Ký sự SEA Games 32 (Kỳ 4): Biển hồ Tonle Sap, nơi không có SEA Games!
Ký sự SEA Games 32 (Kỳ 4): Biển hồ Tonle Sap, nơi không có SEA Games!
Minh Đức - Anh Tuấn (từ Siem Reap)
Thứ bảy, ngày 13/05/2023 18:10 PM (GMT+7)
Hành trình khám phá khu quần thể Angkor Wat một cách "khái quát" nhất của chúng tôi cũng mất tới 6 giờ đồng hồ, từ 9 giờ sáng tới 15 giờ chiều. Điểm đến tiếp theo là Biển hồ Tonle Sap – nơi có cộng đồng người gốc Việt đang mưu sinh, lênh đênh trên mặt nước…
Từ Angkor Wat, chúng tôi di chuyển khoảng 40km tới Biển hồ Tonle Sap – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và giáp 6 tỉnh của Campuchia với diện tích là 10.000km vuông vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) và 16.000km vuông vào mùa mưa (từ tháng 6).
Ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận là những ngôi nhà tạm bợ được dựng lên trên bờ, nơi đây chỉ có vài hộ gia đình người Việt đã bỏ nghề đánh cá. Phần lớn cơ dân trên bờ Biển hồ Tonle Sap là người Campuchia. Họ thu mua lại cá từ những cộng đồng người Việt đang lênh đênh trên Biển hồ mưu sinh qua ngày.
"Thu nhập của hai vợ chồng tôi sau khi trừ đi mọi chi phí sinh hoạt cũng chỉ còn khoảng 1 triệu đồng tiết kiệm. Các con đứa lớn, đứa bé đều đi làm thuê, tự nuôi được bản thân. Ngôi nhà này khi mưa gió to thì đều lật tung hết, sáng hôm sau phải lợp lại ở", chị Cúc, người quê Châu Đốc (An Giang) đã sang Campuchia được hơn 20 năm, và lấy chồng là anh Tỷ - một người gốc Việt nhưng đã sinh ra và lớn lên tại Biển hồ Tonle Sap cho hay.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi thuyền tới gặp gỡ cộng đồng người Việt quanh năm lênh đênh trên biển Hồ và nhờ vợ chồng anh Tỷ, chị Cúc giới thiệu cho một lái thuyền, ban đầu họ còn rất gượng gạo:
"Ở đây, chúng tôi không được chở khách du lịch. Khách du lịch thì đã có thuyền của doanh nghiệp, họ đóng thuế cho nhà nước. Vậy nên nếu muốn đi thuyền của tôi thì anh phải bỏ lại máy ảnh trên bờ. Bởi nếu thuyền doanh nghiệp bắt được chúng tôi phục vụ khách du lịch, họ sẽ gây khó dễ và chúng tôi có thể sẽ bị liên quan tới pháp luật", anh Na – một trong hai người dân có thuyền để phục vụ đưa đón mỗi khi có việc gấp hay ốm đau, sinh nở… lên bờ bộc bạch.
Lên thuyền, chúng tôi trải qua một khúc hồ khá hẹp, chỉ rộng chừng 100m, nước nông (do đang mùa khô). Càng vào sâu trong Biển hồ Tonle Sap, không gian càng mở ra dần, mênh mông sông nước trước mắt chúng tôi.
Gần 400 hộ gia đình người Việt sinh sống trải khắp mặt Biển hồ. Đang càu nhàu mấy đứa cháu vì quá nghịch ngợm, thấy khách tới nhà, chị Nguyễn Thị Lệ (51 tuổi) cố lấy lại vẻ tự nhiên chào khách, bày tỏ: "Tôi theo cha mẹ sang đây từ nhỏ, cũng không biết quê mình ở đâu tại Việt Nam nữa. Tôi có 8 đứa con, 2 trai, 6 gái, phần lớn đều lập gia đình, sinh sống trên Biển hồ này; chỉ còn đứa gái út năm nay học lớp 4 sống cùng vợ chồng chúng tôi".
Chỉ quanh mấy đứa nhỏ, chị Lệ bảo toàn là cháu chị đó: "Cháu nội, cháu ngoại tôi nhiều lắm trời! Cuộc sống bữa no bữa đói cũng gọi là tạm đủ. Chồng tôi hàng ngày đi đánh cá từ sáng, tới 17 giờ, 18 giờ thì về, có hôm mệt quá thì về sớm, tầm 14-15 giờ.
Đánh bắt được cá thì chuyển lên bờ cho người ta thu mua, lấy tiền mua thực phẩm, mua nước, xăng, dầu…".
Khi phóng viên hỏi chị Lệ có còn họ hàng, bà con ở Việt Nam không? Chị cho biết: "Đứa con trai thứ 3 của tôi sau khi lấy vợ, sinh sống ở đây một thời gian đã về Việt Nam làm bè nuôi cá ở La Ngà (Đồng Nai). Ở đó cũng còn gia đình bên chồng của tôi".
Vậy chị có mơ ước một ngày nào đó được trở về Việt Nam không? Dân Việt hỏi tiếp và chị Lệ buồn buồn than thở: "Cũng muốn lắm nhưng làm gì có tiền. Chúng tôi ở đây cũng chỉ đủ sống qua ngày…".
Đến trường học trên mặt nước
Qua chị Lệ và anh Na chèo thuyền, chúng tôi được biết tại Biển hồ Tonle Sap có trường học, giúp các em nhỏ "xoá nạn mù chữ". Vào ngày chủ nhật nhưng một số em vẫn tới trường chơi, bởi cha mẹ các em người thi đi đánh cá, người thì lênh đênh trên biển hồ xem có khách du lịch thì xin tiền sinh sống.
Thấy chúng tôi cập thuyền vào điểm trường học, chỉ trong thoáng chốc, 3-4 người phụ nữ có con em đang học ở trường đã đến tụ lại.
Chị Sắn (32 tuổi) chỉ biết quê mình ở "Cây Khế" là người ăn nói tốt nhất mở đầu: "Cũng may các cháu ở đây vẫn được học lấy cái chữ và mong rằng đời các cháu sau này sẽ đỡ cơ cực hơn chúng tôi.
Ở đây nào có biết thông tin thời sự gì đâu, nghe các chú nói tôi mới biết có SEA Games. Mọi thông tin ở đây đều qua người này truyền tai người kia chứ nào biết sách báo, truyền hình là gì…
Đến ngày Tết cổ truyền, người có tiền họ mới lên bờ đi chơi được. Chúng tôi phận nghèo, chỉ biết thắp nén nhang, có cái bánh tét cùng ông bà tổ tiên; cố gắng mua cho con cái bộ quần áo mới cho chúng đỡ tủi.
Những năm tháng dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi bị cấm không được lên bờ do sợ lây lan dịch bệnh. Thực phẩm thì hàng tuần được mua 1 lần do trên bờ đưa xuống, những người đã tiêm đủ 3 mũi thì được đại diện qua nhận về bán lại cho mọi người".
Tiếp lời chị Sắn, chị Ánh (49 tuổi) than: "Người ta còn có chồng đi đánh cá hàng ngày, còn tôi, chồng mất 6-7 năm nay rồi, khi đứa nhỏ con tôi mới được 3 tuổi. Giờ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc đi "xin ăn" qua ngày. Khi ốm đau, hàng xóm có phụ giúp thì mình cũng phải tìm cách trả người ta. Cũng may ở đây khi sinh con, chúng tôi được miễn phí hoàn toàn chứ ngay cả việc lo cho đứa con ra đời cũng không có tiền".
Hoàn cảnh của chị Sắn, chị Ánh là vậy nhưng xem ra vẫn còn đỡ cay cực hơn chị Nụ. Người gầy gò, ốm yếu, tay bế đứa con được 3-4 tháng, cứ lặng im trong suốt câu chuyện của chúng tôi: "Chị ấy bị ung thư vòm họng khi đang bầu đứa nhỏ. Đẻ con xong tưởng không sống nổi… Bây giờ, mẹ con chị ấy cũng chẳng biết làm gì ngoài việc đi xin sự giúp đỡ của các du khách và bà con hàng xóm, người bát cơm, người cái bánh…
Chia tay Biển hồ Tonle Sap nơi có những mảnh đời cơ cực, mắt tôi cay cay… Tất cả những gì chúng tôi có thể làm được là để lại chút tiền chia sẻ, những lời động viên giúp những người phụ nữ ấy có thể nở được một nụ cười tươi, dù là trong khoảnh khắc!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.