Kinh ngạc thiết bị phát hiện động đất có từ 2.000 năm trước, cho độ chính xác khó tin

Nguyễn Thái - Ancient Origins - Video: CCTV Thứ tư, ngày 11/09/2019 00:25 AM (GMT+7)
Thiết bị phát hiện động đất đầu tiên trên thế giới với 8 con rồng bằng đồng bám trên thân có thể phát hiện hướng động đất từ khoảng cách hàng trăm km.
Bình luận 0

Do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, người Trung Quốc cổ đại không hiểu được bản chất của động đất là do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo trong vỏ Trái đất. Thay vào đó, họ thường cho rằng động đất do những xáo trộn âm dương vũ trụ hoặc sự bất mãn của "thiên đình" với hành động trái luân thường đạo lý cũng như sự ngó lơ của triều đình với nỗi thống khổ của dân chúng.

Người Trung Quốc cổ đại coi những cơn địa chấn là dấu hiệu quan trọng từ "thiên đình". Điều quan trọng nhất với những người đứng đầu Trung Quốc thời bấy giờ là việc biết được động đất sẽ xảy ra ở đâu tại vương quốc họ cai trị.

Theo Ancient Origins, Trương Hành, nhà phát minh sống ở thời Đông Hán giai đoạn 25 - 220 sau Công nguyên (SCN), giải quyết được điều này. Năm 132, ông phát minh ra thiết bị phát hiện động đất đầu tiên trên thế giới. Theo cuốn Book of Later Han (do Fan Ye biên soạn ở thế kỷ thứ 5), thiết bị phát hiện động đất của Trương Hành có thể xác định một trận động đất xảy ra cách đó hàng trăm km.

img

Hình ảnh mô phỏng thiết bị phát hiện động đất do Trương Hành phát minh

Thiết bị này là một chiếc chum bằng đồng lớn với đường kính 1,8 mét đặt trên phần đế hình bát giác. Thân chum có tạo hình 8 con rồng chúc đầu xuống tượng trưng cho 8 hướng. Mỗi con rồng ngậm một quả bóng bằng đồng nhỏ trong miệng. Phần đế bát giác còn có 8 con cóc đồng trong tư thế ngồi há miệng. Vị trí của rồng và cóc tương ứng với nhau. Ở giữa chum đồng, Trương Hành đặt một thanh kim loại thẳng đứng.

Cơ chế chính xác của thiết bị dự báo động đất vẫn chưa được xác nhận. Nhưng một giả thuyết khá phù hợp đã được đưa ra. Khi địa chấn xảy ra dưới lòng đất, thanh kim loại được thiết kế đặc biệt sẽ đổ về hướng có động đất, tương ứng với một trong 8 con rồng. Thanh kim loại chạm vào phần gắn với miệng rồng, khiến miệng rồng mở ra và quả bóng rơi xuống miệng cóc bên dưới. Âm thanh tạo ra khi quả bóng rơi xuống miệng cóc sẽ báo động tới các nhà quan sát và giúp họ xác định hướng xuất phát của trận động đất.

img

Mô phỏng bên trong chiếc chum đồng, phần chính của thiết bị phát hiện động đất

Năm 138 SCN, âm thanh của quả bóng đồng rơi xuống đã khiến cả hoàng cung thời bấy giờ xôn xao. Theo hướng mà thiết bị này phát hiện được, vụ động đất xảy ra tại phía tây kinh thành Lạc Dương. Vì không ai cảm nhận được sự rung chuyển nào nên mọi người đều hoài nghi về hiệu quả thiết bị của Trương Hành.

Tuy nhiên, vài ngày sau, một người đưa tin ở vùng đất phía tây thành Lạc Dương báo cáo lên triều đình về trận động đất. Thời điểm nó xảy ra trùng với thời điểm thiết bị của Trương Hành báo động. Từ đó, mọi người mới ghi nhận phát minh của Trương Hành.

img

Các nhà khoa học ở Trung Quốc năm 2005 đã tái tạo thiết bị cổ xưa và dùng thử (ảnh minh họa)

Năm 2005, các nhà khoa học ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã tái tạo thiết bị đo địa chấn của nhà phát minh Trương Hành và sử dụng nó để phát hiện các trận động đất mô phỏng dựa trên thông số của 4 trận động đất ngoài đời thực. Thiết bị được tái tạo phát hiện được cả 4.

Ngày nay, từ quan điểm khoa học và công nghệ hiện đại, phát minh của Trương Hành vẫn được coi là đáng kinh ngạc và đi trước thời đại.

Bức ảnh ”rồng khổng lồ dài 120 mét gây động đất” khiến mạng xã hội TQ hoảng loạn

Một người đàn ông ở phía tây nam Trung Quốc đã bị bắt giữ với cáo buộc lan truyền tin đồn thất thiệt, sau khi bức...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem