Kiến tạo - đích đến của báo chí hiện đại

P.V Thứ tư, ngày 21/06/2023 06:32 AM (GMT+7)
Báo chí chung tay cùng xã hội kiến tạo giải pháp xử lý các vấn đề tồn tại, sẽ là cách để hạn chế dần định kiến về một bộ phận người làm báo giật gân, câu khách, thiên về tiêu cực.
Bình luận 0

Nhà báo phải tìm được cốt lõi của vấn đề

Trong một buổi giao lưu nghiệp vụ do Báo NTNN tổ chức, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định: "Báo chí kiến tạo là báo chí vì mục tiêu phát triển, báo chí xây dựng và báo chí giải pháp". Nhưng để có được tác phẩm báo chí kiến tạo, người làm báo phải có "kỹ thuật".

"Có những việc những nghề nghiệp khác không làm được nhưng nhà báo phải làm được, nhà báo đi tìm kiếm bản chất cốt lõi của câu chuyện, đưa những sự thật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày, đến nhận thức của người dân. Không chỉ đưa ra những giải pháp, mà báo chí phải có tính điều tra để cung cấp toàn bộ câu chuyện cho người đọc, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chúng"- PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

gop/Kiến tạo - đích đến của báo chí hiện đại - Ảnh 1.

Thông tin giải cứu trứng gà trên đường phố Hà Nội đầu năm 2023 là không chính xác. Ảnh: Minh Ngọc

"Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét, do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan".

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật

Nói một cách khác, ngoài các loạt bài điều tra, phản ánh các vấn đề bức xúc trong xã hội, nêu ý kiến của người dân, báo chí cần đưa ra các giải pháp có tính khả thi. Để làm được điều đó, báo chí phải đi đến bản chất sự việc, cốt lõi vấn đề để cung cấp toàn bộ câu chuyện đến bạn đọc. Thông qua đó, cung cấp các nội dung mang tính chất xây dựng.

Cùng quan điểm trên, TS Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi ngày càng nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng". Thông tin được TS Vũ Thanh Vân đưa ra tại một Hội thảo về Báo chí kiến tạo do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Theo TS Vân, nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách có thể càng làm xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và có trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực, nhưng cần trả lời nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.

Chân lý "một nửa sự thật… chưa bao giờ là sự thật"

gop/Kiến tạo - đích đến của báo chí hiện đại - Ảnh 3.

Nhiều chủ trang trại khẳng định giá trứng gà đầu năm 2023 vẫn ổn định, không đến mức phải giải cứu. Ảnh: M.N

Trong thực tế, có những bài viết, dòng tin trên báo chí mới chỉ là phần ngọn, là "một nửa sự thật" đã bị xuyên tạc trên mạng xã hội, bị đẩy lên thành câu chuyện sai bản chất, thậm chí bị các thế lực thù địch biến thành luận điều sai lệch. 

Chúng ta đã từng có những bài học giật tít về nông sản Việt như sầu riêng rớt giá thảm hại hay xuất hiện thuốc trừ sâu trong hoa quả xuất khẩu. Một bài báo, một dòng tin có thể làm ảnh hưởng đến cả vụ mùa của nông dân, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của đất nước.

Một câu chuyện khác về việc kiểm chứng thông tin và phải đi tìm bản chất sự việc của báo chí. Đầu năm 2023, trên đường phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt điểm trưng biển "giải cứu trứng gà" với giá rẻ chỉ 15.000 - 20.000 đồng/chục mời chào người mua. 

Một số cơ quan báo chí ngay lập tức thực hiện chùm ảnh, làm những dòng tin với mong muốn hỗ trợ người nông dân bán được trứng gà. Một số cơ quan báo chí khác, trong đó có Báo NTNN không vội vàng phản ánh "một nửa sự việc" trên đường phố. PV Báo NTNN ghi nhận thị trường ở nội đô Hà Nội, đến các trang trại sản xuất trứng, gặp các nhà phân phối để có cái nhìn toàn cảnh phản ánh trong bài viết.

"Tại các trang trại nuôi gà đẻ trứng đạt chuẩn ở ngoại thành Hà Nội, ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… người nuôi đều khẳng định không có chuyện phải giải cứu trứng, giá trứng vẫn ổn định. Các nhà sản xuất lớn, cũng như các nhà phân phối cũng cho biết không có chuyện phải giải cứu trứng gà. Sự thật là, một số ít trứng gà chất lượng không tốt được cá nhân thương lái đưa ra ngoài, giảm giá để đẩy hàng" – nhà báo Minh Ngọc, Ban Hội và Tam nông Báo NTNN kể lại. Không lâu sau đó, những tấm bảng quảng cáo giải cứu trứng gà đã không còn xuất hiện trên các tuyến đường ở Thủ đô nữa.

Do đó, nguyên tắc "một nửa sự thật không phải là sự thật" cần được các phóng viên, biên tập viên và tòa soạn luôn ghi nhớ. Báo chí giữ được sức mạnh khi thông tin khách quan, đa chiều, phản ánh rõ sự thật. Từ đó sẽ hạn chế được tình trạng giật gân câu khách.

Phóng viên tử tế sẽ tạo lên một tờ báo tử tế

Tại một Hội thảo do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, các chuyên gia, nhà báo đã chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm của người làm báo trong môi trường tác nghiệp hiện nay. 

Từ kinh nghiệm mô hình báo chí kiến tạo tại Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Hoàng Nhật nêu lên vấn đề về sử dụng con người, bắt đầu từ phóng viên. "Trước hết tòa soạn đặt ra yêu cầu với phóng viên phải tập trung vào giải pháp. Phóng viên có thể phơi bày thực trạng vấn đề, nhưng phải cho thấy có giải pháp khắc phục"- nhà báo Hoàng Nhật cho biết.

Trong quá trình thực hiện tin bài, phóng viên phải đảm bảo tính cân bằng, không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi, gây hoang mang dư luận. "Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét, do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan"- nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật thông tin.

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng mục tiêu bài viết không phải là lượt xem cao hay thấp, điều quan trọng là bài viết đạt được mục tiêu gì và kết quả giải quyết được vấn đề gì. Trong quá trình xử lý thông tin bài viết, phóng viên cũng phải biết xử lý cảm xúc bản thân bởi người làm báo cũng là con người của xã hội. 

"Nguyên tắc khi tác nghiệp, không ai và không nơi nào có quyền đặt trên người khác theo kiểu tôi làm báo thì tôi có quyền yêu cầu, quyền được đáp ứng cái này, cái kia. Với tất cả những đối tượng chúng ta viết tạm gọi là không tích cực thì người ta cũng có quyền để giải thích, thuyết minh về những hành động của họ. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xem và phải đối chiếu, kiểm chứng các thông tin để thấy rằng những điều đó là đúng, là có lý hay không. Từ đó tạo ra được những thông tin mang tính chất đàng hoàng và đa chiều. Khi có những phóng viên tử tế sẽ tạo nên một tòa soạn tử tế, một tờ báo tử tế. Và chúng ta hoàn toàn có thể sống được với sự tử tế đó" – Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định.

Để có được nền báo chí kiến tạo, PGS-TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, điều đầu tiên báo chí phải đưa tin khách quan, nói lên sự thật mang tính chọn lọc. Tiếp đó, báo chí phải giám sát và phản biện xã hội. Điều cuối cùng là cần nâng cao trình độ đội ngũ nhà báo. Người làm báo cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin. 

TS. Trần Bá Dung – nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Biết "sử dụng" chuyên gia để tìm ra giải pháp

Tôi cho rằng, xu hướng "báo chí kiến tạo" (constructive journalism) hay "báo chí giải pháp" (solutions journalism), tin tức kiến tạo (constructive news) là tất yếu trong sự phát triển của báo chí để phù hợp với công chúng.

Báo chí từ chỗ là người tiếp nhận thông tin thụ động thành người giám sát báo chí và "đồng sáng tạo".

Báo chí không chỉ "phanh phui sự thật" (phản ánh tiêu cực), mặc dù điều này là hết sức cần thiết và cũng là sự mong đợi vốn có của công chúng; mà còn tìm ra nguyên nhân, tập trung vào giải pháp để khắc phục, giải quyết, hướng tới kết quả tích cực, nhấn mạnh vai trò tích cực và trách nhiệm xã hội của báo chí.

Nhà báo có thể phơi bày thực trạng tiêu cực, nhưng cuối cùng vẫn cho thấy giải pháp khắc phục.

Để kiến tạo giải pháp, báo chí phải thông tin đa chiều, vì lợi ích chung, lắng nghe thông tin nhiều phía, ý kiến cơ quan chức năng và cả đối tượng được phản ánh.

Nhà báo phải hiểu biết chính trị, pháp lý, văn hóa và tri thức chuyên ngành mà mình viết, kỹ năng nghiệp vụ, trên cơ sở cái tâm trong sáng…

Để có tác phẩm báo chí tốt, chuyên gia báo chí nước ngoài cho rằng, phải có ví dụ từng là giải pháp tốt và sử dụng ý kiến chuyên gia.

Nghĩa là, nhà báo phải có "giải pháp tốt" trong kinh nghiệm và biết sử dụng chuyên gia.

Báo chí hiện đại cũng chính là báo chí kiến tạo. Nếu đích đến của văn học là các giá trị chân - thiện - mỹ thì đích đến của báo chí là tìm ra giải pháp phù hợp (về mặt xã hội, chính sách…) để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tích cực các vấn đề xã hội, vì nhân dân.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI: Thúc đẩy việc khởi động các chính sách

Hằng ngày, hằng giờ có rất nhiều bản tin, bài báo đăng tải, viết về pháp luật và chính sách.

Rõ ràng báo chí giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghị trường và người dân, là kênh dẫn chính sách vào cuộc sống.

Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách cũng biết đến dòng chảy thực tế cuộc sống qua báo chí. Đã có những bài báo có thể đánh động lên cả cấp cao nhất, làm thay đổi cả những chính sách lớn.

Báo chí chính là nơi phù hợp nhất để phát hiện các bất cập trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, từ đó cộng đồng DN đề xuất các sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách, pháp luật mới đáp ứng các đòi hỏi thực tế. Những thông tin đăng tải từ báo chí không chỉ chuyển tải thông tin mà còn giúp khởi động các hành động chính sách từ các cơ quan nhà nước.

Báo chí có thể xem là diễn đàn cho những trao đổi nhiều chiều về các dự thảo chính sách, pháp luật giữa các DN, giữa DN và các giới, huy động trí tuệ của xã hội vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật kinh tế; Lấy ý kiến đối với các chính sách, pháp luật kinh tế không chỉ là việc tìm kiếm một vài ý kiến của một vài DN, đơn vị, cá nhân đối với các dự thảo.

Lấy ý kiến là hoạt động để đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách, lập pháp, lập quy, là cách để nâng cao tri thức, tăng cường sự quan tâm của DN, người dân vào các chính sách, pháp luật và là sự chuẩn bị cho quá trình thực thi.

Để làm được điều này, việc góp ý phải được thực hiện rộng rãi, nhiều chiều.

Khi đến được nhiều người, rõ ràng báo chí là công cụ hữu ích tạo dư luận để các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của DN và cộng đồng, chuyển tải các ý kiến này vào nội dung các chính sách, pháp luật liên quan.

Nhà báo Vũ Minh Hoàn: Lối thoát cho báo chí chính thống

Trong cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí và mạng xã hội, luôn có một câu hỏi đặt ra đối với người làm báo là: Vì sao độc giả phải đọc tin tức trên báo chí trong khi mạng xã hội đang được ví như một xa lộ thông tin khổng lồ?

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, độc giả dành thời gian đọc tin tức trên mạng xã hội nhiều hơn trên báo chí.

Tin tức báo chí cũng được "phát hành" thông qua kênh mạng xã hội. Và cũng để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là người dùng mạng xã hội, nhiều tờ báo đang đánh mất lợi thế "cơ quan thông tin chính thống" bằng việc sản xuất quá nhiều tin bài chạy theo trend, là những nội dung bề nổi dừng ở mức độ phản ánh sự việc, hiện tượng; trong khi lại dành rất ít thời gian cho những nội dung có hàm lượng thông tin đem đến tri thức, sự hiểu biết cho người đọc.

Những câu chuyện về giải pháp với cấu trúc và phương pháp kể chuyện "làm thế nào" (Howdunnits) luôn thu hút sự quan tâm của độc giả, có khả năng được chia sẻ, tương tác nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Các nghiên cứu về tâm lý độc giả chỉ ra, người đọc sẽ cảm thấy mạnh mẽ, tích cực, ít hoài nghi về các vấn đề báo nêu khi bài viết nêu ra giải pháp tin cậy cho các vấn đề xã hội.

Dẫn chứng là: Một thông điệp cảnh báo thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu sắp xảy ra ít có khả năng khiến người dân hành động hơn những tin tức phản ánh có ai hay tổ chức nào đó đang có giải pháp, phương án tin cậy giải quyết vấn đề xã hội này.

Báo chí giải pháp có thể là một trong những con đường đem đến thay đổi tích cực cho các toà báo, chí ít là tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa một sản phẩm báo chí và tin tức phản ánh đầy rẫy trên mạng xã hội hiện nay. Tin tức phải là chất xám của lao động nghề báo chứ không phải là bản sao của mạng xã hội. Báo chí giải pháp vừa là cách thức, vừa là mục tiêu cần đạt đến với sứ mệnh cải tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Nhóm PV (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem