật xâm lấn thuộc kiểm dịch thực vật nhóm 1, chưa từng có ở nước ta, rất nguy hiểm và đã được cả thế giới cảnh báo. Đây là loài mọt sinh sản rất nhanh, rất khó phòng trừ và tiêu diệt, nó có thể sống rất lâu trong các hốc cây, góc kho, nhà… Khi có điều kiện, chúng sẽ sinh sôi, nảy nở thành đàn, lúc đó sẽ không thể phòng trừ được và tác hại của chúng gây ra là rất khủng khiếp”.

Ông Trung nói thêm: “Nhiều nước kiểm soát rất khắt khe loại mọt này, chỉ cần phát hiện lô hàng có nhiễm mọt TG sẽ lập tức cắt không nhập hàng của quốc gia đó nữa. Hàng năm, nước ta xuất khẩu khoảng hơn 7 triệu tấn gạo, chưa kể các loại nông sản khác như cà phê, điều. Nếu chúng ta không kiểm soát được, mọt TG có thể xâm nhập vào lãnh thổ, hàng nông sản sẽ bị nhiễm mọt. Khi đó, các nước sẽ cắt không nhập khẩu, thiệt hại là không thể đo đếm được”.

Kết quả kiểm tra của Cục BVTV cho thấy, trong vài năm gần đây, hầu như năm nào cũng phát hiện các lô hàng nhiễm mọt TG được nhập khẩu từ Ấn Độ. Trong quý I/2011, Cục BVTV đã từng yêu cầu tái xuất 100.000 tấn ngô do nhiễm mọt TG. Ông Trung cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần có công văn đề nghị phía Ấn Độ kiểm dịch chặt chẽ trước khi xuất khẩu, nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết. Hiện chúng tôi đang gửi kiến nghị trình lãnh đạo Bộ NNPTNT ra quyết định tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng có nguy cơ nhiễm mọt TG cao.

Không thể cứ không kiểm soát được là cấm

Trước đề xuất trên của Cục BVTV, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã phản đối rất gay gắt. Ông Lịch nói thẳng: “Chúng tôi không đồng tình với đề xuất của Cục BVTV về kiến nghị cấm nhập khẩu các mặt hàng như ngô, khô đậu tương từ Ấn Độ”. Theo ông Lịch, để kiểm soát mọt TG, các cơ quan chức năng cần đầu tư máy móc, thiết bị, con người đủ khả năng để thực hiện, chứ không phải cứ hễ không kiểm soát được là lại cấm.

“Theo ông Hoàng Trung, nếu Bộ NNPTNT đồng ý cấm nhập ngũ cốc từ Ấn Độ, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nhưng theo tôi các doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên liệu từ Australia, Mỹ, Argentina, Nga… để thay thế và đảm bảo chất lượng hơn.

Hiện trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn ngô, khô đậu tương từ Ấn Độ và khoảng 2 triệu tấn từ Argentina, Mỹ, cũng như một số nước Mỹ La tinh. Ông Lịch cho hay: “Nếu nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, thời gian vận chuyển hàng hóa về đến nước ta chỉ mất khoảng 28 ngày, còn nhập ở các nước Nam Mỹ phải mất 50 – 55 ngày, vì thế chi phí sẽ tốn kém hơn 15 – 30% so với nhập từ Ấn Độ. Đây là một khó khăn rất lớn, vì có thể kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng theo”.

Trao đổi với NTNN, tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng nói, thực tế Cục BVTV đã mấy lần có đề nghị về vấn đề này, nhưng chưa giải quyết được. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ chính thức có ý kiến với Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi để tìm hướng giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem