Điều chắc chắn là cơn “bão vàng” ở Kon Tum đã để lại những hậu quả to lớn cho đời sống nhân dân, gây tổn hại tài nguyên quốc gia...
Ruộng thành sông, núi thành bình địa
Trước đây, người Xê Đăng ở huyện Đăk Glei chỉ biết nương rẫy, quẩn quanh với cây mì cùng hạt lúa nên cuộc sống chưa bao giờ biết đến thế nào là no đủ. Khó khăn lắm, chính quyền mới dạy được họ trồng cây lúa nước.
|
Ngay sau khi Công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác, người dân cũng mua sắm thiết bị bới sông tìm vàng. |
Cũng từ đó, dọc sông Đăk Bru (xã Đăk Pét), suối Đăk Wak (xã Đăk Lát), suối Đăk Long, Đăk Tu (xã Đăk Long)… hình thành nên những thửa ruộng nước màu mỡ, giúp cho cuộc sống người dân có miếng ăn, miếng để. Vậy mà giờ đây, những “bờ xôi, ruộng mật” ấy đã biến thành những hố sâu hun hút. Ruộng chẳng còn, vàng cũng kiệt mà người Xê Đăng ở đây vẫn chưa khá lên được.
Tại xã Đăk Tờ Re của huyện Kon Rẫy, vì vài triệu bạc mà đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã chẳng ngần ngại bán “cần câu cơm” của mình. Chính quyền ngăn cấm, khuyên nhủ đủ điều nhưng họ vẫn không thể cưỡng lại được trước những lời ngon ngọt của vàng tặc, vẫn lén lút bán ruộng lấy tiền. Và hậu quả, theo ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kon Tum thì: “Chẳng biết bao giờ mới khôi phục được số diện tích này”.
Cùng chung số phận, mấy năm nay, dòng sông Pô Kô lịch sử cũng bị bới lên. Từ Đăk Glei xuôi về Đăk Tô, Ngọc Hồi… chốc chốc lại thấy bờ Pô Kô lở loét bởi vàng tặc. Cũng vì vàng tặc mà dòng Pô Kô phải đổi hướng đi. Những lúc giận dữ, nó phá nát hoa màu ven bờ của người dân, ầm ập húc vào vách núi rồi dội ra phá luôn cả đường Hồ Chí Minh…
Nhiều năm liền, có lẽ vì quá giận dữ nên lúc nào nó cũng một màu đỏ ngầu. Không chỉ thế, chất độc trong nước sông làm người dân vùng hạ lưu (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) và các xã thuộc huyện Sa Thầy ngứa ngáy rồi sinh ghẻ lở. Thậm chí một số trâu bò của người dân đã chết một cách bất thường mà “nghi can” số một là nước sông Pô Kô.
Bao giờ bình yên?
Sau nhiều tháng ra tay quyết liệt của chính quyền Kon Tum, nạn vàng tặc trên địa bàn tỉnh có thể nói đã sạch. Nhưng nếu theo dõi suốt quá trình này thì sẽ thấy không có gì đảm bảo rằng tình trạng khai thác vàng trái phép sẽ không tái diễn.
Đến Phòng Tài nguyên - Môi trường Ngọc Hồi, chúng tôi gặp anh Huỳnh Thanh Toàn, (chuyên viên) vừa đi “đuổi” vàng tặc về. Hỏi: “Tình hình đã yên chưa anh”, Toàn thở dài: “Cứ phải theo dõi, phải đến thường xuyên mới biết được chứ”.
Sông Đăk Bru tuy “vô danh” nhưng từ khi được Công ty TNHH Kim Sơn Thủy để mắt đến nó đã phải oằn mình chịu đòn. Chính quyền Kon Tum chỉ cho mang vào Đăk Bru một tàu cuốc và một máy múc nhưng Kim Sơn Thủy “đọc không kỹ” quyết định nên đưa vào gấp 5 lần số tàu, máy cho phép, liên tục nhiều tháng liền, bới tung con sông này lên lấy vàng. Chỉ đến khi tỉnh ra quyết định cưỡng chế đơn vị này mới chậm chạp mang máy móc đi.
Anh Toàn cũng cho biết, trên địa bàn hiện 4 xã có nạn khai thác vàng trái phép. Trong khi đó, con người của phòng, quản lý về khoáng sản chỉ có 1. Lực lượng ở xã thì cũng không thể huy động được, phòng không có công cụ hỗ trợ.
Một số điểm là nơi tiếp giáp 2 huyện nên khi cơ quan chức năng phát hiện, vàng tặc chỉ cần bê máy móc sang “đường biên” là không thể xử lý được. Đấy là chưa kể, hàng ngày anh phải đối mặt với những cuộc điện thoại, tin nhắn từ người lạ đe dọa…
Hôm theo đoàn truy quét tại xã Đăk Môn, chúng tôi đã gặp một tình huống rất bất ngờ. Khi cả đoàn đang xông xáo vào rừng thì bị một cánh cửa sắt chắn lối.
Ông A On- cán bộ địa chính xã này cho biết, cánh cổng này là do dân trong thôn làm để ngăn vàng tặc. Nghe vậy, người trong đoàn đều khen dân có ý thức. Nhưng khi hỏi kỹ lại, té ra dân thôn làm để… thu thuế vàng tặc. Nghe đâu mỗi tháng vàng tặc phải đóng cho thôn 2,5 triệu đồng thì bất kỳ lúc nào muốn ra vào, cứ gọi điện vào số điện thoại ghi ở cổng là có người đến mở (?!).
Thực tế cho thấy, suốt một thời gian dài chính quyền Kon Tum đuổi vàng tặc như… bắt cóc bỏ đĩa, vừa đuổi đằng trước đã thấy chúng ở đằng sau. Muốn dẹp yên được một điểm khai thác vàng trái phép, chính quyền Kon Tum phải năm lần mười lượt, hết bí mật rồi công khai, hết vận động đến dùng biện pháp mạnh; phải thành lập hàng chục đoàn với hàng trăm lượt người tham gia mới thành công…
Duy Hậu - Quốc Dinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.