Cây thị ở đền Chờ (Phú Mẫn, Yên Phong, Bắc Ninh) dù đã gần 600 tuổi nhưng vẫn xanh tốt.
Cứu tinh của làng trong thời chiến tranh
Đến đầu làng Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hỏi đường vào đền Chờ không ai không biết bởi, đền rất linh thiêng và còn có một “báu vật” – đó là cây thị cổ thụ đã gần 600 năm tuổi.
Theo quan sát của PV, cây thị có đường kính khá to, gốc khoảng 6-7 mét và cao trên 20 mét. Điều kì lạ là thân cây từ gốc đến ngọn đều rỗng nhưng cây vẫn phát triển tốt, tán rộng và lá xum xuê. Cây thị đang thời kì ra hoa, rụng kín dưới gốc. Bên cạnh gốc thị là một bàn thờ nhỏ, hương khói đầy đủ.
Về nguồn gốc của cây thị, ông Nguyễn Văn Phượng (69 tuổi) – Thủ từ đền Chờ cho hay, năm 2012, cây thị được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Để xác định số tuổi của cây, làng đã mời Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về lấy mẫu tăng trưởng.
“Lúc đó tuổi chính xác của cây thị là 573 năm tuổi, vậy tính đến nay là cây đã 578 tuổi”, ông Phượng nói.
Ông Nguyễn Văn Phượng – Thủ từ đền Chờ cho biết, cây được công nhận cây di sản năm 2012, đến nay cây đã 578 tuổi.
Theo ông Phượng, dân làng Chờ coi cây thị như vị cứu tinh cho làng trong những năm tháng chiến tranh.
Thời kì chống Pháp, xung quanh khu vực đền Chờ còn hoang sơ nhiều cây cối rậm rạp. Cây thị có đường kính to lại rỗng thân, tán rộng nên thanh niên một số làng lân cận đã về đây chui vào thân cây hoặc trèo lên cây để trốn bị giặc Pháp bắt đi phu, đi lính.
Đến kháng chiến chống Mỹ, giặc hoành hành ném bom tàn phá khắp nơi. Nhiều làng mạc bị chôn vùi, tan hoang nhưng tuyệt nhiên khu vực đền Chờ và cây thị đều không bị ảnh hưởng gì.
Những câu chuyện li kì về “thần” thị
Suốt những năm tháng qua, người dân làng Chờ, Phú Mẫn coi cây thị như một “báu vật” và cũng không ai dám mạo phạm đến “thần” thị.
Thân cây cao chừng 20 mét, tán rộng tỏa bóng mát cho đền Chờ.
Dù đã gần 600 năm tuổi nhưng cây thị vẫn ra rất nhiều hoa. Hoa rụng kín cả dưới gốc tuy nhiên, mỗi năm cây chỉ đậu rất ít trái. Có nhiều lời đồn đoán từ thời phong kiến, hễ cây thị đậu bao nhiêu trái thì trong làng Chờ có bấy nhiêu người đỗ đại học.
Về vấn đề này, ông Phượng nói: “Đấy là ngày xưa các cụ truyền tai nhau thế nhưng tôi nghĩ có thể là do sự trùng hợp nào đó. Những năm gần đây, tôi thấy số lượng người đỗ đại học trong làng rất nhiều còn cây thị có năm chỉ đậu duy nhất 1 trái, năm đậu nhiều thì 20-30 trái”.
Đặc biệt, những quả thị ở đền Chờ khi chín rất thơm, vỏ vàng óng ánh. Tuy rơi từ độ cao khoảng hơn 20 mét xuống sân gạch nhưng không bao giờ bị dập vỡ. Người dân cũng không dám tự tiện nhặt mang về mà muốn xin về phải vào đền làm lễ.
Do thân cây rỗng từ gốc lên đến ngọn nên những đêm gió thổi to, thân cây thị phát ra một tiếng động rất lạ nghe “ục ục”. “Tôi ở đây quen rồi nên không sợ chứ người lạ mà lần đầu nghe tiếng phát ra thì hoảng luôn”, ông Phượng nói.
Từ gốc lên đến ngọn cây bị rỗng ở giữa thân. Mỗi lần có gió thổi phát ra tiếng kêu lạ.
Đến ngày nay, những câu chuyện kì lạ về “thần” thị vẫn được người dân làng Chờ truyền tai nhau. Không biết những câu chuyện có thật hay không vì chưa ai lí giải được.
Mới đây, đền Chờ đã được tu bổ và xây thêm nhà thờ. Miếu cũ vẫn được giữ nguyên nằm bên cạnh cây thị. Dân làng cắt cử người thay phiên nhau quét dọn, thờ cúng theo lễ tiết.
Hằng năm theo tục lệ của làng, hễ nhà ai có việc đều phải mang lễ vật ra đền làng thờ cúng sau đó đánh trống trình báo với các thần, có như vậy các ngài mới chứng dám và phù hộ.
Chuyện một “đại gia” gỗ Đồng Kỵ chi chục tỷ mua cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh nảy sinh nhiều tình huống cười ra nước...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.