Như ở số báo trước đã đăng tải, dựa vào nhiều nguồn tin khác nhau, các cán bộ điều tra đã tìm được quê của vợ chồng người chủ quán phở. Tuy nhiên, người thân của họ ở quê lại hoàn toàn không nắm được vợ chồng này đang ở đâu. Chỉ có duy nhất 1 bức thư, người chồng tên Chính gửi về cho gia đình vào dịp Tết nguyên đán, ngoài ra không có bất cứ thông tin gì.
Ảnh minh họa.
Ra Thái Bình, ngược Bình dương tìm manh mối
Cầm lá thư mà người thân của vợ chồng Chính, Hạ ở Thái Bình cung cấp, tổ trinh sát điều tra gấp rút quay trở về Lâm Đồng báo cáo kết quả, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo.
Tại cuộc họp của ban chuyên án, Phó Giám đốc Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra và Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự sau khi nghe thông tin báo cáo đều cho rằng, có thể căn cứ theo bức thư để lần tìm ra nơi cư trú của vợ chồng chủ quán phở…
Các trinh sát điều tra nghe lãnh đạo nói vậy đều hết sức bất ngờ vì rõ ràng chẳng thấy bất cứ manh mối nào? Tại cuộc họp, lãnh đạo ban chuyên án phân tích, căn cứ theo con dấu bưu điện in trên phong bì thì hai vợ chồng Chính đang ở Bình Phước.
Chính vì vậy cần phải ngay lập tức di chuyển tới Bình Phước tìm gặp cơ quan bưu chính, họ sẽ giúp làm rõ được nơi gửi thư này từ đâu. Mặc dù việc xác minh đòi hỏi kỳ công và chưa chắc đã có kết quả nhưng cho đến lúc đó thì đây là đầu mối duy nhất…
Phân tích xong, lãnh đạo ban chuyên án cử một tổ 3 trinh sát lập tức đi Bình Phước. Sau buổi làm việc với lãnh đạo ngành bưu chính Bình Phước, lực lượng điều tra đã xác định được nơi mà bức thư được gửi đi là một điểm bưu điện nằm ở thị trấn của huyện Chơn Thành. Được nhân viên bưu chính dẫn tới tận điểm bưu điện làm việc với nhân viên tại đây.
Trên đường di chuyển, anh em trinh sát không khỏi hoài nghi, bởi lẽ, nếu bức thư được đối tượng tự bỏ vào thùng gửi thư thì sẽ rất khó xác định. Nhưng quả là trời không phụ lòng người, thông tin bất ngờ từ nhân viên điểm bưu điện khiến anh em điều tra không giấu được sự vui mừng...
Theo đó, bức thư đúng là của một người cư trú trên địa bàn thị trấn gửi dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Nhưng do thư gửi đảm bảo, có kèm tiền bên trong nên buộc phải khai báo địa chỉ cụ thể để nhân viên bưu điện tiện theo dõi, trong trường hợp không giao được, thư sẽ hồi lại. Chính nhờ chi tiết này, các điều tra viên đã có được chính xác địa điểm, tên tuổi của người gửi thư.
Vấn đề tưởng đã sáng tỏ ai ngờ vẫn rối rắm. Tên của người gửi thư không phải là Chính hay Hạ (tên vợ chồng người chủ quán phở) mà là một người đàn ông tên Trần Phú Xuân, 45 tuổi… nhà người này nằm ở gần khu vực trại chăn nuôi của huyện. Hai tình huống đặt ra: nếu người gửi thư đích thị là Chính thì có thể nghi phạm đã lấy tên giả nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp một người khác đã đi gửi thư hộ. Dù thế nào đi chăng nữa, các điều tra viên vẫn phải xác minh.
Để tránh lộ thân phận, các cảnh sát thống nhất với nhân viên bưu điện là sẽ cải trang thành cán bộ bưu chính đến để làm thủ tục trả thư do bức thư dịp Tết không gửi được. Cơ quan bưu chính của tỉnh Bình Phước đồng ý phương án này và đã cử người đi cùng tổ trinh sát để phối hợp thực hiện kế hoạch.
Theo gợi ý từ phía nhân viên bưu điện thì nên đến vào buổi chiều tối vì lúc này sẽ dễ gặp chủ nhà do ban ngày hầu hết đều lên rẫy làm việc…
Nghi phạm lộ diện
Khi đến nhà người đàn ông có tên Trần Phú Xuân, trinh sát dường như có linh cảm rằng, người xuất hiện trước mặt mình chính là gã bán phở đang cần truy tìm.
Tuy nhiên, không để lộ kế hoạch, lực lượng điều tra bình tĩnh ngồi nói chuyện nhằm củng cố các giả thiết. Nhân viên bưu điện huyện Chơn Thành nói với chủ nhà về việc bức thư kèm số tiền mà ông này gửi dịp Tết vừa qua không đến được tay người nhận.
Lý do là người đưa thư đã đến đúng địa chỉ nhưng phía người nhận không xác nhận được người gửi thư là người thân của mình nên sau đó thư đã được gửi trả lại Bình Phước. Ba trinh sát điều tra đi cùng được giới thiệu là cán bộ ở Bưu điện tỉnh Bình Phước xuống xác minh lại thông tin để tiến hành làm thủ tục chuyển trả thư…
Nghe nhân viên bưu điện nói vậy, người đàn ông tên Xuân không hề nghi ngờ, buột mồm nói: “Thôi chết rồi! Hôm đó tôi quên là đã khai tên thường gọi khi đi làm ăn nên bố mẹ ở nhà không biết cũng là phải. Giờ để tôi khai lại sau đó nhờ các anh chị chuyển lại giúp ra Thái Bình. Khổ thân bố mẹ tôi, con gửi tiền về ăn Tết mà lại không nhận được chỉ vì cái lỗi này…”.
Nói xong, người đàn ông này ngồi khai lại tên chính thức của mình là Vũ Văn Chính, quê ở Thái Bình. Đến lúc này, lực lượng trinh sát đã có thể khẳng định một cách chắc chắn, người mà mình cần tìm đang ngồi ở trước mặt.
Tuy nhiên, không vội vàng để lộ mình là cán bộ điều tra, các trinh sát cố gắng kéo dài thời gian để có thể xác minh được cả vợ của Chính. Khoảng nửa tiếng sau, 1 người phụ nữ đi vào nhà, trên tay cầm theo một tảng thịt lợn khá lớn. Chưa bước đến cửa, từ ngoài sân người phụ nữ này đã nói lớn: “Nay mua được miếng thịt lợn nhà bác Tuyền ở ấp dưới ngon quá mình nó ạ”.
Khi người đàn bà vào nhà, Chính mới liền lên tiếng: “giới thiệu với mọi người, đây là Hạ, vợ tôi”. Từ giọng nói của hai vợ chồng thì chắc chắn cả hai là người gốc Bắc. Với những tình tiết đã rõ, mặc dù không bàn bạc trước nhưng cả ba trinh sát đã ngầm ám hiệu cho nhau về việc lập tức khống chế vợ chồng Chính, Hạ…
Để đảm bảo việc vợ chồng này không kịp bỏ chạy, hai trinh sát từ từ tiến ra phía cửa chính giống như thể đi ra ngoài cho thoải mái. Lúc này, ngồi trong nhà, trinh sát còn lại mới dõng dạc, bình tĩnh lên tiếng: “Thông báo cho vợ chồng anh Chính, chúng tôi là cán bộ của Công an tỉnh Lâm Đồng.
Hôm nay tới Bình Phước tìm anh chị để xác minh một số việc có liên quan đến ngôi nhà mà anh chị từng ở trước đây tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng”.
Nghe vậy, cả Chính và Hạ giật mình, mặt tái nhợt, miệng lắp bắp nói: “Căn nhà đó chúng tôi vẫn để lại, không bán cho ai, ai đến ở thì ở sao Công an tỉnh lại cử người tới xác minh vậy”. Cũng không cần phải giấu nội dung vụ việc nữa, điều tra viên nói: “Chúng tôi nghi ngờ anh chị có liên quan đến một vụ án giết người xảy ra ở Lâm Đồng cách đây gần 7 năm, vì vậy đề nghị hai anh chị cùng chúng tôi về Lâm Đồng để tiến hành xác minh. Nếu không có vấn đề gì, hai người sẽ sớm được trở về Bình Phước, toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở chúng tôi đều lo liệu hết…”.
Ngọc Cương (Phapluatplus)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.