Kỳ 2: Giám định tàu 67 bằng... mắt

Hà Anh - Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 05/01/2016 09:50 AM (GMT+7)
Đóng tàu vỏ thép đòi hỏi chủ đầu tư phải có kiến thức, hoặc thuê người có kiến thức đóng tàu để tham khảo, thực hiện. Với ngư dân, có những người chưa học hết cấp 2 phải tự đi hỏi han, mò mẫm để đàm phán đóng tàu. Trên những hành trình ấy, có nhiều chuyện khôi hài và cười ra nước mắt…
Bình luận 0

Khổ vì thiếu hiểu biết

Suốt 4 tháng qua, ngư dân Phạm Văn Cu (SN 1963), rời quê xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa,  Quảng Ngãi, đi khắp các tỉnh thành nhằm tìm hiểu về công nghệ đóng tàu vỏ thép. Ông Cu có kinh nghiệm 30 năm đi biển.

Trước đây, ông từng là thuyền trưởng của 2 chiếc tàu nhỏ làm nghề giã cào, sau đó là một đôi tàu lớn hơn có tổng công suất 900CV. Ông Cu khá am hiểu về tàu, giá thành và quy cách đóng tàu. Nhưng đấy là với tàu vỏ gỗ, còn với tàu vỏ thép thì ông tự nhận mình “mù tịt”.

img

Đóng tàu vỏ thép tại Công ty Đóng tàu Nha Trang.  Ảnh:  Hà Anh

Nghe được “cái lợi” của tàu vỏ thép, ông quyết định bán cặp tàu gỗ từng gắn bó với mình bao năm qua với giá 2,5 tỷ đồng để làm vốn đối ứng đóng tàu thép. Ông dừng đi biển, vác ba lô đến một loạt công ty đóng tàu để tìm hiểu tàu vỏ thép. Nào là Hải Phòng, Nam Định, rồi Nha Trang, TP.HCM... ông Cu đều có mặt. Do học vấn mới hết lớp 7, ông Cu chỉ có thể đánh giá thực chất của các công ty qua... dò hỏi và quan sát.

Ngày 8.11.2015, ông Cu quyết định chọn Công ty Đóng tàu Việt Đức tại tỉnh Nam Định để ký hợp đồng đóng tàu. Theo bản thiết kế, con tàu thép có chiều dài 27m, chiều rộng 7,15m,  lắp máy Mitsubishi của Nhật có công suất trên 1.000CV.

Tàu trang bị một giàn lưới rê gần 400 tấm, chiều cao của mỗi tấm lưới 53m, dài 45m, 5.000 chiếc kết. Tổng giá trị hợp đồng là 14,5 tỷ đồng. Đang khấp khởi mừng thì ông Cu “té ngửa” khi ngân hàng thẩm định đã bác hồ sơ  vay vốn vì cho rằng đây là giá ảo và  ngân hàng chưa nghe tên công ty này bao giờ.

“Dài cổ” chờ cán bộ

"Tôi mong các tỉnh nên thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ cho bà con ngư dân đóng tàu thép. Vì ngư dân không có kiến thức mà lại tự mày mò đóng tàu là bất ổn”.
Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch  Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi

Từ đầu năm 2015 đến nay, ông Đỗ Hồng Phước - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tiếp đón hàng chục cán bộ của nhiều công ty đóng tàu từ khắp các tỉnh thành về.

Các công ty này đều nắm trong tay danh sách ngư dân đang tham gia vay vốn theo Nghị định 67, được tỉnh phê duyệt danh sách và  đang chờ ngân hàng thẩm định năng lực đánh bắt, vốn đối ứng, đối tác  đóng tàu. HTX của ông Phước đang lập dự án đóng tàu thu mua hải sản và con trai của ông Phước cũng tham gia vào dự án đóng 1 tàu vỏ thép.

Các công ty đóng tàu thường giới thiệu về chất lượng tàu đảm bảo, có năng lực tài chính, có đội ngũ kỹ sư giỏi, vốn pháp định cao, không bị nợ nần... Ông Phước là người có kiến thức tốt hơn ông Cu và nhiều ngư dân khác nên khá thận trọng. Nghe các công ty giới thiệu xong, ông Phước ghi chép tất cả thông tin để thẩm định lại bằng cách lên mạng Internet tìm hiểu, nhờ nhân viên ngân hàng tra cứu năng lực tài chính của các công ty. Nhờ đó, ông thấy rõ năng lực của các đơn vị này.

Ông Phước nói: “Tôi không tiện nêu tên của từng công ty. Nhưng nói chung là đại diện nhiều công ty đến nói rất hay, nói giỏi, thuyết phục mình nên đóng tàu lớn. Nhưng thực tế kiểm tra thì “bó tay”, vì năng lực thực sự của họ có hạn. Nếu ngư dân thiếu hiểu biết, chọn không đúng công ty thì tàu thép có nguy cơ thất bại.

Như con tàu của tôi, cùng một bản thiết kế, nhưng có công ty báo giá cao hơn các công ty khác cả tỷ đồng. Khi tôi thắc mắc về số tiền rẻ hơn một cách đáng ngờ, có đơn vị nói thẳng: Nếu anh ưng tàu gì thì chúng tôi đáp ứng tàu loại đó. Muốn hạ giá thành thì chúng tôi chỉ cần đổi sang thép rẻ tiền là xong”.

Cuối cùng, lần lữa mãi, ông Phước mới chọn nhà thầu là Công ty đóng tàu An Phú tại TP.HCM. Để chứng minh sự lựa chọn của mình và giá thành dự toán là đúng, ông Phước bỏ tiền túi dẫn nhân viên ngân hàng, cán bộ thủy sản vào tận nơi để tìm hiểu, xem xét, chứng thực.

“Theo quy định phân cấp giám sát tàu cá, tàu có chiều dài trên 20m thì việc kiểm định, giám sát thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chính vì vậy, ngư dân đóng tàu xong một công đoạn rồi lại phải lên lịch và “ngóng” cán bộ của từ Hà Nội về kiểm tra. Trong khi cán bộ của Cục chỉ có hạn mà lại phải đi giám định khắp cả nước” - ông Nguyễn Hoài Nam- Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị băn khoăn.

Rõ ràng, ngư dân khổ sở vì tự mò mẫm đi tìm nhà thầu, tự tìm hiểu công nghệ đóng tàu, rồi phải thuyết phục ngân hàng bằng phương án của mình. Đến khi tàu lên đà đóng mới thì vẫn thấp thỏm lo âu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem