Xưa trên đất Việt có nhiều nơi làm giấy như: làng Xuân Ổ còn gọi là làng Ó ở Tiên Sơn (Bắc Ninh), làng Mai Chử (làng Mơ) huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) làm giấy bản. Làng Lộc Tụy và Đại Phú (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) làm giấy bằng vỏ cây niết, làng Từ Vân (huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm giấy bìa bổi… nhưng không đâu nổi tiếng bằng giấy vùng Bưởi.
“Nhịp chày” của cả vùng kẻ Bưởi
Vậy giấy ở kẻ Bưởi có từ bao giờ? Sách Việt sử lược đã đưa ra những chứng cứ về nghề làm giấy tại Thăng Long: “Năm 1215 vua Huệ Tông cùng mẹ cạo đầu từ dinh Thái Hòa đến nhà viên quan là Đỗ Ban ở ngõ Chỉ Tác (ngõ làm giấy) cạnh cầu Tây Dương (nay là Cầu Giấy) để dựng thảo điện đi tu”.
Như vậy nghề làm giấy ở Thăng Long muộn nhất đã có từ đầu thế kỷ 13. Trong Dư địa chí (1435), Nguyễn Trãi chép: “Phường Yên Thái huyện Quảng Đức làm giấy” và nghề này xuất hiện ở Yên Thái muộn nhất là đầu thế kỷ 15. Xưa làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Tây nay là Hà Nội), có nghề làm giấy dó. Hàng năm dân An Cốc tổ chức lễ tế tổ nghề Thái Luân và cụ tổ nghề người Việt vào ngày mồng 9, còn ngày mồng 10 tháng Giêng là để nhớ ngày cụ bỏ An Cốc đến làng Yên Thái và không bao giờ quay lại. Còn dân làng vùng Bưởi, Yên Hòa, lại lấy ngày 16/3 Âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ, đó là ngày cụ tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi.
Thực ra làm giấy xưa là nghề của cả vùng Bưởi gồm các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Nghĩa Đô. Mỗi làng chuyên làm một loại giấy.
Yên Thái làm giấy bản, giấy lĩnh (một loại giấy chuyên dùng chép gia phả, ngọc phả vì bền và mực không nhòe), giấy lệnh dành riêng cho triều đinh. Năm 1736, đời vua Lê Thuận Tông, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng giấy này. Làng Hồ Khẩu chuyên làm giấy moi (từ nguyên liệu thô hơn, mặt giấy thô ráp, sử dụng để gói hàng).
Đông Xã chuyên làm giấy quỳ, loại giấy mỏng và dai bán cho làng Kiêu Kỵ để dát vàng quỳ. Giấy này nức tiếng về độ bóng, mịn như lĩnh Bưởi, vò xong vuốt ra lại phẳng. Nếu giấy hai lớp rất dai, xé không rách. Đặc biệt tuổi thọ của giấy lên đến hàng trăm năm dù khí hậu miền Bắc nóng ẩm.
Họ Lại ở Nghĩa Đô, chuyên làm giấy sắc còn gọi là giấy nghè vì thế Nghĩa Đô còn gọi là làng Nghè. Nghề giấy ở làng Nghĩa Đô có từ thời vua Lê, chúa Trịnh. Theo gia phả họ Lại, giấy sắc là sản phẩm độc quyền của dòng họ này ở Nghĩa Đô.
Giấy dó kẻ Bưởi có nhiều loại, mỗi loại tùy thuộc vào vỏ của các loại cây. Thường làm từ nhiều loại cây gồm: dó, bo, dướng, cãnh, mận, mộc… trong đó cây dó là chính nên người ta lấy tên cây dó cho loại gấy này. Lớp vỏ ngoài cùng của cây dó làm giấy moi, lớp vỏ thứ hai làm giấy bản. Còn giấy quỳ, loại giấy đẹp nhất lại phải được làm từ cây cãnh thì giấy mới đẹp, mịn, dai, bóng… Nếu ít cãnh người ta sẽ lấy thêm bìa thứ ba của cây dó trộn vào. Khi pha trộn, người thợ chỉ được dùng một lượng dó nhất định, nếu cho nhiều dó, giấy sẽ hỏng.
Nghề làm giấy dó xưa ở kẻ Bưởi.
Công đoạn thứ hai để làm ra giấy dó là đồ. Sau khi đồ xong, người thợ sẽ bó thành từng bó nhỏ đem ngâm vào nước cho vỏ bở ra, chỉ còn sợi. Sau hai hay ba ngày người thợ vớt vỏ dó hoặc cãnh lên để đạp rồi rửa lại bằng cách nhúng từng sợi vào bát to, rửa sao cho từng sợi không còn dính vỏ. Công đoạn nhặt sợi đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thợ, có khi người làm cả ngày cũng chỉ nhặt ra được vài bó nhỏ.
Nhặt xong, bỏ dó, cãnh vào cối giã gọi là giã bìa. Nhịp chày Yên Thái trong câu ca dao chính tiếng giã bìa. Theo nhà văn Tô Hoài, Yên Thái không phải là làng nằm sát hồ nên tiếng chày không thể vang ra hồ Tây được, vang ra hồ Tây chỉ có thể tiếng chày giã dó của Hồ Khẩu vì làng này sát hồ.
Sau khi giã nhỏ, người ta cho vào bể seo đánh khoảng 2.000 đến 3.000 đòn để bột nhuyễn như cháo. Trong quá trình đánh seo người thợ phải cho nhựa của cây mò vào để bột kết tủa. Khi kéo tàu, người thợ sẽ đưa tấm giấy ra phên, qua một đệm ép uốn cho phẳng.
Quá trình bồi sấy giấy là công đoạn cuối cùng. Khổ giấy tùy vào khách đặt nhưng xưa thường là 35cm x 55cm. Hầu hết những công đoạn quan trọng trong đó có pha chế nhựa cây mò cùng với bột dó, cãnh phải do người nhà làm để giữ bí quyết. Công đoạn seo giấy cũng phải do chính con gái trong nhà đảm nhận.
Làm giấy là nghề vất vả. Ca dao có câu: “Tàu xeo nước giá như đồng”.Tuy nhiên hình ảnh con gái làng giấy vẫn hết sức đẹp đẽ duyên dáng:
Người ta bán vạn buôn ngàn
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Vì em làm giấy cho người viết thơ
Nghề làm giấy tốn rất nhiều nước. Thời còn sông Tô Lịch, dân làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị mang dó ra sông đãi và khi nấu xong họ đổ bọt giấy xuống sông. Khi sông Tô bị lấp họ đổ bọt xuống ao, lâu ngày nước kết váng gây ô nhiễm nên Yên Thái có ao gọi là Ao Bựa.
Thăng trầm theo thời thế
Thời thịnh của nghề giấy có phiên chợ Cầu Vuông nổi tiếng. Cầu Vuông ở ngay đầu làng Yên Thái, là trung tâm của các làng giấy. Chợ họp bảy ngày một phiên.
Cầu Vuông một tháng bốn phiên
Để em xeo giấy cho chàng bút nghiên
Cầu Vuông gồm 10 gian. Một gian dành cho việc thờ cúng bà cô Tổ. Còn 9 gian bày bán giấy. Làm giấy vất vả nhưng sống được nên họ Nguyễn Thế ở Yên Thái đã truyền cho con cháu: “Một tháng chỉ cần bỏ ra năm ngày, làm đủ hai vạn tờ giấy cũng đủ sung túc cả gia đình”.
Sang thế kỷ 20, kỹ thuật bóc kép nhiều lớp và kỹ thuật cán giấy đã phát triển. Giấy dó Yên Thái vốn chỉ được bóc đơn, nay đã được chồng nhiều lớp, tạo nên những độ dày khác nhau và được cán lại cho đanh chắc. Những thớ sợi của vỏ cãnh vốn rất dẻo và dai nay được liên kết nhiều lớp ngang, dọc, chéo, được cán chặt với nhau và bề mặt được tráng nhựa cây mò đã tạo thành một thứ giấy dai và rất bền.
Nghề gì cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng sản xuất thủ công thì phải đối mặt với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Trong thập niên 1930 chữ Nho dần tàn, một số nhà in mộc bản ở phố Hàng Gai chuyển sang in theo công nghệ mới bằng giấy của phương Tây, một số không theo kịp đã bỏ nghề nên giấy bản của vùng Bưởi ế ẩm. Lẻ tẻ một vài nhà thơ chơi sang in vài trăm bản bằng giấy dó lụa tặng bạn bè cũng không cứu được làng nghề.
Tuy nhiên nghề làm giấy moi lại thịnh vì hàng gì cũng gói bằng giấy. Còn nghề làm giấy bản (loại một lớp) càng phát triển vì từ đầu thế kỷ 20, đốc lý thành phố ra lệnh phải sử dụng giấy bản khi đi vệ sinh.
Năm 1958, các hộ gia đình sản xuất giấy ở Hồ Khẩu, Yên Thái, Đông Xã phải vào hợp tác xã. Và các hợp tác xã giấy Cộng Lực, Đông Thành, Đông Hòa ra đời với sản phẩm chính là giấy bản. Thời bao cấp người thành thị đi vệ sinh bằng đủ các loại giấy, phụ nữ hành kinh được ngành y tế khuyên dùng xô vì giấy bản có nhiều vi trùng nên các hợp tác xã thoi thóp.
Đến năm 1990, các hợp tác xã làm ăn thua lỗ phải giải thể.
Dấu xưa còn đâu?
Thiên hạ biết đến Yên Thái không chỉ vì giấy mà còn nhờ có các di tích. Thời Nguyễn, làng có Nguyễn Văn Thắng thi đỗ cử nhân khoa thi Minh Mạng thứ 6 (1825). Năm 1826 ông đỗ tiến sĩ khoa thi Bính Tuất làm quan tới chức Tham hiệp. Con trai ông là Nguyễn Quý Cầu đỗ kỳ thi hương năm Nhâm Tý đời vua Tự Đức thứ 5 (1852). Có nhiều di tích nhưng Yên Thái lại không có chùa. Tương truyền chùa Yên Thái ở gò Bát Tháp sát với Võng Thị. Không rõ tại sao chùa lại mất chỉ còn lại nền. Ngày rằm và đầu tháng người già trong làng phải sang chùa mấy thôn bên cạnh thắp hương lễ bái.
Đình Yên Thái xưa khá rộng, nhưng một lần đình bị cháy, làng phải dựng lại trên nền cũ nhưng diện tích nhỏ và hẹp hơn. Chữ An và chữ Yên trong tiếng Hán nghĩa cũng tương tự nhau nhưng dân làng không gọi là Yên mà gọi là An, họ gọi là đình An Thái, nhà thờ An Thái.
Đầu làng có miếu Vũ Phục trong có bức hoành vua ban Mỹ tục khả phong. Xưa bức hoành treo ở cầu tám mái. Yên Thái có tục lệ ngày mùng 4 Tết, một cụ uy tín nhất trong làng ra cầu làm lễ rồi quăng bó dó xuống đất tượng trưng công việc sản xuất giấy bắt đầu. Sau đó trong suốt tháng Giêng, trai làng tối tối tổ chức hò vè ca ngợi quê hương hoặc đả kích thói hư tật xấu để giữ gìn thuần phong mỹ tục.
Đối diện với cổng làng Yên Thái là giếng Mắt Rồng sát bên đền Long Tỉnh thờ Đức Chúa Cả. Giếng xây bằng đá xanh được đẽo gọt rồi xếp thành từng lớp từ đáy đến miệng. Điều lạ là vào mùa khô, trong khi các giếng khác cạn nước thì giếng Mắt Rồng vẫn đầy nước. Giếng gắn với truyền thuyết, có một cô gái đẹp của làng sẽ phải chết vào năm 16 tuổi nếu không cả làng sẽ đau mắt nhưng rồi thần thương gia cảnh cô gái đã không bắt chết với điều kiện làng phải giữ cho nước giếng trong quanh năm. Khi người Pháp làm bến tàu điện, họ không kéo dài đến chợ Bưởi vì nếu làm sẽ phải phá bỏ đền Long Tỉnh và lấp giếng Mắt Rồng. Sau năm 1954, một số người đã cho đổ tấm đan bằng xi măng có lỗ đặt xuống đáy để hàng năm đỡ công nạo vét giếng nhưng kết quả ngược lại, vào mùa khô nước giếng rất cạn, không đầy như xưa.
Khi mở rộng đường, người ta không dám phá đền Long Tỉnh nhưng lại lấp giếng và vị trí giếng xưa nay nằm trên vỉa hè. Con đường chạy qua làng Yên Thái dân gọi là phố Yên Thái. Năm 1986, chính quyền bỏ tên phố Yên Thái do dân đặt và đặt đoạn đi qua đây là Thụy Khuê, như vậy phố Thụy Khuê bắt đầu từ đầu đường Thanh Niên kéo dài cho đến chợ Bưởi. Có lẽ không phải họ sợ trùng với phố Yên Thái của quận Hoàn Kiếm (từ phố Hàng Mành ra Đường Thành) mà họ muốn đặt thế cho gọn.
Tên đất, tên làng không chỉ để gọi mà nó còn là di sản. Tên Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã xứng đáng là di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội thế mà nỡ xóa nó đi. Ngày nay nhiều người thuộc câu ca dao nhưng không biết Yên Thái ở đâu!
Theo nhà văn Tô Hoài, Yên Thái không phải là làng nằm sát hồ nên tiếng chày không thể vang ra Hồ Tây được, vang ra Hồ Tây chỉ có thể tiếng chày giã dó của Hồ Khẩu vì làng này sát hồ.
Giấy sắc của họ Lại làng Nghĩa Đô
Theo gia phả họ Lại, giấy sắc là sản phẩm độc quyền của dòng họ này ở Nghĩa Đô. Các tổ ở Nghĩa Đô vốn là con cụ Lại Thế Giáp. Tổ Thế Giáp lấy con gái chúa Trịnh Tráng, tên là Phi Diệm Châu, hiệu Từ An. Thấy họ nhà chồng nghèo, Phi Diệm Châu tâu xin chúa cha và vua Lê cho họ nhà chồng làm giấy sắc cung cấp cho triều đình. Cụ Lại Thế Giáp là người sáng nghiệp làm giấy sắc.
Nhà vua đã ban cho họ này độc quyền làm giấy sắc vàng và ban cho tên gọi họ Kim Tiên. Theo thế phả qua các triều đại Lê - Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn, họ Lại ở Nghĩa Đô liên tục nối tiếp giữ chức Ngự Dung giám Kim Tiên cục (quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình).
Năm 1924 triều đình tổ chức đại lễ mừng thọ vua Khải Định tròn 40 tuổi. Sở dĩ triều đình làm lớn vì cũng muốn cho dân chúng thấy vẫn còn vua bên cạnh chính quyền Pháp. Nhân dịp này, Khải Định quyết định ban sắc cho quan lại và bách thần trên cả nước nên triều đình đặt họ Lại ở Trung Nha làm hàng vạn tờ giấy.
Giấy sắc này rất sang trọng được dát vàng, bạc nên giá trị mỗi tờ lên tới 2 đồng Đông Dương. Nghề làm giấy sắc sống nhờ vào nhà nước phong kiến và khi triều Nguyễn mất dần ảnh hưởng thì nghề làm giấy sắc teo tóp và chấm dứt vào năm 1944.
Để làm được giấy sắc, những người làm nghề ở Trung Nha, Nghĩa Đô phải mua giấy mộc ở Bưởi về quét bột hòe lên cho dày rồi đan nghè, tức đặt giấy lên mặt đá dùng vồ đập cho nhẵn và mịn sau đó lấy kim nhũ vẽ hình rồng. Làm giấy dó đã công phu, làm giấy sắc còn công phu hơn nhiều.
Giấy sắc dùng để phong sắc cho hàng nhất phẩm phải có năm thợ cùng làm một lúc mới xeo nổi một tờ. Giấy để phong sắc cho hàng phẩm trật thấp hơn, cũng phải cần ba người thợ làm một tờ dù khổ giấy hẹp. Khâu đòi hỏi tay nghề rất cao là phần vẽ rồng trên giấy, đây là công đoạn cuối cùng, cũng là khó nhất, cầu kỳ nhất và cũng là nghệ thuật nhất.
Những người thợ giỏi thì vẽ “chạy”, thợ kém hơn thì chỉ vẽ “đồ”, tức là cứ theo nét “chạy” mà tô kim nhũ, vàng, bạc. Giấy sắc không chỉ thể hiện uy quyền mà còn sang trọng và trơ cùng thời gian. Hiện nhiều làng ở miền Bắc vẫn còn lưu giữ các sắc phong thần từ thời Lê Trung hưng trong trạng thái rất tốt.
|
Nguyễn Ngọc Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.