Kim Dung đánh bại mọi võ lâm cao thủ, trở thành ‘đệ nhất’ như thế nào?
Kim Dung đánh bại mọi võ lâm cao thủ, trở thành ‘đệ nhất’ như thế nào?
Hiếu Trung
Thứ năm, ngày 17/09/2020 06:30 AM (GMT+7)
Kim Dung không phải là người mở đầu tiểu thuyết võ hiệp tân phái Trung Hoa, nhưng xuất sắc vượt qua mọi tác giả khác, trở thành đệ nhất cao thủ không ai sánh nổi.
Kim Dung là người đi sau Lương Vũ Sinh, bậc “khai sơn trưởng lão” của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Nhưng từ lúc viết Xạ điêu anh hùng truyện (1958) cho đến khi qua đời ngày 30/10/2018, Kim Dung luôn được đánh giá là “võ lâm minh chủ” của văn đàn võ hiệp Trung Quốc, đứng trên Cổ Long và Lương Vũ Sinh một bậc và vượt rất xa các nhà văn khác.
Tiểu thuyết Kim Dung tạo ra cơn sốt “Kim học” thời thập niên 1980, điều mà những danh gia như Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh hay Ôn Thụy An có mơ cũng không được. Thậm chí năm 1994, các giáo sư khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Bắc Kinh đưa Kim Dung vào vị trí thứ tư trong Top 10 đại sư nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc.
Theo danh sách này, Kim Dung chỉ xếp sau những tên tuổi lừng lẫy như Lỗ Tấn, Thẩm Tòng Văn và Ba Kim. Điều đó có nghĩa là Kim Dung không chỉ là “võ lâm minh chủ” thế giới tiểu thuyết võ hiệp, mà còn được công nhận là một bậc đại sư nghệ thuật tiểu thuyết nói chung.
Đây là sự kiện gây chấn động văn đàn Trung Quốc khi đó, dẫn đến nhiều tranh cãi. Bởi ở Trung Quốc, tiểu thuyết võ hiệp là “tục văn học” (văn học bình dân), chỉ để giải trí, không có giá trị như “nhã văn học” (văn học bác học). Vì sao một tác gia “tục văn học” lại có thể ngồi chung mâm với các bậc trưởng thượng “nhã văn học”?
Võ đầy sáng tạo
Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (NXB Trẻ - 2003), điểm đặc sắc nhất của tiểu thuyết Kim Dung là “nhã tục cộng hưởng” (người cao nhã và bình dân đều say mê). Chúng vượt qua ranh giới phân chia “nhã” và “tục”, vượt ra ngoài biên giới của tiểu thuyết võ hiệp.
Tác phẩm Kim Dung cũng tả võ, chuyện hành hiệp trượng nghĩa và những biến ảo ly kỳ của giới giang hồ giống như bao cuốn “truyện chưởng khác”. Nhưng võ - hiệp - kỳ của Kim Dung lại hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại.
Trước hết là chuyện “võ”. Kim Dung có lẽ là tác gia tiểu thuyết võ hiệp duy nhất không chỉ mô tả võ như cách đánh nhau, mà ông nghệ thuật hóa, cá tính hóa, thậm chí triết lý hóa võ công. Đơn cử, cuộc đấu nội lực của Âu Dương Phong, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa trong Xạ điêu anh hùng truyện chẳng khác gì một màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Tương tự, trận chiến giữa Chu Tử Liễu và vương tử Mông Cổ Hoắc Đô (Thần điêu hiệp lữ) là cuộc biểu diễn thư pháp đầy thú vị. Ở Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Tam Phong biến bộ thư pháp về đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên thành một môn võ tuyệt luân, khiến Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cam bái hạ phong.
Hơn nữa, nhiều môn võ của Kim Dung ẩn chứa quan niệm sống sâu xa. Quách Tĩnh học võ của rất nhiều thầy để rồi trở thành đại cao thủ với hàm ý học mọi người để vượt lên họ.
Kiếm pháp của Độc Cô Cầu Bại mà Dương Quá lĩnh hội nói về những tầng bậc nhận thức của đời người, Thái Cực kiếm của Trương Tam Phong và Độc Cô cửu kiếm mà Lệnh Hồ Xung học đều chứa đựng triết lý thâm sâu. Còn võ học tối cao trong Hiệp khách hành phản ánh quan niệm “sở chi chướng” (sự giới hạn bởi nhận thức).
Sự cá tính hóa võ công trong truyện Kim Dung cũng là điều rất rõ. Quách Tĩnh tính tình thuần hậu, rất thích hợp với Hàng long thập bát chưởng, môn võ đơn giản nhưng cứng rắn. Hoàng Dung quá thông minh nên được Bắc Cái dạy Đả cẩu bổng pháp, môn võ biến hóa khôn lường. Còn Vi Tiểu Bảo là tên lưu manh nhát gan, nên chỉ biết môn khinh công lợi hại, chạy rất nhanh khi nguy hiểm ập tới.
Từ đại anh hùng tới tên lưu manh
Tiểu thuyết võ hiệp đương nhiên phải viết về hiệp khách, những người chuyên hành hiệp trượng nghĩa. Chính điểm này khiến loại hình văn học này dễ đi vào lối mòn, thiếu sự sáng tạo. Như Lương Vũ Sinh luôn bị chê là chỉ viết về “người tốt việc tốt”. Còn nhân vật của Cổ Long quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba dạng người.
Ngược lại, các nhân vật của Kim Dung rất sinh động và đa dạng. Trần Gia Lạc của Thư kiếm ân cừu lục có vẻ là hiệp khách lý tưởng, nhưng bản chất yếu đuối tự ti, thậm chí là hèn. Quách Tĩnh có thể coi là đại hiệp 100% duy nhất trong truyện Kim Dung, tuy nhiên xuất thân thấp kém, chỉ là một cậu bé khù khờ.
Trong khi đó, Dương Quá xuất thân có vết nhơ, cha nuôi là đại ác nhân Âu Dương Phong, phản bội sư môn (Toàn Chân giáo), sau bao biến cố mới trở thành hiệp khách. Dương Quá sống đầy tình cảm, đậm chất con người, đậm chất hiện thực.
Trương Vô Kỵ xuất thân nửa chính nửa tà (cha là học trò phái Võ Đang, mẹ là đường chủ Thiên Ưng giáo). Chàng giáo chủ Minh giáo không thực sự có khí phách anh hùng, kiên cường dữ dội, ngược lại rất gần gũi, hiền lành giống như một thanh niên bình thường trong cuộc sống.
Địch Vân của Liên thành quyết chỉ là một gã nhà quê có số phận bi thảm, là nhân vật rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Lệnh Hồ Xung là lãng tử, đấu tranh vì tự do cá nhân, có nhiều khuyết điểm nhưng thông minh dễ thương, tình sâu nghĩa nặng.
Còn Vi Tiểu Bảo là một tên lưu manh mạt hạng, sinh ra và lớn lên trong lầu xanh, mang bản năng sinh tồn cực mạnh. Đối với Vi Tiểu Bảo, hoàng cung nhà Đại Thanh cũng chẳng khác nào một kỹ viện khổng lồ. Do đó, hắn dễ dàng sống sót và vươn lên nhờ những thủ đoạn học ở lầu xanh.
Vi Tiểu Bảo tham sống sợ chết, tự tư tự lợi, mượn gió bẻ măng. Trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia, nhà nghiên cứu Trần Mặc đánh giá Vi Tiểu Bảo là “đệ nhất kỳ nhân” kiêm “đệ nhất chân nhân” trong tiểu thuyết Kim Dung. Ông cho rằng nhân vật này thể hiện “quốc dân tính” của người Trung Quốc, không khác gì AQ của Lỗ Tấn.
Có thể nói các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung có sự phát triển rõ ràng, chân thực và sinh động, không bị đóng vào khuôn khổ. Không chỉ nhân vật chính, các nhân vật phụ như Chu Chỉ Nhược, Quách Phù, Tạ Tốn, Nhậm Ngã Hành… đều được mô tả với những nét đặc sắc riêng, khó có thể tìm thấy trong truyện của các tác giả võ hiệp khác.
Hư hư thực thực
Nhìn chung, rất nhiều tác giả võ hiệp Trung Quốc mắc phải căn bệnh khuôn sáo, sử dụng quanh đi quẩn lại vài mô típ quen thuộc. Đó là chuyện nhà tan người mất, tìm thầy học võ để báo thù rửa hận. Hoặc may mắn có được bí kíp võ công vô địch rồi lại đi phục cừu. Hay trong võ lâm xuất hiện thế lực tà ác, hiệp khách đứng lên trừ kẻ bạo tàn…
Đọc đi đọc lại những cuốn truyện như vậy không khỏi gây ngán ngẩm. Thậm chí một danh gia như Cổ Long cũng không tránh khỏi lối mòn. Các tác phẩm của ông thường ít có không gian rộng lớn, chủ yếu là vài nhân vật tương tác qua lại, rất hấp dẫn nhưng không để lại ấn tượng mạnh. Những tác giả kém hơn thì còn tệ hơn nhiều.
Truyện Kim Dung không đi vào lối mòn đó, dù vẫn giữ nhiều yếu tố cổ điển của tiểu thuyết võ hiệp. Cái hay của ông là đúc câu chuyện truyền kỳ trong cái khung lịch sử, kết hợp khéo léo giữa hư và thực. Ví dụ như ở Thư kiếm ân cừu lục, Trần Gia Lạc và vua Càn Long là hai anh em có mối quan hệ phức tạp.
Xạ điêu tam bộ khúc lấy bối cảnh nhà Tống suy vi, đế quốc Mông Cổ bắt đầu trỗi dậy rồi diệt Tống, thống trị Trung Quốc. Trong câu chuyện của Quách Tĩnh, Dương Quá và Trương Vô Kỵ, chúng ta bắt gặp rất nhiều nhân vật lịch sử như Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài, Hốt Tất Liệt, vua tôi nhà Tống, Chu Nguyên Chương (người sáng lập nhà Đại Minh)… Thậm chí Trường Xuân chân nhân Khưu Xử Cơ của Toàn Chân giáo cũng là nhân vật có thật.
Trong Lộc Đỉnh ký, bộ tiểu thuyết đỉnh cao của Kim Dung, hoàng đế Khang Hy của nhà Đại Thanh là nhân vật vô cùng quan trọng, được mô tả sinh động từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành. Thi Lang cũng là bậc đại quan nổi tiếng thời Khang Hy, Ngô Tam Quế là đại Hán gian, mỹ nhân “hồng nhan họa thủy” Trần Viên Viên cũng được nhắc đến.
Sự kết hợp giữa lịch sử và truyền kỳ giúp tiểu thuyết Kim Dung có quy mô rộng lớn, sinh động và phong phú. Chúng kết hợp với câu chuyện con người trở thành thế giới ba chiều (lịch sử - truyền kỳ - nhân sinh) vừa kỳ lạ, vừa chân thực. Đây là điểm đặc biệt mà trong số hàng nghìn tác giả tiểu thuyết võ hiệp, chỉ Kim Dung có được.
Thành tựu vượt khỏi biên giới tiểu thuyết võ hiệp
Thực tế là kết hợp giữa lịch sử và truyền kỳ không phải là độc môn công phu của Kim Dung. Lương Vũ Sinh cũng làm được điều đó. Theo nhà nghiên cứu Trần Mặc, cái hay của Kim Dung là sự kết hợp khéo léo giữa lịch sử - truyền kỳ - nhân sinh. Nghĩa là chuyện giang hồ và bối cảnh lịch sử chỉ là cái nền để ông kể câu chuyện con người.
Ở Xạ điêu anh hùng truyện, trong xã hội đầy biến loạn, Quách Tĩnh từ một đứa trẻ thật thà, ngu ngơ dần trưởng thành, trở thành bậc đại hiệp cứu quốc. Trong Thần điêu hiệp lữ, giữa lúc đế chế Mông Cổ đe dọa Trung Quốc, các môn phái lo đối đầu với đại cao thủ Mông Cổ, Dương Quá mất mẹ, tình cờ nhận Âu Dương Phong làm cha nuôi, nếm đủ mọi cay đắng của cuộc đời.
Lộc đỉnh ký là câu chuyện đồ sộ về thời vua Khang Hy của nhà Đại Thanh. Khi đó, Khang Hy còn chưa trưởng thành, ngai vàng chưa vững, bên trong Ngao Bái lộng quyền, bên ngoài Ngô Tam Quế rắp tâm làm phản. Trong giang hồ, Thiên Địa hội của tổng đà chủ Trần Cận Nam quyết “phản Thanh Phục Minh”.
Giữa mớ hỗn độn đó, gã tiểu lưu manh Vi Tiểu Bảo tình cờ rời Lệ Xuân viện ở Dương Châu, lưu lạc đến Bắc Kinh, bị đưa vào Tử Cấm Thành rồi làm quen với Khang Hy, thăng quan tiến chức, trở thành đại quan. Không chỉ vậy, hắn hai chân đung đưa trên hai con thuyền giang sơn và giang hồ, vừa là thân tín của Khang Hy, vừa là hương chủ Thiên Địa hội.
Ở tiểu thuyết Kim Dung, con người là trung tâm, không hề bị công thức hóa như trong truyện của các tác giả võ hiệp khác, do đó đáp ứng đúng tiêu chuẩn “văn học là nhân học”. Nhờ đó, truyện Kim Dung thoát khỏi biên giới của tiểu thuyết võ hiệp, của "tục văn học", để trở thành văn học chân chính.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Mặc, Kim Dung còn có một kỳ chiêu khác nữa, giúp ông khẳng định vị thế tông sư nghệ thuật tiểu thuyết. Đó là chất ngụ ngôn trong mỗi tác phẩm.
Như Liên thành quyết phê phán dữ dội một xã hội nơi mà đại hiệp háo danh, tà đồ háo sắc, quan phủ và dân chúng điên cuồng vì đồng tiền, khiến những người trung hậu như Địch Vân trở nên không chốn nương thân. Tiếu ngạo giang hồ, như chính Kim Dung khẳng định, là ngụ ngôn về những cuộc tranh giành quyền lực chính trị tàn khốc trong lịch sử Trung Quốc.
Còn Lộc đỉnh ký với gã lưu manh Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính được đánh giá là cuốn tiểu thuyết phản võ hiệp, phơi bày đặc tính của người Trung Quốc và những mặt trái của nền văn hóa nước này. Đó cũng là tác phẩm đỉnh cao của Kim Dung.
Ngoài ra, chất ngụ ngôn còn đến từ từng nhân vật, từng câu chuyện nhỏ trong tiểu thuyết Kim Dung. Đằng sau cuộc đời bi thảm của Tạ Tốn, sự tàn độc của Công Tôn Chỉ, bước ngoặt từ chính thành tà của Hoa Thiết Cán, câu chuyện áo hoa của Khang Mẫn… đều chứa đựng những quan niệm sâu sắc về con người, về cuộc sống.
Chắc chắn Kim Dung mãi mãi là đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.