Thầy Lê Quốc Toàn đã được xác lập kỷ lục Việt Nam trong sự kiện Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 (ngày 26/8/2018).
4 năm đan 44 chiếc túi từ vỏ bao mì tôm phế phẩm
Theo lẽ thường, vỏ gói mì tôm vốn là phế phẩm với nhiều người; nhưng với thầy Lê Quốc Toàn (38 tuổi), giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) lại khác. Suốt 4 năm qua, người thầy này đã thu gom gần 20.000 vỏ bao mì gói để tạo nên 44 chiếc túi xách nhỏ xinh đầy ý nghĩa.
Mới đây, bộ sưu tập túi xách làm từ vỏ gói mì tôm của thầy Toàn đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung “Bộ sưu tập túi xách từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất tại Việt Nam”.
Chia sẻ về lý do thực hiện bộ sưu tập, thầy Lê Quốc Toàn cho biết: “Trước tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, lượng rác thải ngày càng tăng, trong đó số rác thải từ bao mì gói chiếm số lượng khá lớn và là loại rác thải khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, tôi đã nảy sinh ý tưởng tái sử dụng loại rác thải này”.
Những chiếc túi xách trong bộ sưu tập của thầy Toàn đa dạng về màu sắc và mẫu mã.
Loại rác từ vỏ bao mì tôm không được thu mua như những loại ve chai khác mà chỉ thường được thu gom rồi tập kết ra bãi rác. Thấy vậy, thầy Toàn ấp ủ ý tưởng phải dùng những bao mì gói đó để làm nên cái gì đó. Lúc đầu thầy Toàn nghĩ tới việc dùng chúng để làm nên những sản phẩm tái chế như đèn ngủ, nón, hộp quà... bởi nó có độ bóng và màu sắc đa dạng. Cuối cùng, thầy quyết định làm túi xách.
“Nghĩ vật liệu bỏ đi sao mà đẹp quá nên mình tái sử dụng làm một cái túi, hai cái túi… rồi thích quá làm luôn thành bộ sưu tập. Cô hiệu trưởng thấy mới bảo đăng ký xác lập kỷ lục thử, mình nghe cô đăng ký và không ngờ được xác lập kỷ lục thật”, người thầy giáo gốc miền Tây vẫn nhớ như in khoảnh khắc trở thành kỷ lục gia Việt Nam.
“Nhiều người bảo tôi bị khùng”
Để thực hiện một chiếc túi xách tái chế, thầy Toàn phải chọn loại bao bì dạng ni-lon phù hợp với ý tưởng, tiếp theo là cắt, xé sợi, cuộn lại rồi đan theo kích thước đã chọn - đây là giai đoạn khó nhất và cũng mất nhiều thời gian nhất. Sau khi đan xong, công đoạn tiếp theo là may phần ruột túi bằng vải, rồi đem ghép vào phần đan nói trên và cuối cùng là trang trí thêm các nguyên vật liệu khác để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Bộ sưu tập 44 chiếc túi xách làm từ vỏ bao mì gói của thầy Lê Quốc Toàn.
Thầy Toàn cho hay, mỗi chiếc túi nhỏ cần khoảng 250 vỏ gói mì, còn các túi lớn hơn thì phải cần ít nhất 380 - 400 cái. Riêng chiếc túi đầu tiên được thầy Toàn đan trong 2 tuần với tổng cộng hơn 500 vỏ bao mì tôm. Đến nay, tất cả 44 sản phẩm trong bộ sưu tập vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị xuống màu.
Về nguồn cung cấp gần 20.000 vỏ bao gói mì gói, thầy Toàn chia sẻ: “Ban đầu mình phải tự đi nhặt từng vỏ bao để đan túi, nhiều người thấy vậy còn bảo mình bị khùng. Sau đó cần số lượng lớn thì mình đặt mua thêm từ căng-tin nhà trường, mỗi lần khoảng nửa kg đan được 3 túi”.
Hiện, bộ sưu tập của thầy Toàn có 44 sản phẩm với mẫu mã rất đa dạng và đủ kích thước, như 30cm x 18cm x 13cm, 30cm x 20cm x 15cm, 20cm x 18cm x 14cm,... Dự kiến đến cuối năm nay, bộ sưu tập túi xách làm từ vỏ bao mì gói của thầy Toàn sẽ có thêm vài chục chiếc.
Hiện, các sản phẩm làm ra đang được thầy Toàn lưu làm kỷ niệm, và dùng để giáo dục các em học sinh bảo vệ môi trường bằng cách lồng ghép vô một số tác phẩm về môi trường. Từ những sản phẩm đã làm được, thầy Toàn hi vọng trong tương lai sẽ tạo ra một ngành nghề mới để tăng thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
Kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong khẳng định sẽ chinh phục được kỷ lục thế giới về siêu trí nhớ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.