Kỳ tuyển sinh năm 2023 cần điều chỉnh gì cho hợp lý?

Thứ bảy, ngày 22/10/2022 21:58 PM (GMT+7)
Để kỳ tuyển sinh năm 2023 diễn ra một cách thuận lợi, tránh việc phải điều chỉnh các mốc thời gian như năm 2022, nhiều trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM và chuyên gia tuyển sinh đều mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố quy chế tuyển sinh.
Bình luận 0

Rút gọn các phương thức nhưng đảm bảo quyền tự chủ

Kỳ tuyển sinh năm 2023 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường rà soát để bỏ bớt các phương thức tuyển sinh không phù hợp, đồng thời khuyến cáo các trường không nên xét tuyển sớm.

Kỳ tuyển sinh năm 2023 cần điều chỉnh gì cho hợp lý? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần phải nhìn nhận điều này ở 2 góc độ. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ đầu năm học đã khuyến cáo các trường chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp như điều kiện tham khảo, những trường có sức cạnh tranh cao cần có thêm giải pháp để tuyển chọn thí sinh. Vậy thì việc các trường đặt ra các phương thức khác nhau để xét tuyển đang đi đúng hướng theo tinh thần tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, nhìn góc độ ngược lại, việc đưa ra càng nhiều phương thức xét tuyển thì càng khiến phần mềm xét tuyển lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo dễ bị nghẽn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Cần phải xem xét cả hai khía cạnh, thứ nhất là quyền tự chủ tuyển sinh của trường, trường có thể có những phương thức để chọn được các thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Thứ 2 là việc xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức yêu cầu tất cả các phương thức tuyển sinh phải đơn giản để phần mềm có thể vận hành”.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, trường mong sớm có quy chế tuyển sinh để thực hiện các bước tiếp theo như xây dựng đề án, tư vấn tuyển sinh... do quy chế và hướng dẫn thực hiện quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mỗi năm đều khác nhau. Bên cạnh việc khắc phục những lỗi kỹ thuật trong năm 2022, Bộ cũng không nên cho phép có quá nhiều phương thức nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong việc đưa ra các tiêu chí, phương thức khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân đề nghị: "Cũng nên giới hạn như năm ngoái - khoảng 20 phương thức, có những phương thức lạ. Năm nay chúng ta có thể giảm bớt cũng được nhưng không nhất thiết bắt các trường chỉ có 1-2 phương thức vì giáo dục đại học có nhiều tiêu chí để chọn".

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng cho rằng, kỳ tuyển sinh năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh khá muộn. Việc này khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong công tác truyền thông. Đối với kỳ tuyển sinh 2023, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết vẫn sẽ giữ nguyên cơ chế như năm 2022, tuy nhiên các trường mong Bộ sớm có hướng dẫn chi tiết để lên kế hoạch cho phù hợp, nhất là những quy định liên quan đến việc giảm bớt phương thức tuyển sinh hoặc tuyển sinh sớm.

Kỳ tuyển sinh năm 2023 cần điều chỉnh gì cho hợp lý? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia nhập học Đại học vào tháng 9/2022

PGS.TS Bùi Hoài Thắng nói: “Bộ dự kiến các trường giảm bớt phương thức tuyển sinh gây rắc rối, thì phải được định nghĩa phương thức như thế nào là phức tạp, rắc rối hoặc dự kiến không tuyển sinh sớm và gom về một mối, những dự kiến như vậy cần được chốt sớm để các trường làm truyền thông, nếu không thì trễ quá".

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế và các quy định tuyển sinh cho các năm tiếp theo cần sớm được triển khai, để không chỉ các trường mà các thí sinh cũng có thêm thời gian tham khảo, chuẩn bị kỹ càng.

Lạm phát điểm chuẩn học bạ khi xét tuyển đại học, nhiều ngành học lấy 30 điểm. Clip: VTV24

Vũ Hường (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem