"Kiếp nạn" thiếu chỗ gửi xe của sinh viên

Thứ bảy, ngày 04/11/2023 06:53 AM (GMT+7)
Gửi xe ở bãi trông xe ở một số trường đại học nội đô Hà Nội từ lâu được sinh viên ví như “kiếp nạn”, đặc biệt là những ngày mưa.
Bình luận 0

7h - 8h sáng, bãi gửi xe của ĐH Quốc gia Hà Nội (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy) đã ken đặc xe quay ngang, quay dọc. Sinh viên Nguyễn Thanh Thủy, Trường ĐH Ngoại ngữ, cho biết sáng nào cũng phải căn giờ đến sớm hơn thời gian biểu học tập 30 phút để có chỗ gửi xe. Những hôm trời mưa, Thủy phải đi sớm cả tiếng để tránh tắc khi vào bãi.

Tại trụ sở ĐH Quốc gia Hà Nội hiện nay có sinh viên một số trường, khoa thành viên theo học như Trường ĐH Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Y dược, Khoa Quốc tế Pháp ngữ... nhưng chỗ gửi xe rất hạn chế. Có bãi gửi đối diện nhà điều hành của ĐH Quốc gia Hà Nội, một bãi gửi giáp ranh với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nên bãi này không chỉ sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội mà cả sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng gửi. Còn một bãi gửi nữa nằm bên cạnh sân vận động Trường ĐH Ngoại ngữ. Ba bãi gửi xe này thực tế chỉ đủ chỗ để cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ gửi.

"Kiếp nạn" thiếu chỗ gửi xe của sinh viên - Ảnh 1.

Bãi gửi xe của trường đại học luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Nghiêm Huê

Gửi xe cũng là “vấn nạn” của sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội. Hiện nay, trong khuôn viên trường có 2 bãi gửi xe. Ngoài phục vụ sinh viên, nơi đây còn là chỗ gửi xe của bệnh nhân đến khám bệnh, điều trị tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Hình ảnh thường thấy của sinh viên khi đi học muộn là biển “hết chỗ” trước bãi trông xe. Trần Tuấn Anh, sinh viên Y3, cho biết có hôm đi cả hai bãi không có chỗ gửi, Anh phải sang đường gửi trong khu tập thể của người dân, rất mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lí. Trường ĐH Y Hà Nội có khoảng 2.500 cán bộ, giảng viên, bác sĩ, viên chức nên bản thân các giảng viên cũng gặp khó khi kiếm chỗ gửi xe.

“Giải quyết chỗ gửi xe cho sinh viên không chỉ là trách nhiệm của Ban giám hiệu trong trường mà còn là câu chuyện ngoài cổng trường. Cũng giống như bài toán gửi xe trên các tuyến phố và trong bệnh viện của Hà Nội”.

PGS.TS Phạm Duy Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

18h00 hằng ngày trong tuần, không chỉ sinh viên đi xe máy, sinh viên đi bộ tới ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chật vật khi thoát ra khỏi cổng trên ở đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, để trở về khu kí túc xá phía bên kia đường hoặc sang đường đi xe bus. Sinh viên hết ca học ban ngày, sinh viên vào ca học buổi tối đã khiến cổng của ĐH Bách khoa Hà Nội luôn tắc nghẽn, ken cứng người và phương tiện đi lại. Nhiều sinh viên ước có một cây cầu vượt để sang đường mỗi giờ tan lớp.

Tình trạng quá tải chỗ gửi xe trong trường ĐH còn diễn ra tại các thành phố lớn khác, đặc biệt là tại TPHCM. Vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM khuyến cáo sinh viên nên đi học sớm để tránh tình trạng kẹt xe tại trước bãi gửi xe dẫn đến phải vào lớp muộn; hoặc có thể đến trường bằng xe bus. Trường thông tin, sinh viên được trợ giá khi đi học bằng xe bus.

Bài toán chung quy hoạch hạ tầng

Ngày 1/11, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia, Hà Nội yêu cầu sinh viên nghiêm túc thực hiện gửi xe đạp, xe máy tại các bãi trông giữ xe theo đúng quy định. Nghiêm cấm để xe đạp, xe máy tại khu vực xung quanh tòa nhà E4 và khuôn viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo thông tin từ Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Dịch Vọng Hậu, tháng 9, tháng 10 thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp xe đạp, xe máy của sinh viên do để xe trái phép không có người trông giữ. Xảy ra tình trạng trên một phần là do ý thức của sinh viên nhưng không thể phủ nhận, khu vực ĐH Quốc gia Hà Nội đang thiếu chỗ gửi xe, sinh viên phải đánh liều để ở nơi không có người trông giữ.

Quá tải nơi gửi xe cho sinh viên trong trường ĐH diễn ra từ lâu và ngày càng nghiêm trọng khi chỉ tiêu tuyển sinh không ngừng tăng còn diện tích đất không thay đổi, thậm chí ngày càng hẹp do phải dành chỗ để ô tô cho giảng viên và xây giảng đường. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội trước đây cũng luôn diễn ra tình trạng sinh viên thiếu chỗ gửi xe. Từ khi trường có thêm khu giảng đường mới, hai tầng hầm được dùng làm nơi trông giữ xe cho sinh viên đã giải quyết được bài toán này. Nhà trường thừa nhận nếu không có tòa nhà mới được xây thì chỗ gửi xe cho sinh viên không được giải quyết. Theo tính toán, để xây dựng một bãi gửi xe tĩnh, thông minh, kinh phí cần đến 200 - 300 tỷ đồng. Còn giá vé trông xe cho sinh viên phải đảm bảo là giá dịch vụ rẻ nhất, hiện ở mức 3.000 đồng - 5.000 đồng/lượt/xe. Sự chênh lệch giữa đầu tư và thu về quá lớn như thế nên các đơn vị tư nhân không mặn mà, còn ngân sách nhà nước không có khoản chi quá lớn như thế chỉ để xây dựng một bãi gửi xe.

PGS.TS Phạm Duy Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nêu thực tế không có quốc gia nào đảm bảo chỗ gửi xe cho mỗi sinh viên đến trường ĐH bằng một xe máy hay xe đạp. Các nước phát triển, sinh viên di chuyển bằng phương tiện công cộng. Còn nếu giống như Việt Nam, các nước cũng không thể kham nổi, ví dụ một trường ĐH có quy mô 30.000 sinh viên chính quy, ngày chia 3 ca, trung bình mỗi ca phải đảm bảo chỗ gửi cho khoảng 10.000 phương tiện cá nhân. Nhưng nếu sinh viên di chuyển bằng phương tiện công cộng, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa khả thi.

Nghiêm Huê (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem