Trí tuệ nhân tạo - “cuộc cách mạng” trong các tòa soạn?

Nhóm P.V Thứ ba, ngày 20/06/2023 13:06 PM (GMT+7)
Theo nhóm nghiên cứu Bộ Thông tin và Truyền thông, từ khi xuất hiện trí tuệ nhân tạo (AI) và đỉnh cao là sự xuất hiện của Chat GPT, những thay đổi mà ngành báo chí, truyền thông hiện đang trải qua có những điểm tương đồng với “các cuộc cách mạng công nghiệp” trước đây. Vậy làm sao ứng dụng AI cho hiệu quả?
Bình luận 0

Chỉ còn chỗ cho những nhà báo biết kể những câu chuyện thật

Một nghiên cứu của Bộ TTTT cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data... vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn như Thông Tấn xã Việt Nam, VnExpress, VietNamNet, ... đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện với các trang báo đáp ứng tiêu chí Mobile First, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại...

Việc ứng dụng AI cũng đang được bước đầu ứng dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn: Podcast, Text to Speech, Text to Video… Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả cũng là một ứng dụng AI mà một số toà soạn lớn cũng đã bước đầu triển khai áp dụng. Sự chuyển dịch doanh thu truyền thông sang mô hình kinh tế báo chí có thu phí cho thấy tại Việt Nam mới có 5 cơ quan thử nghiệm mô hình này: Vietnam+ (2018), VietnamNet và Tạp chí điện tử Ngày Nay (2021); Báo Người Lao động và báo Tuổi Trẻ (năm 2022). Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá hiệu quả các mô hình này.

Cũng theo nhóm tác giả nghiên cứu của Bộ TTTT, sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực. Dữ liệu về hành vi của độc giả sẽ là dữ liệu "không có ngữ nghĩa" sẽ sinh ra giá trị mới vô hạn cho báo chí.

gop/“Cuộc cách mạng” trong các tòa soạn - Ảnh 1.

Tòa soạn hội tụ báo Nhân dân

Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn" được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023. Tại đây, các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Những gì diễn ra trên thế giới, trong vòng cả thập kỷ diễn tiến sôi động và mau lẹ, cho thấy một điều: Ai kiểm soát thông tin, người đó sẽ nắm quyền lực. Điều đó có nghĩa là, nếu một quốc gia nào đó không kiểm soát được trợ lý ảo nào thì thậm chí lịch sử của quốc gia đó có thể bị kẻ khác viết lại thông qua các trợ lý ảo của họ được thế giới dùng. Việc sử dụng tùy tiện có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được. Chỉ những nhà báo chân chính hiểu và có lập trường tư tưởng vững vàng thì công nghệ mới được sử dụng đúng mục đích.

Đối với báo chí Việt Nam, các khóa đào tạo sử dụng AI, hướng mục tiêu sáng tạo, kể chuyện hay trong báo chí cần phải được triển khai và được coi là tiêu chí bắt buộc, khiến các nhà báo, phóng viên phải học hỏi suốt đời. Mỗi cơ quan báo chí phải trở thành "một doanh nghiệp công nghệ số"- Hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số để có bộ dữ liệu chuẩn, nâng cao khả năng dự báo và đào tạo công nghệ cho các nhà báo...

Không nên quá tôn sùng, thần thánh hóa AI 

gop/“Cuộc cách mạng” trong các tòa soạn - Ảnh 3.

Báo chí đa phương tiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo được nhiều tòa soạn áp dụng - PV Trung tâm truyền hình số báo Dân Việt tác nghiệp. Ảnh: A.P

Đi tìm đáp án cho câu hỏi ai đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí?

TS Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết thứ nhất, xét cho cùng thì trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là công cụ, phương tiện để hỗ trợ con người thực hiện các công việc được thuận tiện hơn, chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. Bởi sự hỗ trợ của AI đôi khi chưa toàn diện, chưa mang lại kết quả chính xác như mong muốn. Đôi khi còn sai lệch, gây nhầm lẫn nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI. Trong khi đó, lao động sáng tạo của PV đòi hỏi phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện ra những đề tài, vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống thực. Nên PV vẫn phải lăn xả vào cuộc sống để cho ra đời những bài báo của riêng mình.

Thứ hai, việc ứng dụng AI ở cơ quan cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại như: Vấn đề về đạo đức nhà báo, đòi hỏi chi phí lớn, chất lượng báo chí, nguy cơ thất nghiệp cho đội ngũ làm báo. Nhìn chung, chính bản thân các nhà báo đã tự nhận ra, sự bùng nổ của AI vừa tạo nên những thách thức mới, cũng như tạo ra những thuận lợi mới cho báo chí. Điều này đòi hỏi cơ quan báo chí và nhà báo phải luôn vận động, trau dồi cả những kỹ năng bề rộng và những kỹ năng bề sâu, luôn học hỏi, cập nhập những tiến bộ của AI cũng như của các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, AI làm được nhiều điều kỳ tích, nhưng chúng ta cũng không nên quá tôn sùng, thần thánh hóa AI. 

Cung cấp kho dữ liệu khổng lồ cho người dùng

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực đã được ngành công nghệ thông tin nghiên cứu từ rất sớm. Việc áp dụng các phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo hiện nay phổ biến trong các nhiều hoạt động nghiệp vụ, giúp con người có thể tiết kiệm thời gian và công sức lao động. Đặc biệt, ChatGPT ra đời đã đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ của lĩnh vực ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Điểm tạo nên sự khác biệt của các phần mềm này là việc không ngừng thu thập dữ liệu, phân tích và tăng vốn hiểu biết thông qua các dữ liệu được thay đổi liên tục trên không gian mạng và các dữ liệu thu thập được trong khi vẫn dự đoán các nội dung của câu hỏi.

TS Trần Quang Diệu - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Minh bạch việc sử dụng AI trong các bài viết

Khi AI trở nên phổ biến hơn trong các toà soạn, các nhà báo phải biết các phương pháp để sử dụng AI một cách hiệu quả và có đạo đức. Một trong những phương pháp hay nhất là minh bạch về việc sử dụng AI trong các bài viết, tác phẩm báo chí. Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đánh giá cao tầm quan trọng của việc minh bạch trong quá trình sản xuất các tác phẩm báo chí. Các nhà báo, phóng viên nên công khai về việc sử dụng AI trong tác phẩm của họ và công chúng cần được biết về cách AI được sử dụng để đảm bảo tính chính xác và khách quan trọng tác phẩm đó. Các nhà báo nên thận trọng khi sử dụng nội dung do AI tạo ra và luôn xác minh tính chính xác của thông tin trước khi xuất bản.

TS Phạm Chiến Thắng Trưởng Khoa Báo chí - Truyền thông,

Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

Chỉ hỗ trợ không thể thay thế!

ChatGPT ra đời thực sự là cơ hội cho nhà báo nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sáng tạo tác phẩm và sản xuất các loại hình sản phẩm báo chí truyền thông. Tuy nhiên, ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế được sự tinh tế và khả năng suy luận của con người trong việc đánh giá và phân tích thông tin. Một tin tức báo chí do nhà báo viết, ngoài việc thực hiện nhiều nghiên cứu, phỏng vấn, thu thập thông tin và kiểm tra sự chính xác của thông tin trước khi đưa ra bài viết còn phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguyên tắc báo chí để đảm bảo tính chính xác và khách quan của tin tức.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh

Trưởng khoa Quan hệ quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem