Kinh tế Anh chao đảo vì Covid-19: Ngân hàng Anh vội vã hạ lãi suất 0,5% kèm gói kích thích 30 tỷ Bảng

Thứ năm, ngày 12/03/2020 06:45 AM (GMT+7)
Ngân hàng Anh BoE hôm 11/3 vừa tuyên bố cắt giảm lãi suất trong một động thái khẩn cấp để hạn chế những tác động kinh tế từ dịch Covid-19. Cùng với động thái cắt giảm 0,5% lãi suất, Chính phủ Anh còn tung gói kích thích 30 tỷ Bảng nhằm cứu với nền kinh tế Anh bị lao đao vì bệnh dịch Covid-19 và hậu Brexit.
Bình luận 0

Anh vội vã cắt giảm lãi suất 0,5% cùng gói kích thích 30 tỷ Bảng

Theo sau một động thái tương tự từ Cục Dự Trữ Liên Bang FED hồi tuần trước, Ngân hàng Anh BoE hôm 11/3 tuyên bố cắt giảm lãi suất 0,5%, theo đó đưa mức lãi suất cơ bản từ 0,75% xuống 0,25%. Quyết định được đưa ra sau phiên họp khẩn cấp hôm 10/3. Song song với cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Anh dự kiến sẽ công bố một số chương trình tài trợ tín dụng để kích thích ngân hàng thương mại tăng cường cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tín dụng.

Hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã quyết định cắt giảm lãi suất sau khi dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, gây trì trệ trong chuỗi cung ứng dẫn đến những hệ lụy kinh tế đáng kể. Việc hàng trăm ngàn chuyến bay bị hủy, người mua hoảng loạn và nhiều thành phố bị phong tỏa, cách ly trên toàn cầu đã đe dọa trực tiếp doanh số và lợi nhuận doanh nghiệp. 

Riêng tại Anh, tính đến hôm 11/3, nước này xác nhận 382 ca nhiễm Covid-19. Bộ trưởng Y tế Anh Nadine Dears cũng nằm trong số 382 trường hợp này.

Hạ lãi suất 0,5% kèm gói kích thích 30 tỷ Bảng, Anh đang lo sợ hậu quả dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Tính đến 11/3, Anh xác nhận 382 ca nhiễm Covid-19

Dịch Covid-19 lan rộng ở Anh đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, chỉ số FTSE 100 giảm mạnh hơn 20% kể từ đầu năm và lợi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ nhất trong nhiều năm qua hôm 9/3 sau khi Italy tuyên bố phong tỏa toàn bộ đất nước vì dịch Covid-19 còn Nga và Arab Saudi thì thổi bùng cuộc chiến giá dầu.

Động thái cắt giảm lãi suất của BoE được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường làm dịu đi nỗi hoảng loạn và những tác động kinh tế từ bệnh dịch Covid-19. Sau tuyên bố này, chỉ số FTSE 100 tăng 1,5%, phản ánh phần nào xu hướng phục hồi.

Quyết định cắt giảm lãi suất của BoE được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố gói kích thích tài khóa mới để khắc phục những hậu quả từ dịch Covid-19.

Ông Rishi Sunak dự kiến sẽ phân bổ 7 tỷ Bảng (khoảng 9 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường lao động trong khi 5 tỷ Bảng được chi cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này. Một gói tín dụng 18 tỷ Bảng sẽ được sử dụng để kích thích nền kinh tế Anh, qua đó đưa tổng giá trị gói tài khóa lên tới 30 tỷ Bảng, gói kích thích lớn nhất kể từ năm 1992 đến nay. Chính phủ Anh cũng tiết lộ kế hoạch giảm thuế cho công dân, miễn thuế các loại rượu và nhiên liệu trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa nền kinh tế. 

Ngân hàng Anh sai lầm khi cắt giảm lãi suất?

Trái với sự mong đợi của thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Anh có vẻ đã sai lầm với quyết định cắt giảm lãi suất mới nhất. David Owen, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Jefferies cho hay động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp của BoE là rất bất thường, bởi nó đã không xảy ra vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ngay cả khi thị trường chứng khoán sụp đổ. 

Cựu chủ tịch của Goldman Sachs Jim O’Neill thì cho rằng: “Theo tôi, việc cắt giảm lãi suất là một sai lầm, nó diễn ra quá sớm. Ngân hàng Anh cần những động thái như vậy khi nhu cầu suy yếu hơn nhiều vì dịch bệnh Covid-19”. 

Sở dĩ O’Neill nhận định như vậy là bởi việc đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0,25% mới đây sẽ khiến BoE dường như không còn dư địa để thực hiện các lần cắt giảm tiếp theo trong trường hợp nền kinh tế cần thêm hỗ trợ, nếu không muốn đưa lãi suất về mức 0 hoặc âm như những gì Ngân hàng Châu Âu đang thực hiện.

Nhận xét về gói kích thích tài khóa 30 tỷ Bảng, Sarah Carlson, phó Chủ tịch cấp cao của Moody cho biết điều này sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế Anh chống lại những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng cũng đồng thời làm yếu đi hệ thống tài chính của Anh khi làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia vốn đã ở mức cao.

Còn Karen Ward, chiến lược gia thị trường tại JPMorgan Asset Management, cho biết ông tin rằng các biện pháp kích thích tài khóa sẽ phát huy hiệu quả hơn là động thái cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Anh.

Kinh tế Anh vốn đã trì trệ trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 1,4%. Việc vật lộn với hàng loạt bất ổn chính trị, đặc biệt là khủng hoảng Brexit cũng những xáo trộn kinh tế kể từ quyết định ly khai EU đã đưa Anh vào tình thế không dễ thở. Giờ đây, khó mà đảm bảo kinh tế Anh sẽ giữ được mức tăng trưởng ổn định trước hệ quả của dịch Covid-19 ngay cả với những kích thích mạnh tay từ Chính phủ.

Thùy Dung (CNBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem