Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng các dự án ở An Dương, Hải Phòng

Chủ nhật, ngày 01/05/2011 01:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những năm gần đây, huyện An Dương (Hải Phòng) thu hút được khá nhiều dự án đầu tư, trong đó có không ít dự án lớn, trọng điểm của thành phố.
Bình luận 0

Từ thực tế chỉ đạo của mình, huyện An Dương đã rút ra được những bài học kinh nghiệm tạo sự đồng thuận để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thu hồi đất phục vụ dự án.

Theo quy định, công tác GPMB các dự án thuộc chính quyền địa phương. Với trách nhiệm đó, thời gian qua, mặc dù lực lượng mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn thế cùng lúc lại phải thực hiện thu hồi đất phục vụ nhiều dự án, nhưng địa phương đều hoàn thành được nhiệm vụ, cho dù có lúc, việc GPMB tưởng như "giậm chân tại chỗ".

Quả thật, để GPMB nhanh, đúng quy định là điều không dễ, nhất là đối với một huyện ven đô, cửa ngõ thành phố, "tấc đất, tấc vàng" như huyện An Dương. Chẳng hạn, có người dân đã nhất trí cao với phương án kiểm kê, đền bù, nhưng lại không chịu nhận tiền; trường hợp khác tuy đã nhận tiêu chuẩn tái định cư nhưng mỗi khi có nhà đầu tư thứ phát đến cắm mốc xây nhà máy, lại ra... giữ đất.

Tóm lại, bên bồi thường thì nôn nóng nhận mặt bằng, còn phía người dân lại đủng đỉnh giao đất. Và vì thế, xô xát không đáng có cũng đã xảy ra... Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết, không có khó khăn nào là không vượt được qua nếu thực sự có quyết tâm và có tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Cải - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, kinh nghiệm trong công tác đền bù- GPMB các dự án trên địa bàn huyện trước hết là phải được thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, không vì sơ suất hay vội vã đuổi theo tiến độ mà để người dân thiệt thòi và ngược lại. Điều này cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ làm công tác kiểm kê, đền bù- GPMB.

Cũng theo ông Cải, để các dự án đầu tư vào địa bàn tiến hành được đúng trình tự, đảm bảo GPMB nhanh, gọn, phục vụ thi công các công trình, trước hết địa phương phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Thứ đến, phải kéo được các ngành, cơ quan, đơn vị cùng vào cuộc. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải biết chia sẻ lợi ích của mình với người dân có đất bị thu hồi...

Cũng xin được nói thêm rằng, trong vòng thời gian ngắn, hàng ngàn ha đất được người dân huyện An Dương giao cho cơ quan chức năng triển khai các dự án, bất chấp khó khăn cuộc sống của họ còn nhiều. Đó thực sự là những hy sinh lớn lao vì sự nghiệp CNH, HĐH thành phố và đất nước cần phải được ghi nhận .

Thực tế dự án KCN An Dương đã minh chứng cho những điều kể trên. Do dự án có quy mô lớn nên dự kiến ban đầu phải tháng 9.2010 mới có thể chi trả được tiền bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi để tiến hành GPMB.

Thế nhưng, việc chi trả này đã nhanh trước 3 tháng. Nghĩa là, đến tháng 7.2010, Hội đồng bồi thường của huyện đã chi trả được gần 1.800 hộ, với diện tích đất thu hồi 1.709.900m2, thuộc các xã An Hoà, Bắc Sơn, Hồng Phong...

Có thể nói, không khí phấn khởi, đồng thuận dường như bao trùm ở các khu vực trong vùng dự án. Đại bộ phận người dân, bất kể có đất bị thu hồi nhiều hay ít đều nhất trí cao, sẵn sàng ủng hộ việc triển khai dự án này không chỉ vì số tiền được bồi thường đúng với khung giá hiện hành, mà còn bởi nhà đầu tư đã có những cam kết nhất định đối với địa phương, như: Ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ (khoảng 20- 30 nghìn người), đào tạo nghề cho công nhân người địa phương, xây dựng khu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho công nhân trong KCN.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi KCN đi vào vận hành, nhất là không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của địa phương...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem