Kinh Kha "mượn" thủ cấp của ai để ám sát Tần Thuỷ Hoàng?

Mỹ An (theo Theo Sound of Hope) Thứ năm, ngày 08/06/2023 18:31 PM (GMT+7)
Thái tử Đan không nỡ, Kinh Kha bèn tự mình đến gặp Phàn Ư Kỳ để mượn thủ cấp. Vì muốn trả thù nhà, Phàn Ư Kỳ đã ưng thuận cho Kinh Kha lấy thủ cấp của mình dâng lên Tần Thuỷ Hoàng...
Bình luận 0

Kinh Kha đi vay thủ cấp – mưu hại Tần Vương

Kinh Kha vốn là người nước Tề, di cư sang Vệ, người Vệ gọi là Khánh Khanh. Khanh là người thích đọc sách, múa gươm… Một lần hắn đem kiếm thuật nói với Vệ Nguyên Quân nước Ngụy nhưng không được trọng dụng. Có lần Kinh Kha qua chơi đất Du Thứ bàn Kiếm Thuật với Cáp Nhíp, Cáp Nhíp không vừa ý, Kha lại bỏ đi.

Bấy giờ nước Yên có Thái tử Đan. Đan vốn làm con tin của nước Tần, bị bạc đãi nên đã tìm cách bỏ trốn về Yên, tìm cách báo thù. Tuy nhiên bấy giờ nhà Tần đang lớn mạnh, lần lượt thôn tính cách nước chư hầu như tằm ăn lá dâu và sắp ăn đến nước Yên. Thái tử Đan lo lắng: nước Tần ngày càng lớn mạnh, mà nước Yên lại ngày một yếu sức. Yên sớm muộn gì cũng bị diệt vong! Và càng quan ngại việc "Lục quốc hợp tung" (một kế sách liên minh 6 nước chư hầu, thời Chiến quốc) tổn phí nhiều thời gian, hao mòn công sức. Hơn nữa các nước đều muốn tư lợi ích kỷ, cho nên mãi vẫn không thể hợp nhất. Có lần Đan hỏi thầy học là Cúc Võ, Võ nói:

“Đất nước Tần bao khắp thiên hạ, uy hiếp các nước Hạ, Ngụy, Triệu, phía Bắc có Cam Tuyền cốc khẩu là nơi hiểm trở; phía Nam có sông Kinh, sông Thuỷ là nơi màu mỡ chiếm nguồn lợi đất Ba, đất Hán, bên phải có dãy núi đất Lũng, đất Thục, bên trái có nơi hiểm trở như Hàm Cốc quan, Hào sơn; dân đã đông, quân lại mạnh, khí giới có thừa… Nếu họ muốn xuất quân thì từ Dịch Thuỷ xuống phía Nam, từ Trường Thành xuống phía Bắc chưa biết sẽ ra sao? Tại sao chỉ vì cái oán ‘bị khinh rẻ’ mà Thái tử lại muốn động chạm đến cái ‘vẩy ngược’ của con rồng như thế?” (tương truyền phía dưới cổ con rồng có cái vẩy ngược, hễ ai động đến thì nó giết ngay). 

Đan nghe nói thế thì, không còn biết cách nào để báo thù cho được. Ít lâu sau có vị tướng Tần là Phàn Ư Kỳ chạy trốn sang Yên, Thái tử Đan dung nạp cho ở mặc dù có người can rằng: "Làm thế không khác nào ném thịt ra giữa lối đi của hùm đói" rất là nguy hiểm vậy! Thái tử Đan không nghe.

Về sau Cúc Võ lại ngầm hiến kế cho Đan tìm đến Điền Quang - một kiếm khách, dụng ý muốn mượn tay kiếm của Điền Quang hành thích vua Tần. Điền Quang mượn cớ tuổi cao sức yếu mà xin được cáo lui. Tuy nhiên Quang lại tiến cử cho người bạn là Kinh Khanh (tức Kinh Kha). Sau đó Điền Quang cũng tự vẫn để giữ bí mật, cho Thái tử Đan được yên tâm.

Để lấy lòng Kinh Kha, Thái tử Đan tiếp đãi hắn vô cùng long trọng, yêu mến hơn cả quần thần. Ngày ngày thiết đãi yến tiệc, cao lương mỹ vị, gái đẹp, rượu ngon không thiếu thứ gì. Thường khi Thái tử Đan còn đến viếng thăm, dâng tặng báu vật hiếm có trên đời. Kinh Kha được Thái tử Đan khoản đãi, rất lấy làm thoả tâm ý!

Kinh Kha "mượn" thủ cấp của ai để ám sát Tần Thuỷ Hoàng? - Ảnh 1.

Kinh Kha được tháp tùng bởi các chiến binh nổi tiếng của nước Yên (ảnh: Li Zanhua)

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế lớn nước Tần mạnh như chẻ tre. Quân Tần ngày càng áp sát nước Yên. Thái tử Đan lo lắng tìm đến Kinh Kha khẩn cầu Kinh Kha mau chóng ra tay. Kinh Kha nói:

“Vua Tần treo giải nghìn lượng vàng để bắt Phàn tướng quân. Nếu quả được cái đầu của Phàn tướng quân, và địa đồ đất Đốc Can của nước Yên để dâng lên vua Tần, thì thế nào vua Tần cũng vui lòng cho tôi yết kiến. Bấy giờ tôi mới có cách để báo đáp Thái tử!” 

Thái tử Đan không nỡ, Kinh Kha bèn tự mình đến gặp Phàn Ư Kỳ để mượn thủ cấp. Vì muốn trả thù nhà, Phàn Ư Kỳ đã ưng thuận cho Kinh Kha lấy thủ cấp của mình dâng lên vua Tần. Sau khi có được thủ cấp của Phàn Ư Kỳ, Kinh Kha bèn tìm đến báo với Thái tử Đan. Đan sai người trong thiên hạ, mua được cây "chủy thủ" của Từ phu nhân nước Triệu (một cao thủ rèn kiếm danh tiếng nhất), rồi lại sai người tẩm thuốc độc, đem giao cho Kinh Kha. Trong khi giao chiến, chỉ cần đối phương dính một vết cắt "hễ máu chảy ra như sợi tơ" thì chết ngay tức khắc. Khi ấy nước Yên có người tên là Tần Vũ Dương, 13 tuổi giết người không chớp mắt. Đan bèn sai Dương làm phó, bang trợ cho Kinh Kha ám sát vua Tần.

Ngay khi Kinh Kha đến nước Tần, bèn đem nghìn vàng đút lót viên quan Thứ sử là Mộng Gia – Một bề tôi yêu của vua Tần - Doanh Chính. Mông Gia đến yết kiến vua Tần mà rằng:

“Vua Yên thực sự sợ hãi uy thế của Đại vương, không dám dấy binh đón đánh các tướng, nguyện đem cả nước làm tôi nước Tần, đứng ở hàng chư hầu, chịu cống nạp như một quận một huyện, chỉ cầu mong sao có thể coi giữ được tông miếu tổ tiên. Họ sợ hãi không dám bày tỏ, vua Yên lạy trước sân, sai người dâng thủ cấp Phàn Ư Kỳ và địa đồ Đốc Cang tỏ lòng thành kính”.

Vua Tần nghe thấy vậy cả mừng, mặc áo chầu, đặt lễ "Cửu tân" (một nghi lễ tiếp khách long trọng nhất thời bấy giờ của nước Tần), tiếp kiến sứ giả nước yên ở cung Hàm dương.

Kinh Kha bưng hòm đựng đầu Phàn Ư Kỳ, Tần Vũ Dương bưng tráp đựng địa đồ Đốc Cang, lần lượt dâng lên vua Tần. Tần Vũ Dương tiến đến bệ rồng, thì lùi lại, hai tay run rẩy, thần sắc tái nhợt, lộ rõ vẻ sợ hãi. Các quan đại thần đều cảm thấy lạ lùng. Kinh Kha quay đầu nhìn, cười Tần Vũ Dương tâu:

“Nó là kẻ vô học phương Bắc, chưa hề trông thấy cái uy nghiêm của Thiên tử cho nên run sợ, xin đại vương tha thứ. Để cho nó làm tròn phận sự một Sứ thần trước mặt Thiên tử”

Vua Tần nói với Kinh Kha: “Hãy đưa địa đồ Vũ Dương cầm đó lên đây!

Kinh Kha bèn lấy địa đồ dâng lên. Tần vương cầm lấy địa đồ. dở hết địa đồ thì chủy thủ hiện ra.

Kinh Kha "mượn" thủ cấp của ai để ám sát Tần Thuỷ Hoàng? - Ảnh 2.

Kinh Kha ám sát vua Tần (Ảnh: Wiki)

Cháy nhà ra mặt chuột
Nguồn gốc câu thành ngữ ‘cháy nhà ra mặt chuột’ cũng chính là xuất phát từ điển tích Kinh Kha mưu sát Tần Thuỷ Hoàng. Ý nói rằng, đến khi xảy ra biến cố rồi thì kẻ xấu, giả nhân giả nghĩa không thể che dấu được nữa.

Lại nói chuyện Kinh Kha hành thích vua Tần: Chuỷ thủ lộ ra, Kinh Kha nhanh như chớp, tay trái nắm lấy tay áo vua Tần, tay phải cầm chủy thủ chĩa vào người. Tần Vương kinh hãi vùng dậy, vung tay làm đứt ống tay áo, toan rút kiếm nhưng vì kiếm quá dài, lại chặt nên không kịp rút. Tần vương bèn nắm bao kiếm mà chống trả Kinh Kha. Các quan trong triều ai nấy thảy đều kinh sợ, lo lắng mối an nguy của Thánh thượng. Nhưng vì tay không tấc sắt, chỉ có thể dùng tay không mà đánh Kinh Kha. Theo lệ nhà Tần, các quan không được mang binh khí thượng triều, các lang trung cầm binh khí đều đứng xếp hàng ở dưới phía xa điện, nếu không có Thánh chỉ thì không được lên. Hơn nữa sự việc lại xảy ra quá nhanh và quá bất ngờ.

Vua Tần chạy vòng quanh cột đồng trong điện, Kinh Kha cầm chủy thủ rượt theo, đòi lấy mạng. Bấy giờ có viên ngự y, lấy túi thuốc cầm trong tay ném Kinh Kha, khiến cho Kinh Kha bị khựng lại rồi mới rượt tiếp. Bấy giờ tả hữu vẫn cuống quýt, Vua Tần bối rối chưa biết hành sự ra sao. Bỗng có tiếng hô lớn: "Nhà vua mang kiếm sau lưng!". Tần vưng bèn tuốt kiếm chống lại Kinh Kha. Hai bên giao chiến, tiếng kiếm khí chạm vào nhau nghe đinh tai nhức óc. Cuối cùng Kinh Kha bị Tần Vương chém một kiếm vào chân. Kinh Kha què chân, bèn phóng chủy thủ về phía Tần Vương. Tân vương né được, chủy thủ găm vào cột đồng. Tần Vương thừa thắng tiến đến, xỉa thêm cho Kinh Kha tám nhát kiếm. Kinh Kha gần như hoàn toàn đã bị phế, bèn ngồi xổm mà mắng vua Tần. Đoạn tả hữu xông tới lấy mạng Kinh Kha.

