Kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam VNG gây bất ngờ với lợi nhuận bết bát trước thềm niêm yết

An Vũ Thứ năm, ngày 24/11/2022 09:26 AM (GMT+7)
VNG của "bang chủ" Lê Hồng Minh lỗ 254,5 tỷ đồng tỷ đồng trong quý III, đây là quý thứ 4 liên tiếp, VNG ghi nhận lợi nhuận âm. Trong kỳ, VNG rót 1.273 tỷ đồng tỷ vào các công ty liên kết, tuy nhiên các công ty này lại mang về cho công ty khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 600 tỷ đồng.
Bình luận 0

VNG gác lại giấc mơ IPO ở Mỹ 

Công ty Cổ phần VNG vừa ra thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11/2022 để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Mục đích của việc chốt danh sách cổ đông được VNG thông báo là để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung, phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) tại Sở Giao dịch chứng khoán.

VNG đề nghị các cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cổ phiếu làm thủ tục trước 17h ngày 28/11. Sau thời gian này, VNG sẽ dừng mọi thủ tục cho đến khi cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc chuyển nhượng cổ phần sau khi đã được đăng ký giao dịch được thực hiện theo quy định của cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Hé lộ bức tranh lợi nhuận "bết bát" của kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam VNG trước thềm niêm yết - Ảnh 1.

VNG từng dự kiến IPO tại Mỹ. Ảnh Vneconomy

VNG cho biết thêm, sau khi chốt danh sách cổ đông, công ty sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục khác để lưu ký, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Công ty cũng cho biết sẽ hỗ trợ các cổ đông lưu ký chứng khoán tại VSD.

Ngay trước khi VNG chốt danh sách lưu ký, 3 cổ đông ngoại là Gamvest, Prosperous Prince Enterprises, Tenacious Bulldog Holdings đã thoái vốn khỏi công ty này.

Các giao dịch này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc cổ đông của VNG phục vụ cho mục đích IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, VNG đã đề xuất thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited - một pháp nhân mới được thành lập vào ngày 1/4/2022 tại Cayman Islands.

Theo đó, VNG Limited sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Đây có thể là pháp nhân thực hiện niêm yết thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Hồi tháng 7, theo nguồn tin từ DealStreetAsia, VNG đang tiến rất gần đến đợt niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, thông qua việc chào bán 12,5% cổ phần vào cuối năm nay.

VNG của ông Lê Hồng Minh làm ăn ra sao trước thềm niêm yết?

Trước thềm niêm yết, Công ty Cổ phần VNG của "bang chủ" Lê Hồng Minh ghi nhận kết quả kém tích cực về hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Cụ thể, trong quý III/2022, VNG đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, giá vốn hàng biến động không đáng kể với 1.157 tỷ đồng, khiến lãi gộp giảm 7% xuống 943 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 53% xuống hơn 23 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí cho hoạt động này cũng giảm khá mạnh từ 7,5 tỷ đồng xuồng gần 670 triệu đồng.

Chi phí án hàng tăng 12% lên gần 715 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 30% lên hơn 380 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khác "ăn" mòn lợi nhuận của VNG trong kỳ đến từ hoạt động đầu tư vào các công ty liên kết. Theo đó, lỗ trong công ty liên kết với 27,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 9,9 tỷ đồng, khoản lỗ khác với 26,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 21,3 tỷ đồng.

Kết quả, VNG báo lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng. Với kết quả này, đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận lỗ đậm.

Hé lộ bức tranh lợi nhuận "bết bát" của kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam VNG trước thềm niêm yết - Ảnh 2.

Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 764 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi 196 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG mới hoàn thành khoảng 56% kế hoạch doanh thu năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm theo kế hoạch là khoảng 993 tỷ đồng.

Tiền mặt  VNG "bốc hơi" nghìn tỷ đồng, lỗ hàng trăm tỷ từ công ty liên kết

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VNG giảm nhẹ so với đầu năm xuống 9.189,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 55,8% với 5.126 tỷ đồng, giảm 29,5% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền biến động không đáng kể với 2.448,6 tỷ đồng, đáng chú ý khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn sụt giảm mạnh 67,5% còn 837,6 tỷ đồng, đây là các khoản tiền gửi tại ngân hàng tương mại có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và hưởng lãi suất dao động đến 5,6%. Như vậy trữ tiền của VNG "bốc hơi" hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm.

Phải thu ngắn hạn khác giảm một nửa xuống 504 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 59% xuống gần 71 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn tăng mạnh lên hơn 107% lên hơn 4.063 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng mạnh, trong đó đầu tư vào công ty liên kết tăng gần 360% lên 1.273 tỷ đồng, đầu tư vào các đơn vị khác đạt hơn 278 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 24% lên 3.610 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.671,5 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; trong đó chi phí phải trả ngắn hạn tăng 41,4% lên 1.353 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng 74,5% lên 939 tỷ đồng.

Hé lộ bức tranh lợi nhuận "bết bát" của kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam VNG trước thềm niêm yết - Ảnh 3.

VNG hiện đang nắm hơn 65% vốn Công ty Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay)

Tại thời điểm 30/9/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG vào các công ty liên kết đã lên tới hơn 603 tỷ đồng, tăng hơn 82 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy, VNG hiện đang nắm hơn 65% vốn Công ty Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay). Công ty đã đầu tư vào Zion hơn 2.560 tỷ đồng, tăng 680 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty đã trích lập thêm 214 tỷ đồng vào cuối quý 2, nâng tổng trích lập lên gần 2.060 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNG còn phải gánh thêm các khoản lỗ từ công ty liên kết khác. Đến cuối tháng 9, công ty lỗ lũy kế tới 510 tỷ đồng tại Tiki Global, 46 tỷ đồng tại Telio, 21 tỷ đồng tại Funding Asia và 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem