Theo đó, lãnh đạo Sở Xây dựng đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao UBND quận Thủ Đức, phải chỉ đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh “khẩn trương tổ chức thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng không phép” của ông Lê Hữu Thành – phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức – và người nhà.
UBND phường Hiệp Bình Chánh phải lập hồ sơ xử lý 2 hạng mục công trình không phép còn lại của ông Lê Hữu Thành (nhà xưởng 500 m2, xây dựng năm 2012) và bà Lê Thị Tuyết - người nhà ông Thành (xưởng da xây dựng năm 2016).
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thị sát hiện trường, chỉ đạo xử lý sự việc hôm 22/10. Ảnh: Ngọc Tiến
Đặc biệt, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm xử lý, chậm tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng không phép bị báo chí phản ánh”.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng giám sát việc xử lý vi phạm 2 hạng mục công trình không phép chưa lập hồ sơ xử lý và công tác cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm của UBND quận Thủ Đức.
Ông Đỗ Cao Bằng (sinh 1949, là cựu chiến binh, thường trú 187/1C Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận, TPHCM) bức xúc “tố” với PV Dân Việtt: “Tôi đứng tên quyền sử dụng thửa đất số 769-16 và số 796-17, diện tích 1.000m2, thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Lô đất trên được quy hoạch xây biệt thự. Do chưa xây biệt thự, tôi uỷ quyền cho vợ chồng con gái là Đỗ Minh Yến - Trần Ngọc Việt trông coi.
Vì thấy đất bỏ hoang, sợ trở thành nơi ẩn chứa của các đối tượng tệ nạn xã hội, nên các cháu mới xây nhà trọ cho thuê... Khi nào tôi xây biệt thự thì dỡ bỏ nhà trọ (tại khu vực đó, có nhiều hộ khác cũng xây nhà trọ cho thuê, vừa giữ đất, vừa có thu nhập, trong lúc chưa xây biệt thự...).
Nhà trọ cho thuê của ông Bằng đã bị đập phá trong chốc lát. Ảnh: Trần Việt
Suốt gần 2 năm (2016-2017), có 44 phòng trọ xây tạm và cho thuê. Bất ngờ, vào ngày 7/8/2017, chính quyền đã đưa lực lượng tới đập phá tan tành toàn bộ 44 phòng trọ, trong khi gia đình tôi, không ai hay biết”.
Đến khi ông Bằng và vợ chồng con gái chạy tới hiện trường, thì toàn bộ 44 phòng trọ, lúc đó chỉ còn lại là đống gạch vụn. Tổng giá trị thiệt hại của 44 phòng trọ ước tính hơn 3,7 tỉ đồng. Trong khi đó, tại khu vực cưỡng chế, có rất nhiều nhà dân khác xây nhà trọ cho thuê với số lượng hàng chục căn, chính quyền vẫn xuê xoa, không cưỡng chế tháo dỡ (?).
Ông Bằng cho rằng, người dân như ông, chỉ việc xây nhà trọ tạm để tạo điều kiện cho công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp thuê; cũng là phù hợp với nhu cầu xã hội, phù hợp với chủ trương nhà nước.v.v… Nhưng trong “chớp mắt”, chính quyền Thủ Đức đã đập tan nát.
Còn nhà xưởng ông Lê Hữu Thành xây dựng không phép đã 7 năm, vẫn bình chân như vại. Ảnh: Ngọc Tiến
Nhưng, với nhà xây dựng không phép, không đúng mục đích sự dụng đất, trên khu vực quy hoạch,… của cá nhân quan chức và người thân, thì tồn tại tới nay đã 7 năm vẫn chưa cưỡng chế, tháo dỡ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.