Kỹ thuật này giúp người trồng cà phê bớt lo thiếu nước, tốn phân, còn giảm 10-18 triệu chi phí/ha
Kỹ thuật này giúp người trồng cà phê bớt lo thiếu nước, tốn phân, còn giảm 10-18 triệu chi phí/ha
Thiên Hương – Ánh Nguyệt
Chủ nhật, ngày 02/08/2020 06:08 AM (GMT+7)
Việc thiếu nước tưới cho cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên ngày càng gay gắt, trong khi nông dân lại thường tưới thừa lượng nước cần thiết cho cây. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết khi bà con áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân hiệu quả...
Đó cũng là những nội dung được các nhà khoa học, bà con nông dân trao đổi tại buổi toạ đàm "Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân cho cây cà phê và cây ăn quả", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, kênh VTC16 tổ chức tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) mới đây.
Bất cập tưới thừa nước trong mùa khô
"Lưu ý khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm là chỉ phát huy tốt ở những vườn khoẻ mạnh, bộ rễ tốt. Với những vườn cây già cỗi, bị lão hoá thì lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm sẽ không còn hiệu quả.
Do đó, mô hình tưới tiết kiệm đặc biệt phù hợp với các vườn cà phê tái canh, trồng mới".
TS Phạm Công Trí
Thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng nước mưa tại khu vực Tây Nguyên bị thiếu hụt nghiêm trọng, thấp hơn từ 20-90% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Hơn 50.000ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Thiếu nước là vậy nhưng tại nhiều địa phương, việc sử dụng nguồn nước khai thác cho trồng trọt lại chưa hợp lý.
TS Phạm Công Trí - Phó trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, nước đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sản xuất cà phê; cà phê chỉ trồng được khi có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô để cây ra hoa kết quả đồng loạt.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nông dân vẫn thường tưới thừa nước so với khuyến cáo. Khoảng 50% số hộ trồng cà phê tưới trên 520 lít nước/cây/lần, thậm chí có hộ tưới lên tới 600 - 900 lít/lần tưới. Với diện tích cà phê ước tính khoảng 600.000ha thì mỗi năm, trung bình 3 lượt tưới, khu vực Tây Nguyên bị lãng phí trên 180 triệu m3 nước trong mùa khô.
Để chống lãng phí tài nguyên nước như hiện nay, thời gian qua WASI đã nghiên cứu tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, kết quả bước đầu cho thấy tưới nước tiết kiệm không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng cà phê nhân. Đặc biệt, nếu kết hợp tưới nước tiết kiệm với bón phân hợp lý thì không chỉ góp phần giảm chi phí đầu tư mà còn tăng năng suất cà phê, từ đó tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào đặc tính của thiết bị tưới và hình thức phân phối nước từ thiết bị tưới mà kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có thể được phân chia ra 3 loại: Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ.
Khi được thiết kế và quản lý thích hợp, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước sẽ mang lại hiệu quả lớn về phương diện cấp nước, phân phối nước và là giải pháp lý tưởng trong việc kết hợp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng cũng như áp dụng cơ giới hóa và chăm sóc.
Tưới tiết kiệm giảm 10-18 triệu đồng/ha
Tại buổi tọa đàm, nông dân Nguyễn Anh Vũ ở Lâm Đồng hỏi: Trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên hiện nay, công nghệ tưới tiết kiệm nào đang được khuyến cáo? Công nghệ nào là phù hợp với thực tế ở Lâm Đồng?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, hiện có 2 hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê ở Tây Nguyên đang được bà con nông dân áp dụng. Đó là hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, hoạt động trên nguyên tắc đưa nước đến vùng rễ thông qua hệ thống ống dẫn, áp suất cao cân bằng kín bù áp.
Mỗi đầu nhỏ giọt trung bình tưới được 1 - 1,6 lít/giờ. Vật liệu làm hệ thống là các loại PVC và ống PE nhỏ giọt nhập khẩu từ Israel. Hệ thống đi kèm với bộ châm phân và phải sử dụng bộ lọc nước.
Đối với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc (hệ thống tưới WASI), đây là kết quả nghiên cứu tưới tiết kiệm của WASI đã được Bộ NNPTNT ban hành từ năm 2016. Qua nghiên cứu tưới phun mưa tiết kiệm khoảng 25% lượng nước, 33,3% công tưới và 20% lượng phân bón.
TS Phạm Công Trí cho biết thêm, hệ thống tưới phun mưa tại gốc hoạt động trên nguyên tắc đưa nước tới từng gốc cây (cà phê, hồ tiêu…) thông qua các ống dẫn, áp suất thấp cân bằng hở không bù áp. Nước tưới phun mưa tại gốc với đầu béc phun mưa nhỏ, nên nước thấm đều trên cả diện tích bồn cây, tại vùng rễ. Lưu lượng tưới thiết kế phổ biến khoảng 60 lít/giờ. Vật liệu hệ thống sử dụng chủ yếu là các loại PVC và ống PE sẵn có trên thị trường.
Hệ thống đi kèm với bộ châm phân và không nhất thiết phải sử dụng bộ lọc nước nên dễ đầu tư và có chi phí thấp hơn hệ thống tưới nhỏ giọt Israel.
Nông dân Đỗ Văn Hòa ở Lâm Đồng hỏi, bón phân qua hệ thống tưới nước có tốt hơn bón phân qua đất không? Có thể dùng NPK thông thường bón qua hệ thống tưới hay phải bón bằng phân chuyên dùng?
Ông Trần Văn Tuận cho biết: Kỹ thuật cung cấp phân bón theo nước tưới đã được khẳng định là có hiệu suất sử dụng cao đối với cây trồng. Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và tiết kiệm tối đa, tốt nhất bà con nên dùng phân bón hoà tan chuyên dùng, có đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng.
Ông Đào Thế Long - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh cho biết thêm, kết quả nghiên cứu về tưới và hiệu quả của các mô hình tưới tiết kiệm cho thấy cả hai hệ thống tưới tiết kiệm Israel và WASI đều giúp giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm, đây là khoản tiền không nhỏ với nông hộ trồng cà phê hiện nay.
Ngoài lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất cây có tưới. Bên cạnh đó, việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, qua đó đó tiết kiệm lượng phân bón so với các mô hình tưới truyền thống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.