Sóng yên biển lặng, Tần vương ban thưởng cho các quan văn võ trong triều đã có công hộ giá. Đặc biệt ban cho quan ngự y Hạ Vô Thư 200 nghìn lượng vàng, lụa là gấm vóc, ruộng đồng phì nhiêu,… vì trong lúc nguy cấp đã ngăn cản được Kinh Kha truy kích nhà vua. Qua đây lại thấy được cái tài của Tần Thuỷ Hoàng, chẳng những thạo văn mà còn giỏi võ nghệ. Một kiếm khách lừng danh như Kinh Kha cũng không phải là đối thủ.

Quyết sách bất ngờ của Tần vương

Lại nói về tên thích khác. Sau khi bị hành quyết tại chỗ. Các hạ thần đề nghị quăng xác hắn đến nơi đồng không mông quanh. Nghe xong, Vua Tần nói:

“Người này có trí lẫn mưu, trên danh nghĩa mượn cớ dâng bản đồ lại có dũng khí. Dám một mình một sức hành thích ta! Vì bằng hữu dám bỏ mệnh, cũng được coi là một nghĩa sĩ. Chỉ tiếc, hắn không hiểu đại nghĩa mà chỉ vì điều nhỏ nhặt. Tuy thế vẫn được coi như là một kẻ sĩ!”

Đoạn Tần vương cho mai táng Kinh Kha long trọng, theo nghi lễ của nước Tần. 

Không bao lâu sau, Tần Vương cho quân sang Triệu rồi từ Triệu thảo phạt nước Yên, đến tháng 10 năm ấy thì chiếm được Kế Thành. Yên vương là Hỉ cùng thái tử Đan dẫn toàn bộ số đội quân tinh nhuệ còn lại rút lui về Liêu Đông. Tướng Tần là Lý Tín đã không ngừng truy sát. Bấy giờ vua nước Đại là Gia, gửi cho Hỉ một bức thư nói: “Sở dĩ Tần đuổi đánh Yên ráo riết hơn cả là vì Thái tử Đan. Nếu giao thủ cấp của Đan thì có thể giải hoà, xã tắc có hi vọng được cúng tế lâu dài. Khi Lý Tín đuổi đến gần, Đan nấp ở vùng sông Diễn Thuỷ. Vua Yên sai người chém đầu Đan đem dâng vua Tần. Nhưng Tần lại đem quân đánh, 5 năm sau (năm 552 TCC) Tần diệt Yên, bắt vua Yên là Hỉ. Một năm sau Tần Thuỷ Hoàng lấy tất cả thiên hạ và xưng Đế, thống nhất Trung Nguyên.

Kinh Kha "mượn" thủ cấp của ai để ám sát Tần Thuỷ Hoàng? - Ảnh 3.

Vua Tần sai Vương Kiến dẫn quân tấn công nước Yên, đến tháng 10 thì chiếm được Kế Thành, thủ phủ của nước Yên. (Hình ảnh sơ đồ: một phần của các bức tranh Nhật Bản vào khoảng năm 1293)

Sự thật ngoài lề thú vị 

Lại nói chuyện Kinh Khanh là người nước Tề, di cư sang Vệ, rồi nhưng không được sủng ái. Lần đầu gặp Vệ Nguyên Quân luận kiếm không hợp bèn bỏ đi. Lần thứ hai gặp Cáp Nhíp ở đất Du Thứ, cũng không hợp bèn bỏ đi. Người ta lầm tưởng rằng Khanh bỏ đi là vì sợ hãi; lần đầu hèn nhát lần sau cũng là hèn nhát. Về sau Kinh Khanh sang Yên. Người Yên gọi hắn là Kinh Kha.

