Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Kỳ 3): Những nỗi ê chề gia đình ông Chấn phải gánh chịu suốt 10 năm
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Kỳ 3): Những nỗi ê chề gia đình ông Chấn phải gánh chịu suốt 10 năm
Lưu Quang Định - Vinh Hải - Lương Kết
Chủ nhật, ngày 10/05/2020 19:00 PM (GMT+7)
Suốt 10 năm ấy, ông Chấn ngồi trong tù khổ đã đành, còn ở làng Me, gia đình ông cũng tủi nhục không kém - ra đường không dám ngẩng mặt lên, giỗ chạp trong họ không được đến dự, chịu bao ghẻ lạnh, oán hờn, con cái li tán, kinh tế suy sụp…
LỜI TÒA SOẠN: Những ngày này, dư luận đang đặt để toàn bộ sự chú ý vào phiên giám đốc thẩm đối với vụ án của Hồ Duy Hải - bị cáo đã bị kết án tử hình qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đó khi bị buộc tội sát hại dã man để cướp của hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) hơn 12 năm trước.
Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra phán quyết Giám đốc thẩm, qua đó bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận được đẩy lên cao trào ngay sau phán quyết giám đốc thẩm là trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Hồ Duy Hải, còn có rất nhiều sai sót của các cơ quan điều tra (dù có thể "không làm thay đổi bản chất vụ án" như phán quyết của phiên giám đốc thẩm), nhưng cũng khiến dư luận có quyền nghi ngờ về sự chính xác và công tâm của bản án.
Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề (và cũng không khẳng định) bị cáo Hồ Duy Hải có phải chịu án oan như ông Chấn hay không. Nhưng, cũng giống như vụ án Hồ Duy Hải, trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tư pháp khi đó cũng đã mắc phải nhiều sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến cho kết quả điều tra sai lệch căn bản…
Xin mời bạn đọc đón xem lại loạt bài 5 kỳ về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Loạt bài từng đăng tải trên Dân Việt vào năm 2015.
Kỳ 3: Những nỗi ê chề gia đình ông Chấn phải gánh chịu suốt 10 năm
Suốt 10 năm ấy, ông Chấn ngồi trong tù khổ đã đành, còn ở làng Me, gia đình ông cũng tủi nhục không kém - ra đường không dám ngẩng mặt lên, giỗ chạp trong họ không được đến dự, chịu bao ghẻ lạnh, oán hờn, con cái li tán, kinh tế suy sụp…
Bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) là một trong số 7 người con của ông Hòa - bà Mùi, cùng làng với ông Chấn. Xốc vác, chịu thương chịu khó, nên Chiến được bà Vì (mẹ của ông Chấn) quý lắm. Bà bảo con trai: “Nhà mình neo người, mày lấy vợ đi con ạ, để có người đỡ đần, để tao sớm có cháu bế…”.
Ông Chấn và bà Chiến kết hôn năm 1981, khi bà Chiến mới 16 tuổi, còn ông Chấn 20. Đám cưới xong hai ông bà đẻ liền tù tì 4 đứa con, cậu cả tên Quyết (SN 1982), cô thứ hai tên Quyền (SN 1984), cô thứ ba tên Thu (SN 1987) và cậu út Thế Anh (SN 1989). Đứa nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Ngoài làm ruộng, hai vợ chồng còn bán quán, chạy xe ngựa… kinh tế vào loại vững nhất làng. Cả làng ai cũng mừng cho bà Vì, ở vậy nuôi con mấy chục năm, về già nay bắt đầu được hưởng lộc giời.Vậy mà tai họa từ đâu bỗng dưng ập tới...
Cắm mặt xuống đất mà sống
Ở cái làng Me hiền lành này, tội lỗi ghê gớm nhất từ trước tới nay có lẽ chỉ là trộm con gà, con vịt. Vậy mà đùng một cái lại có gã giết người. Hơn thế, như đã nói ở bài trước, cô Hoan – nạn nhân bị giết – có họ hàng nội tộc với ông Chấn, “nếu chết còn phải để trở cho nhau”. Vậy mà ông Chấn lại đang tâm xuống tay giết cô Hoan, lại còn “giết do... đòi xin một cái không được”. Tội chồng lên tội, thật đáng ghê tởm!
Bà Vì nhớ lại: Tôi sợ nhất là những buổi sáng, nghe tiếng bánh xe lăn cót két trên con đường gạch. Đã đến giờ ông Bờ - cha của cô Hoan – ra quán để... chửi chúng tôi. Ngồi trên xe lăn, ông dứ dứ cái ba toong vào mặt tôi: “Con đĩ kia, mày đẻ ra con mà không biết dạy, để nó giết con tao!...”. Thấy chị Chiến đến: “Con đĩ kia, chồng mày là loài cầm thú, nay nó bị xích trong tù. Đáng lẽ người ta phải băm vằm nó ra mới đáng…”.
Nghe chửi mà không dám cãi, không dám cự lại, chỉ cúi gằm mặt xuống đất. Khổ, nhà người ta mất người, người ta xót, người ta chửi thế chứ chửi nữa cũng phải chịu... Hồi ông Chấn còn ở nhà, quán bán chạy lắm. Nào chè, nào thuốc, nào phân bón..., người vào người ra tấp nập. Từ ngày ông Chấn vào tù, quán cứ vắng dần, vắng dần, chẳng ai muốn mua hàng của nhà thằng giết người cả.
Tháng 6 năm 2008, gia đình bà Vì mang hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn - cha ông Chấn - từ nghĩa trang Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An về chôn ở làng. Đến đầu ngõ, người cán bộ của Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Việt Yên đi cùng xì một tiếng: “Tưởng nhà ai, hóa ra nhà Chấn giết người à?!”, và lạnh nhạt hẳn.
Mặc dù là người trong họ, nhưng ông Bờ vẫn căm chuyện Chấn giết Hoan, nên không sang thắp hương. Tháng 11 năm ngoái, ông Chấn ra tù về nhà được 3 ngày thì ông Bờ qua đời. Bà Vì vẫn bảo con cháu sang viếng ông Bờ. Thôi, oán thù nên cởi chứ không nên buộc. Người ta cũng có lỗi gì đâu...
Bà Vì kể: "Rất nhiều đám giỗ chạp trong làng người ta không mời gia đình tôi". Có lần được mời, mâm cỗ 6 người, đến lúc cắt quả khế ăn tráng miệng, chủ nhà chỉ cắt có 5 miếng, như để cố tình hạ nhục bà. Một người ngồi bên cạnh ý chừng thấy thương, bèn bẻ cho nửa miếng khế.
Hội đồng niên trong làng dứt khoát đòi đuổi ông Chấn ra khỏi hội, vì “làm xấu hội”. Chị Chiến kêu: “Chồng em bị oan, các bác cứ cho em đóng tiền, đến khi nào được minh oan, chồng em lại về tham gia hội...”, nhưng không được.
Quyết nhớ một đêm đã khuya lắm, cả làng đã ngủ, mẹ đánh thức mấy anh em dậy, lần mò xúc gạo cho vào tải đem đi giấu ở nhà khác, sợ bị tịch thu. Nhà có tấm gỗ lim để dành bấy lâu, cũng phải đem đi gửi.
Quyết - con trai cả của ông Chấn kể: Khi bố bị bắt, em 21 tuổi, hàng ngày phụ bố chạy xe ngựa. Bố vào tù, em toàn phải chạy sang xã khác tìm việc, vì ở làng người ta không gọi xe mình nữa. Rồi ít lâu, xe ngựa cũng phải bán để lo chuyện cho bố.
Ông Chấn bị bắt ít hôm thì bước vào năm học mới. Trẻ con cả làng nô nức đến trường, còn con Quyền và con Thu thì chạy về khóc với mẹ: “Mẹ ơi cho chúng con bỏ học thôi!”. “Bỏ là bỏ thế nào? Nhà mình đã thế này, các con càng phải cố học…” “Nhưng nhục lắm mẹ à. Bạn bè đứa nào nó cũng gọi bọn con là con kẻ giết người”.
“Nhưng bố có giết người đâu, bố bị oan mà !” “Chẳng ai tin đâu mẹ ạ!”. Thế là con Quyền và con Thu đều bỏ học. Quyền ra mấy lò gạch đầu làng đóng gạch thuê, được vài năm đi làm công nhân may. Thu đi xách vữa, phụ hồ, ai thuê gì làm nấy. Nhìn các con lam lũ mà chị Chiến thắt lòng thắt ruột.
Chuyện tình cảm của các con ông Chấn cũng trở nên khó khăn vô cùng. Cậu cả Quyết lúc bố bị bắt đang có bạn gái, gia đình kia bắt thôi ngay vì không muốn dính đến “nhà thằng giết người”. Mãi mấy năm không dám quen ai. Cuối cùng ông Hoạt giới thiệu cho cô cháu. Khi chung sống, hai vợ chồng có lúc “bát xô đũa lệch”, lời qua tiếng lại, Quyết cho vợ cái bạt tai. Nhà thông gia bèn kéo cả nhà sang, vừa đòi hành hung bên nhà ông Chấn, vừa nhiếc móc “đúng là cái nòi giết người hung hãn!”.
Thu - cô con gái thứ ba – may mắn lấy được người chồng hiền lành, biết thương vợ. Nhưng mà nghèo lắm, không mẹ không cha. Có đận hai vợ chồng lưu lạc vào Bình Dương làm công nhân, được mấy năm lại quay về làng. “Thôi thì nghèo thế nó mới chịu thương con gái mình!” - bà Chiến thở dài.
Trong bốn đứa con, có lẽ vợ chồng ông Chấn thương con Quyền nhất. Đẹp người, đẹp nết, mà lận đận. Tính cả tuổi mụ thì năm nay nó đã 31 rồi, ở làng lẽ ra đã con bồng con dắt. Vậy mà giờ này vẫn phải lang thang bên xứ Đài kiếm sống.
Quyền đi 7 năm rồi, nay cũng muốn về lắm rồi, về với bố, về để "đoàn tụ gia đình". Nhưng không về được vì chưa để dành được hơn 100 triệu đồng nộp tiền phá vỡ hợp đồng.
Chị Chiến vừa khóc vừa đưa chúng tôi lá thư Quyền viết gửi lên trại cho bố. Thư đề ngày 21/12/2007, trước khi Quyền đi xuất khẩu lao động ít lâu: “Bố ơi con Quyền sẽ đi vài năm rồi về bố ạ. Khi đó bố chắc cũng về rồi. Thế Anh cũng sắp ra trường rồi. Gia đình mình sẽ đoàn tụ đầy đủ. Bố ơi con nói cho bố biết rằng con không đắc ý khi con lấy chồng mà không có bố ở nhà. Kinh tế gia đình cũng kém con đi mong giúp được gia đình phần nào. Vậy bố không được suy nghĩ nhiều gì phải vô tư làm việc tốt sống tốt giữ gìn sức khỏe bố nhé...”.
“Có bệnh vái tứ phương”, cứ nghe ở đâu có một tia hy vọng, bà Chiến lại lao tới không tiếc thời gian, công sức, tiền của. Lần “cao điểm” nhất là 4 năm ròng rã bà “theo cửa” một ông tên là Chung, nhà ở Phổ Yên, được coi là “vua chạy án”. Ông bảo gia đình gặp tôi “coi như gặp được cửa giời rồi”.
Bà đã vay ông Hoạt 60 triệu tiền mặt, đem thế chấp 3 cái sổ đỏ cũng của bên ông Hoạt mỗi cái được 30 triệu, chịu lãi ngân hàng 1,25%/tháng, bán toàn bộ 4 vạn viên gạch dành dụm xây nhà, vay thêm người này 5 triệu, người kia 10 triệu... để đưa cho ông Chung tổng cộng là 170 triệu. Lần nào lên Phổ Yên ông cũng bảo, “sắp được rồi, sắp được rồi”. Vậy mà mấy năm trôi qua, cuối cùng ông trả lại 160 triệu, sau khi trừ đi 10 triệu gọi là “chi phí thực tế”.
Lên trại thăm chồng, thăm cha
Ít nhất mỗi tháng một lần, gia đình lại lên trại giam thăm ông Chấn. Đi thì chỉ mất 1 ngày, nhưng chuẩn bị có khi phải cả tuần. Đầu tiên là chuẩn bị những thứ hàng khô - đậu xanh, đậu tương, gạo nếp, thuốc tây, măng, miến, hành khô... Trước đó 1,2 ngày thì bắt đầu làm ruốc, kho thịt, rang tôm... Đồ tiếp tế đựng vào 2 cái bao to, mỗi bao nặng 10 – 15 kg. Buộc hai bên xe máy. Lên trại lại mua thêm một số thứ buộc phải mua tại căng tin: mì tôm, thịt hộp, dầu gội đầu... với giá cao hơn nhiều so với thị trường.
Tiền thức ăn tiếp tế hết khoảng 1 triệu đồng. Tiền mua ở căng tin thêm khoảng 1 triệu nữa. Rồi còn tiền lưu ký nộp cho Ban quản lý trại để ông Chấn tiêu vặt ít nhất cũng 500.000đ mỗi lần... Thăm nuôi ông Chấn trở thành một khoản chi lớn trong ngân sách gia đình một nông dân nheo nhóc.
