Ngân Xuyên
Thứ năm, ngày 29/07/2021 15:10 PM (GMT+7)
Olympic Tokyo 2020 còn hơn một tuần nữa mới kết thúc, nhưng Ban tổ chức đã sớm tặng quà lưu niệm rất độc đáo của đất nước mặt trời mọc cho 206 đoàn tham dự.
Đó là những chiếc áo Kimono truyền thống Nhật Bản với nhiều họa tiết thể hiện đặc điểm lịch sử, văn hóa của mỗi nước tham dự Thế vận hội.
Bộ Kimono của Nga có các họa tiết gắn với câu truyện cổ tích “Con ngựa nhỏ gù”, vở ballet “Hồ thiên nga”, bảo tàng Hermitage và những con tàu vũ trụ. Đây là sự tổng hợp của văn hóa, nghệ thuật, khoa học và những công nghệ mới. Bộ trang phục toát lên thông điệp “Cái đẹp cứu thế giới” (Dostoyevsky).
Bộ Kimono của Trung Quốc được trang trí bằng hoa mẫu đơn, hoa mận, cây trúc và đám mây.
Bộ Kimono của Ukraine có hai con cò thân thiện và hoa hướng dương, trong có họa tiết Phục sinh và bức tượng Đại công tước Kiev.
Bộ Kimono của Đức mang hình hoa thi xa, quốc hoa của Đức, cách điệu dưới dạng hình bánh răng, hình ảnh một đất nước được định hình bởi ngành công nghiệp nặng.
Bộ Kimono của Mỹ được rải đầy các bông hoa như quốc kỳ của nước này và liên quan đến bóng chày, bóng đá Mỹ và các bộ phim Hollywood - những điểm nhấn nổi bật của Mỹ.
Dự án tặng quà lưu niệm bằng áo Kimono hình thành từ năm 2014. Thời gian làm ra mỗi bộ Kimono từ 6 tháng đến 1 năm. Tác giả ý tưởng này là Yoshimasa Takakura. Đối với anh, việc sản xuất Kimono không chỉ là một công việc kinh doanh mà còn là tình yêu dành cho trang phục dân tộc Nhật Bản anh được thừa hưởng từ cha mình.
Takakura tin rằng, bộ Kimono truyền thống không chỉ đại diện cho sự kỳ công của nghề thủ công Nhật Bản, mà còn phản ánh sự hài hòa và thống nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Để làm được thế, đội ngũ lựa chọn các mẫu và thiết kế đã nghiên cứu rất kỹ văn hóa, khí hậu và điều kiện tự nhiên của từng quốc gia rồi dệt vải bằng tay vào các bộ trang phục khác nhau.
Dự án đã được tiến hành sớm cho kịp khi bắt đầu Thế vận hội. Takakura đã thu thập các khoản đóng góp, thậm chí anh đã nghỉ việc tại ngân hàng để dành hết thời gian cho công việc may thêu 206 bộ Kimono.
Hầu hết tất cả các bộ Kimono đều do các thợ thủ công Nhật Bản thực hiện. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ. Obi (thắt lưng) cho Kimono của người Palestine do những người tị nạn làm, họ sử dụng hình thêu làm họa tiết chính.
Còn bộ Kimono của Indonesia được vẽ bằng sáp theo kỹ thuật batik (vẽ tay trên vải bằng cách sử dụng các hợp chất dự trữ). Kỹ thuật này rất phổ biến ở đất nước vạn đảo vùng Đông Nam Á.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.