Kỳ án Lệ Chi viên: Hung thủ thực sự là ai?

Thứ năm, ngày 24/02/2022 08:30 AM (GMT+7)
Trong khi dư luận ngày càng có xu hướng cho rằng Nguyễn Thị Lộ cũng chỉ là nạn nhân trong kỳ án Lệ Chi viên thì một câu hỏi quan trọng xuất hiện: Ai mới là người đã ra tay giết vua?
Bình luận 0
Kỳ án Lệ Chi viên: Hung thủ thực sự là ai? - Ảnh 1.

Thác bản văn bia Khôn nguyên chí đức. Tư liệu của tác giả

Từ khoảng thế kỷ 19, một nhân vật khác đã bị chỉ định hung thủ: Thần phi Nguyễn Thị Anh.

Từ chuyện mưu hại Ngô Thị Ngọc Dao

Ức Trai di tập của Dương Bá Cung (1795 - 1868) là nguồn tư liệu đầu tiên công bố cáo buộc đối với Thần phi Nguyễn Thị Anh. Sách này dẫn Thụy Thú tộc phả chú kể: “Lúc bấy giờ Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao nằm mộng thấy Kim Tiên Đồng giáng sinh làm con mình. Việc truyền ra. Tuyên Từ thái hậu (Nguyễn Thị Anh) ghét lắm. Rồi có việc bà đồng thờ Phật Quan âm ở trong nhà để cầu cho Huệ phi được sủng ái. Việc (lấy ở Sử ký) liên can đến Tiệp dư. Tiệp dư bị xử lưu đày. Trãi sai Thị Lộ tâu xin sai người giam giữ. Có chỉ cho ra ở chùa Huy Văn. Ông (Nguyễn Trãi) sai người chăm sóc. Đúng ngày sinh ra Tư Thành. Hậu oán hận muốn giết. Thị Lộ biết được, ngầm bảo Tiệp dư trốn đi. Hậu biết được, ghi ở trong lòng. Đến khi vua đi tuần miền Đông, đến nhà của Trãi, cùng Thị Lộ tư thông rồi băng. Hậu bèn vu cho Thị Lộ giết vua, tội đến ba họ”.

Tác giả gia phả cho rằng nguyên nhân Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bị tội vì vụ án thờ Phật Quan âm của Huệ phi. Nhưng vụ án đó đã kết thúc từ cuối năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), còn Tiệp dư bị tội phải ra ở chùa Huy Văn vào lúc mang thai hoàng tử Tư Thành, nghĩa là khoảng cuối năm Đại Bảo thứ 2 (1441) - đầu năm thứ 3 (1442). Việc gộp lộn sòng hai sự việc làm một chứng tỏ tác giả không nắm rõ nội tình vụ án, mà chỉ suy diễn thêm dựa vào vài chi tiết trong Đại Việt sử ký toàn thư - đúng như lời chú trong chính cuốn phả ấy thừa nhận. Đại Việt thông sử thì nói “Tiệp dư từng vì trái ý, bị vua Thái Tông bỏ tù”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Tuân tìm được một bản gia phả dòng họ Trịnh Khả ở H.Từ Liêm (Hà Nội), trong đó cho biết: “Khi Quang Thục Hoàng thái hậu [tức Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao] có mang 7 tháng, bị một kẻ vu cáo là bà đã tư thông với người khác, vì việc đó bà bị bắt giam ở vườn Khổn Hoa”.

Thực tế, Thần phi Nguyễn Thị Anh không hề oán hận Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Bằng chứng là sau khi vua Thái Tông băng, Nguyễn Thị Anh buông rèm nghe chính sự đã đặc biệt phong bà làm Sung viên, sai coi giữ Thái miếu. Con trai bà là hoàng tử Tư Thành thì được phong làm Bình Nguyên vương, sai vào cư ngụ tại kinh đô, hằng ngày cùng các thân vương hầu vua học tập. Đối với Bình Nguyên vương Tư Thành, “Tuyên Từ thái hậu yêu như con mình đẻ ra”. Các văn bia thời Thánh Tông, Hiến Tông đều nhắc đến Nguyễn Thị Anh với sự đánh giá cao, hoàn toàn không xem bà là kẻ thù hại mẹ hại con. Bia Khôn nguyên chí đức nói về Quang Thục thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có khen Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh cùng với hai vị tiên hậu của hai triều trước “khuôn đẹp tiếng hay nêu cao trong trời đất vậy!”.

Đến cáo buộc làm giả long chủng

Lại thêm một cáo buộc khác được tung ra nhằm vào Thần phi Nguyễn Thị Anh. Lần này đến từ Đinh tộc ngọc phả. Sách giới thiệu là quyển gia phả do Đinh Công Đột (tức Lê Công Nhiếp), con cả của Lân quốc công Đinh Liệt biên soạn, dựa trên các ghi chép của chính Đinh Liệt, được lưu giữ trong dòng họ Đinh ở Đông Cao (Thanh Hóa). Sau đó, khoảng thập niên 80 của thế kỷ 18, nhánh họ Đinh ở Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà Nội) về lễ tổ có mượn đem về quê. Từ đó, quyển phả bị thất lạc. Năm 1953, ông Đinh Quốc Bảo (thuộc nhánh họ Đinh ở Đông Cao) tìm thấy bản sách này tại một thư viện ở Trung Quốc và chép lại trên 5 quyển vở loại 56 trang, khổ 23 x 17 cm, kẻ li bìa xanh và một số tờ rời.

Đinh tộc ngọc phả chứa đựng nhiều bài thơ với thời điểm sáng tác chi tiết đôi khi đến từng ngày. Bài thơ tháng 11 năm Tân Dậu (1441), Đinh Liệt viết: “Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa/Bất thức hà nhân chủng bảo đa?/Chủ kháo tống thai vi linh dược/Cựu bình tân tửu thịnh y khoa”. Đinh Liệt đã dùng lối chơi chữ để lưu giữ một bí mật của vương triều Lê sơ. “Nhung tân” đọc láy lại thành “Nhân Tông” - tức thái tử Bang Cơ; “tống thai” đọc thành “Thái Tông”, “thịnh y” còn có âm là “thạnh y”, láy lại là “Thị Anh”. Bài thơ nói rằng Nhân Tông chỉ mới sáu tháng đã ra đời, và là con của ai khác chứ không phải của Thái Tông. Lời cáo buộc này được lặp lại trong một bài thơ viết ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442). Lần này nói thêm rằng hoạn quan Đinh Thắng có bằng chứng cụ thể vì đã ghi rõ năm, tháng, ngày, giờ.

Tư liệu này còn khẳng định mối quan hệ bất chính có thực giữa Thị Lộ và Thái Tông. Thái Tông chết vì thượng mã phong. Do đó, vụ án Lệ Chi viên là oan án do chính Nguyễn Thị Anh dựng lên, nhằm giết Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Đinh Phúc, Đinh Thắng để bịt đầu mối. Và Đinh Liệt trở thành nhân chứng đáng tin cậy nhất trong vụ án.

(Trích từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)

Trần Hoàng Vũ (Theo Thanh Niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem