Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Giám sát hiệu quả, đất nước phát triển, nhân dân hưởng lợi
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Giám sát hiệu quả, đất nước phát triển, nhân dân hưởng lợi
Lương Kết
Thứ sáu, ngày 26/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Góp ý về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, ĐBQH Thào Xuân Sùng cho biết: Báo cáo cần phải đánh giá sâu và quan tâm hơn về vấn đề đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và các đoàn ĐBQH.
Chiều 25/3, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về: Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Đến với dân những lúc khó khăn
Phát biểu tại tổ Hà Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ninh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Thào Xuân Sùng đã đánh giá cao sự chuẩn bị các báo cáo về công tác nhiệm kỳ của các cơ quan.
Qua nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội, chúng ta đang trong thời điểm qua 35 năm đổi mới, đất nước chúng ta phát triển nhanh so với trước đây.
Góp ý về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, ĐBQH Thào Xuân Sùng cho biết: Báo cáo cần phải đánh giá sâu và quan tâm hơn về vấn đề đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và các đoàn ĐBQH.
"Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo "áp lực" để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
"Công tác giám sát thông qua hoạt động của từng ĐBQH theo quan sát của tôi chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước. Có một bộ phận ĐBQH mang tới Quốc hội suy nghĩ rất chủ quan và vẫn phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, chính vì thế dẫn tới sự tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu của các cơ quan Quốc hội, của Chính phủ phải cân nhắc nhiều. Nói cách khác phát biểu đó không giúp cho việc hoạch định tốt. Trên cương vị công tác của mình các ĐBQH phải nắm chắc tình hình mỗi vùng của đất nước, của nơi mình ứng cử. Như vậy mới nâng cao hoạt động chất lượng của Quốc hội"- ĐBQH Thào Xuân Sùng nói.
Cử tri lo lắng về tình trạng tín dụng đen, lừa đảo
Sáng ngày 25/3, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri, nhân dân mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp. Đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Với bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Còn những hạn chế trong thực hiện các chương trình giảm nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; chất lượng khám chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Về công tác phòng chống Covid -19, bên cạnh đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.
Cử tri, nhân dân cũng lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi như vụ việc xâm hại trẻ em tại quận Hà Đông, Hà Nội vào tháng 2/2021; vụ đường dây mua bán trẻ sơ sinh với quy mô lớn sang Trung Quốc… cũng là vấn đề khiến cử tri, nhân dân bức xúc, lo lắng…
Lương Ngọc
Vẫn theo ĐBQH Thào Xuân Sùng, Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự các cơ quan nhà nước (cơ quan tư pháp, hành pháp và các cơ quan của Quốc hội) nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá sâu về tác phong của ĐBQH, nhất là ĐBQH có chức vụ cao.
ĐBQH Thào Xuân Sùng nêu ví dụ, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (mặc dù có dịch Covid-19) các đồng chí đứng đầu các bộ, ngành T.Ư, đứng đầu địa phương có mặt ở những nơi khó khăn nhất của đất nước còn ít.
"Như vậy có gương mẫu không?", ĐBQH Thào Xuân Sùng nêu câu hỏi và cho rằng việc giám sát của đoàn ĐBQH có những thông tin giúp cho T.Ư Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đánh giá chính xác đội ngũ ĐBQH có chức vụ.
ĐBQH Thào Xuân Sùng cho biết, thời gian qua ông có đi công tác 3 chuyến trong đó có chuyến 15 ngày vào vùng lũ lụt ở miền Trung (năm 2020), thấy lãnh đạo cấp cao có mặt tại 4 tỉnh thiệt hại nhất trong đợt lũ lụt ở miền Trung còn ít.
"Người dân ở vùng thiên tai đó chưa đòi hỏi phải hỗ trợ gì về vật chất nhưng họ cần sự động viên, khi lãnh đạo có mặt tại đây người dân cảm thấy rất hạnh phúc. Khi tôi có mặt ở đó người dân lau nước mắt, dân vui vì được lãnh đạo đến nơi động viên, chia sẻ trước những khó khăn"- ĐBQH Thào Xuân Sùng nói.
Đồng hành không có nghĩa là xuê xoa
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), hoạt động của Quốc hội ngày càng mang tính sâu đậm, lan tỏa trong xã hội và cử tri cả nước. Người dân luôn chờ đợi, chứng kiến hoạt động của Quốc hội. Nhiều người ngồi màn hình theo dõi và bình luận về hoạt động của Quốc hội, điều đó cho thấy người dân hết sức quan tâm tới các hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó hoạt động của Quốc hội cũng giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình.
"Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo "áp lực" để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn. Chính phủ là cơ quan điều hành, hành pháp nhưng thực sự đã sáng tạo, hành động và phục vụ người dân. Còn ĐBQH là vai trò trung tâm của Quốc hội, tạo nên sự hiệu quả và một Quốc hội nhân văn"- ĐB Nhưỡng nói và cho rằng, thông qua Quốc hội nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được giải quyết, gần dân, sát dân hơn.
Ở khía cạnh khác, ĐB Nhưỡng đã tỏ băn khoăn khi công tác giám sát của Quốc hội dù có sự quyết liệt nhưng trong một số lĩnh vực còn chưa quan tâm thỏa đáng như có việc ĐBQH và đoàn ĐBQH còn ngại đụng chạm tới vấn đề của địa phương. Do đó nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát.
ĐBQH Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội khóa XIV đã làm được nhiều việc cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Đã thông qua 72 luật, 2 nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn trong 3 trụ cột là: Thể chế, hạ tầng, và nguồn nhân lực để tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho sự phát triển. Nhất là trong quá trình giám sát đã tạo sự chuyển biến lớn.
"Ví dụ như khi Quốc hội giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, dừng việc tạm nhập tái xuất đã giúp cho thúc đẩy sản xuất trong nước, ngăn chặn Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới. Tuy nhiên nếu đoàn ĐBQH ở các địa phương làm tốt vấn đề giám sát sẽ giúp ích cho tỉnh, địa phương rất nhiều trong phát triển kinh tế tại địa phương".
Theo ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), ấn tượng ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là phương thức, cách thức giám sát ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng ngày càng nâng lên. Quốc hội giám sát qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. "Cử tri rất ghi nhận cách thức chúng ta cải tiến sau này là "hỏi nhanh, đáp gọn", bởi không chỉ nâng cao số lượng đại biểu chất vấn mà các bộ trưởng cũng phải đáp gọn, trả lời thẳng. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đưa đến nghị trường, qua tiếp xúc cử tri, cử tri rất quan tâm và hài lòng về vấn đề này"- ĐB Hằng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.