Sau khi đến nước Yên, Khanh kết giao với người bán thịt chó là Cao Tiệm Ly. Ly tuy chỉ là kẻ bán thịt chó ở chợ nhưng lại có tài gảy đàn trúc rất hay. Kinh Kha là người thích uống rượu, ngày ngày cùng anh bán thịt chó là Cao Tiệm Ly uống rượu, vui vẻ ở chợ. Khi đã chuếnh choáng men say, Ly gảy đàn trúc Kha hoạ theo mà hát vui với nhau, rồi lại cùng nhau khóc lóc giữa chợ đông đúc, mà ‘mục hạ vô nhân’ như chốn không người. Ai hay một tay kiếm khách và một kẻ bán thịt chó sinh sống ngoài chợ, lại có nỗi u khuất không thể thổ lộ cùng ai.

Trước khi Kinh Kha lên đường làm thích khách ám sát Tần vương, trong số những người tiễn biệt bên bờ sông Dịch (biên giới giữa nước Yên và nước Triệu), ngoài Thái tử Đan còn có Cao Tiệm Ly. Kha bước lên thuyền, Cao Tiệm Ly bèn khảy đàn trúc, Kinh Kha phụ họa theo nhịp ‘biến truỷ’ mà hát, kẻ sĩ đều sụt sùi nức nở. Kinh Kha tiến lên mà hát tiếp, theo ‘điệu vũ’ khẳng khái, mọi người thảy đều sởn gai ốc, dõi mắt nhìn theo bóng kinh kha dần khuất.

Lại nói chuyện, sau khi Tần diệt Yên. Triều đình tiếp tục truy lùng đồng đảng của Kinh Kha. Cao Tiệm Ly mai danh ẩn tích, đi làm công ở Tống Tử, thuộc huyện Triệu, Thạch gia trang, tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc ngày nay.

Một hôm, làm việc khó nhọc nghe trên thềm có khách chơi đàn trúc, bàng hoàng không sao rời gót. Hắn nói, người này khảy kém, người kia khảy khá. Bọn đầy tớ thấy thế, nói với chủ mướn: ‘Người làm thuê kia biết âm luật, bàn trộm người hay kẻ dở!”. Chủ nhà nghe xong cả mừng, bèn cho gọi người đầy tớ am hiểu âm luật đến khảy đàn. Mọi người đều khen Ly đánh đàn hay, ban rượu uống…. Trong lúc cao hứng, Cao Tiệm Ly nghĩ bụng! Mình cứ lén lút rụt rè mãi, không biết náu mình tới khi nào cho cùng. Đoạn xin cáo lui, về phòng Ly lấy đàn trúc và quần áo đẹp trong hòm ra đổi y phục, đổi dung mạo bước lên. Thảy khách mời dự tiệc đều kinh ngạc, bước xuống hành lễ, tôn làm thượng khách. Cao Tiệm Ly vừa khảy đàn trúc vừa hát. Tiếng đàn, tiếng hát hoà vào nhau, như ai như oán, như sầu như thảm,… mọi người đều sa nước mắt, lần lượt rời đi. Tiếng lành đồn xa, các nhà đều mời Cao Tiệm Ly đến làm khách.


Chuyện đến Tần Thuỷ Hoang. Tần Thuỷ Hoàng gọi Ly vào chầu. Có người biết nói: ‘Đó là Cao Tiệm Ly!’. Tần Thuỷ Hoàng tiếc tài khảy đàn trúc của Ly, muốn được nghe Ly chơi đàn, bèn cho người móc mắt, rồi sai khảy đàn trúc cho vua nghe. Vua mê mẩn tiếng đàn của Ly, dần dần đến ngồi gần để nghe được tiếng đàn của Ly rõ hơn, mà không có đề phòng gì. Cao Tiệm Ly biết thời cơ trả thù cho Kinh Kha đã đến, bèn làm ra ám khí bằng chì, dấu trong đàn. Khi thời cơ đến sẽ phóng ám khí ám sát vua Tần. Nhưng run rủi thay, Ly đui cả hai mắt, chỉ phóng bừa nên phóng không trúng Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng cả kinh, tức giận, bèn cho giết Cao Tiệm Ly; suốt đời không gần gũi người của các nước chư hầu nữa…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem