Minh Đức - Anh Tuấn (từ Siem Reap)
Thứ tư, ngày 10/05/2023 18:10 PM (GMT+7)
Trong kỳ 1 "Chạy trong cái nắng thiêu đốt", chúng tôi đã nhắc tới anh Hên Văn, một người Campuchia có mẹ là người Việt Nam, quê Sóc Trăng. Qua quen biết và tự nhận "có duyên", anh Văn đã nhận lời hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu, khám phá Siem Reap và kỳ quan thế giới Angkor Wat.
Đúng lịch hẹn trước, 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật (7/5), một ngày sau khi nội dung thi đấu đầu tiên của môn điền kinh là marathon, đi bộ 20km kết thúc, anh Văn đã có mặt tại khách sạn Long Night (Siem Reap) đón chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần thể Angkor Wat.
Giá thuê xe ô tô cả ngày di chuyển là 80 USD. Cá nhân anh Văn nhận lời hướng dẫn chúng tôi đơn giản chỉ vì "tình cảm", chứ không nhận tiền hướng dẫn viên du lịch – nghề chính của anh tại Siem Reap nhưng 2-3 năm qua anh đã phải chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến "du lịch" bị đóng băng.
Anh Văn bảo quen được chúng tôi trên chuyên xe từ Phnom Penh đi Siem Reap đã là duyên, vậy thì cứ… tuỳ duyên thôi: "Nhà tôi ở Siem Reap nhưng cách trung tâm hơn 10km. Đất đai ở trung tâm Siem Reap đắt đỏ lắm, mình không kham nổi. Đã mấy năm nay bất đắc dĩ tôi phải "bỏ nghề", hôm nay mới trở lại và các bạn là những "vị khách" đầu tiên đấy! Cũng chính vì đã lâu không "hành nghề" nên nếu có nói sai gì thì các bạn bỏ qua cho nhé!", anh Văn từ tốn mở đầu câu chuyện.
Việc đầu tiên là chúng tôi phải đi mua vé vào Angkor Wat ở một điểm bán vé cách Angkor Wat khoảng 7km. Không ai có thể mua vé thay cho ai bởi khi đến mua vé, du khách sẽ phải chụp ảnh, phục vụ cho công tác an ninh, quá trình soát vé khi ra vào, tới các điểm nằm trong quần thể Angkor Wat.
"Giá vé 37 USD/ngày nhưng thực tế chỉ là 35 USD. Hai USD tiền vé của các bạn sẽ được gửi vào hai Bệnh viện lớn tại Phnom Penh và Siem Reap để khám chữa bệnh miễn phí cho người dân", anh Văn cho biết.
Ngay từ những bước đi đầu tiên khám phá Angkor Wat, chúng tôi đã được "uống một chai nước ngọt" như vậy, cảm thấy chuyến đi của mình có ý nghĩa.
Từ cổng vào Angkor Wat đi qua cây cầu phao vào bên trong đi khoảng 1km nữa sẽ đến một điểm gọi là "Trung tim Angkor Wat" và cũng là "Trung tim Campuchia". Khác với nhiệt độ bên ngoài nóng hầm hập, đi tới "Trung tim Angkor Wat", chúng tôi cảm thấy mát lạnh. Đặt chiếc điện thoại xuống ô đá có chiều rộng khoảng 70m cen-ti-mét vuông, anh Văn chia sẻ điều kỳ lạ: "Người ta đo được vĩ độ ở đây là 0 độ 00".
Càng đi vào trong khám phá Angkor Wat, chúng tôi càng cảm nhận được sự cổ kính và huyến bí của nơi thờ thần Vishnu (thần bảo tồn). Và phải chăng chính sự "cổ kính và huyền bí" đó đã thu hút du khách. Người ta rất muốn lý giải tại sao và bằng cách nào con người có thể dịch chuyển khoảng hơn 5 triệu tấn đá được khai thác từ Núi Hồng (Núi Kulen), cách trung tâm Siem Reap khoảng 60km về xây dựng Angkor Wat trong 36 năm (từ năm 1113 đến năm 1150): "Vào mùa nước lên, đá được chở trên các bè cho thả trôi; còn mùa hạn thì dùng sức voi", anh Văn chia sẻ.
"Ban nhạc thế giới" ở Ta Prohm
Tham quan xong khu chính Angkor Wat với 3 tầng không gian được sắp đặt theo thứ tự từ cổng vào là địa ngục, trần gian, thiên đường, chúng tôi di chuyển tới Angkor Thom tiếp tục hành trình tìm hiểu về khu quần thể đền đài nổi tiếng thế giới. Điểm đến thứ 3 là ngồi đền Ta Prohm là một ngôi đền Phật giáo dành riêng cho người mẹ của vua Jayavarman VII.
Ngoài câu chuyện lịch sử liên quan tới 45 nghìn viên kim cương được vua Jayavarman VII (một vị vua mà lịch sử không rõ năm sinh, năm mất - theo lời anh Hên Văn) gắn lên vách đá trung tâm của đền để chiếu sáng, giúp linh hồn mẹ mình có thể lên thiên đường (các viên kim cương đã bị lấy mất, chỉ còn lại di tích là các lỗ tròn to bằng quả trứng); Ta Prohm còn hấp dẫn du khách quốc tế tới từ Anh, Mỹ… khi nơi đây là bối cảnh quay bộ phim "Bí mật ngôi mộ cổ" do nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng Angelina Jolie nhập vai chính. Du khách tới đây cũng sẽ có dịp chiêm ngưỡng, chụp ảnh bên cây Thuỷ Chung khổng lồ có rễ cây ăn sâu và vách đá của ngôi đền.
Nhưng điều ấn tượng nhất và cũng là điều "bí mật" nhất đối với tôi không phải là đường đi ngoắt nghéo trên hành trình khám phá Ta Prohm, mà là hình ảnh "ban nhạc" là các cựu chiến binh Campuchia, chơi các nhạc cụ dân tộc của Campuchia ở ngay bên ngoài "Bí mật ngôi mộ cổ".
Anh Văn bảo, du khách tới từ bất kỳ nước nào trên thế giới đều được chào đón bằng một bài hát, bản nhạc đặc trưng, biểu trưng của đất nước đó. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, ban nhạc lập tức hoà tấu bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng".
Rất nhiều du khách quốc tế đã bày tỏ sự ngạc nhiên với ban nhạc và tặng họ những tờ USD may mắn với hy vọng cuộc sống của họ sẽ đỡ cơ cực hơn sau khi đã hy sinh cả thanh xuân để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.
Những cựu chiến binh với thân thể không còn toàn vẹn ấy, vẫn có thể cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và chơi những bản nhạc của nhiều quốc gia trên thế giới ấy, mới thực sự là một "bí mật". Bí mật của ý chí, nghị lực của con người không có giới hạn và chỉ cần bạn còn khát khao sống, khát khao làm những điều tốt đẹp thì còn có thể truyền cảm hứng, mong nước về một thế giới cùng nhau phát triển, cùng nhau hoà bình như chính khẩu hiệu của SEA Games 32: "Sports live in peace" – "Thể thao sống trong hoà bình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.