Tiền đã vậy. Cái vất vả của việc đi lại cũng không thể không tính tới. Quãng đường từ Bắc Giang lên trại Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) dài 120 km. Từ thôn Me ra ngã ba Đình Trám, nhập vào quốc lộ 1 đi về phía Hà Nội, rẽ sang quốc lộ 2 đầy bụi đỏ, cứ thế nhằm phía những ngọn núi Tam Đảo mà tiến.
10 năm – ông Hoạt, bà Chiến và mọi người trong gia đình gần như thuộc lòng từng ngã ba, ngã tư, từng ổ gà trên lộ trình ấy. Thường là chạy hai xe máy, chở 4 người để yên tâm đỡ đần nhau cả chặng đường dài. Những lần thủng xăm, nổ lốp. Những lần bị công an bắt xe. Những lần lên đến trại quên chứng minh thư không được vào, lại năn nỉ nói khó, lại dúi quà.
Năm 2007, trong một chuyến thăm nuôi như thế, khoảng gần 11 giờ khuya, đường vắng, đúng đoạn qua thị xã Vĩnh Yên, Quyền ngã xe. Cô bị ngất, nằm mê sảng trong Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc mất 3 ngày. Còn bà Chiến ngồi sau thì rách đùi, phải khâu mất mười mấy mũi. Bà vén quần lên khoe với khách một đoạn sẹo dài như con sâu róm, kỷ niệm buồn của những tháng ngày vất vả đó.
Trong cuộc làm việc mới nhất với Tòa phúc thẩm Tòa án NDTC về bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 của Thường vụ Quốc hội, ông Chấn yêu cầu bồi thường tổng số tiền 9,3 tỷ đồng (trong đó bồi thường cho những ngày bị tù oan 584 triệu đồng; bù đắp thiệt hại về danh dự, nhân phẩm 2 tỷ đồng; bồi thường cho mẹ ông suốt 10 năm không ai nuôi dưỡng 1 tỷ đồng; bồi thường cho vợ ông suy sụp tinh thần, sức khỏe nhưng 10 năm vẫn đi tìm công lý 1 tỷ đồng; bồi thường cho 4 người con không được học hành, bị bạn bè khinh bỉ, không ai chăm lo 1,6 tỷ đồng; bồi thường cho sức khỏe của ông 83 triệu đồng; bồi thường thu nhập thực tế bị mất 1,6 tỷ đồng).
Ngoài ra, ông Chấn còn đòi bồi thường chi phí thuê luật sư, chi phí những người trong gia đình đi dự tòa, chi phí thăm nuôi trong trại giam...
Những tai ương liên tiếp
Khi nhận lời về làm vợ ông Chấn, bà Chiến cứ ngỡ rằng mình lấy anh con một, chắc sau này sẽ nhàn. Có giàu tưởng tượng đến đâu bà cũng không hình dung ra những nỗi cực nhục mà số phận oan khiên đang đợi bà.
Suốt từ lúc ông Chấn bị bắt cho tới trước phiên xử sơ thẩm (ngày 26/3/2004), bà vẫn yên tâm lắm. Hơn ai hết, bà biết chồng mình không phạm tội. Thứ nhất, tính ông nhát như thỏ đế, làm gì có gan giết người. Và thứ hai, quan trọng hơn, suốt cái buổi tối định mệnh đó, ông Chấn ở bên cạnh bà, chỉ trừ khoảng 10 phút đi lấy nước. Vậy thì có muốn cũng không kịp gây ra một sự việc tày đình như vậy.
Còn ông Chấn tất nhiên lại càng biết mình vô tội. Khi bước chân vào phòng xử án, ông còn giơ cao hai tay bị còng, nói to với người dân làng Me: “Bà con yên tâm, tôi không giết người đâu!”. Vậy mà vẫn bị tuyên án chung thân.
Ngay đêm đó về nhà, bà Chiến viết đơn kêu oan, lá đầu tiên trong số hàng trăm lá đơn kêu oan sau này bà gửi đi khắp các cửa trong suốt 10 năm. Người phụ nữ nông dân quê mùa ấy đã đội đơn đi khắp các cơ quan công quyền: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội...
Ngày 27/7/2004, tòa phúc thẩm lại tuyên án ông Chấn chung thân. Bà Vì gào khóc nhào tới ôm con, bị du ngã lăn lông lốc trên 7 bậc thềm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Bà Chiến thì bị ngất, phải tức tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Năm 2005, chỉ trong 3 tháng, không biết có phải do quá đau buồn vì chuyện con rể, bố mẹ đẻ của bà Chiến nối nhau quy tiên. Hai lần đưa bố mẹ ra đồng, hai lần người ta phải cõng bà Chiến về trong tình trạng bất tỉnh nhân sự. Bà Chiến bảo, “cái quắn đó tôi tưởng tôi cũng chết theo luôn”.
"Tôi sợ nhất là những buổi sáng, nghe tiếng bánh xe lăn cót két trên con đường gạch. Đã đến giờ ông Bờ - cha của cô Hoan - ra quán để... chửi chúng tôi: "Con đĩ kia, mày đẻ ra con mà không biết dạy, để nó giết con tao !...". Nghe chửi mà không dám cãi, không dám cự lại, chỉ cúi gằm mặt xuống đất..." - bà Vì, mẹ ông Chấn nhớ lại.
Của cải trong nhà đội nón ra đi, gánh nặng nuôi mẹ chồng và 4 đứa con dại đè nặng lên vai, gia đình li tán, những chặng đường dài vất vả vừa thăm nuôi chồng, vừa kêu oan... tất cả làm sức khỏe bà Chiến nhanh chóng suy kiệt.
Cuối năm 2012, bà bị tai biến phải nằm bệnh viện 108 mất 3 tháng, bị ngọng, phải chập chững tập nói, tập đi như một đứa trẻ. Năm 2013 bà bị đĩa đệm, bệnh viện 108 đề nghị mổ nhưng bà không có tiền, đành lên Lạng Sơn chữa thuốc nam, may lại đỡ.
Khổ nhất là giữa năm 2012, bà như bị phát điên, cứ hồi hộp chuyện gì là chân tay co rút, nói năng mê sảng, phải nằm Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Bà đưa chúng tôi xem giấy khám của bệnh viện đề ngày 25/7/2012, trong đó ghi bệnh nhân Nguyễn Thị Chiến, 48 tuổi, bị “chấn động dây thần kinh”. Hiện nay bà vẫn phải uống thuốc thần kinh hàng ngày.
Ba đời làm đá Vọng phu
Trong kháng chiến chống Pháp, ông nội của ông Chấn bị Tây bắt ở bốt Mỏ Thổ, rồi giết vùi xác xuống cánh đồng cách thôn Me chừng 2 cây số, không có mộ. Ông bà có 3 người con, một chị nghèo quá không nuôi được nên đem cho từ tấm bé, nay không biết ở đâu; một chị khác lấy chồng làng bên; và người con trai duy nhất là liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn – cha ông Chấn. Bà nội ông Chấn ở vậy nuôi con cho đến lúc qua đời giữa những năm 80. Cha ông Chấn đi bộ đội chống Mỹ năm 1961, khi ông Chấn còn trong bụng mẹ.
Qua lời kể của mẹ, cha con ông chỉ được gặp nhau một lần duy nhất, khi cha ông về phép trước khi ra chiến trường. Ông Phấn là lính lái xe, hy sinh năm 1964 tại nước bạn Lào. Trong ký ức tuổi thơ của mình, ông Chấn chỉ nhớ khi ông hỏi “bố đâu?” thì các chú, các bác thường đùa: “Bố mày đi bắn cò rồi!”. Khi chồng hy sinh, bà Phạm Thị Vì, mẹ ông Chấn, mới ngoài 20 tuổi. Bà cũng không đi bước nữa, ở vậy nuôi mụn con duy nhất.
Bà Chiến tâm sự với chúng tôi: “Khi ông Chấn bị tuyên án chung thân, tôi sợ lắm! Hay phải chăng cái số ông Chấn nhà tôi nó thế? Đã ba đời những người phụ nữ nhà này cứ phải sống một mình, thờ chồng nuôi con. Bà nội ông Chấn, mẹ ông Chấn, rồi bây giờ đến tôi. Hay ông Chấn cũng không bao giờ về nữa?...”.
Nghe bà Chiến nói, chúng tôi cũng thấy rờn rợn. Đúng là đã ba đời những người phụ nữ bất hạnh trong dòng họ nhà ông Chấn đã phải chịu cảnh sống không có chồng ở bên. Nhưng bà ông Chấn mất chồng vì Pháp, mẹ ông Chấn mất chồng vì Mỹ. Đều trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc. Còn nay giữa thời bình, vợ ông Chấn suýt mất chồng chỉ vì những việc làm vô trách nhiệm của một số người.
Xin mời đón đọc "Kỳ 4: Ly kỳ hành trình phá án, cuối cùng cũng gặp "Bao Công" lúc 6h ngày mai, 11/5.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.