Ông cảm nhận thế nào về mức độ bức thiết trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua Nghị quyết 12 mà Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần 4 vừa ban hành?
- Nhiều lần trước, Đảng ta đã có những nghị quyết về vấn đề này. Rõ ràng việc xây dựng và chỉnh đốn là việc Đảng phải liên tục làm để phát triển. Khác với những nghị quyết trước, lần này nghị quyết có sử dụng tính từ “cấp bách” nghĩa là Đảng ta đã nhận định rõ mức độ quan trọng và bức thiết trong việc xây dựng Đảng hơn hẳn các lần trước.
|
Triển lãm “Mừng Xuân Nhâm Thìn - Mừng Đảng quang vinh” tổ chức tại TP.HCM . |
Thêm nữa, trước đây, khi kết luận về mặt hạn chế, khuyết điểm, các nghị quyết chỉ nói “một số ít đảng viên”, nay đã mạnh dạn dùng “một bộ phận không nhỏ”, điều này cũng chứng tỏ mức độ tăng dần về số lượng đảng viên vi phạm. Theo cảm nhận của tôi, đây có thể như một hồi chuông báo động về một vấn đề lớn của Đảng, vấn đề có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
Với việc Ban chấp hành T.Ư ban hành Nghị quyết 12, trong tôi loé lên một tia hy vọng rằng cuộc xây dựng Đảng lần này sẽ có nhiều kết quả khả quan hơn các lần trước.
Lần này, nghị quyết yêu cầu việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình phải bắt đầu từ những lãnh đạo cấp cao nhất, ý kiến ông thế nào?
- Đây là chi tiết mới trong các giải pháp được đề ra để xây dựng Đảng. Cấp cao làm trước, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư rồi xuống cấp dưới. Hy vọng ngay trong năm nay Bộ Chính trị và Ban chấp hành T.Ư sẽ kiểm điểm ngay, tiến hành phê bình và tự phê bình, công bố kết quả, sau đó mới có thể chỉ đạo cấp dưới làm tốt được. Có thể nhìn vào kết quả của cuộc kiểm điểm từ cấp cao nhất này mà dự đoán được kết quả cuộc kiểm điểm của toàn bộ Đảng.
Nếu như cấp T.Ư làm tốt, tự giác, nghiêm khắc và không né tránh, nể nang thì sẽ là “gương soi” để đảng viên cấp dưới nói theo, kết quả của cuộc xây dựng vì thế mới đạt hiệu quả.
Theo ông, do đâu tính chiến đấu trong Đảng lại giảm sút?
- Trước hết vẫn do tu dưỡng rèn luyện của các cá nhân đảng viên. Tiếp đó là do quá trình, phương pháp giáo dục với đảng viên chưa đạt yêu cầu, mang tính hình thức là chính. Hiện nay, quyền lực và lợi ích cá nhân đang chi phối nhiều tới mỗi đảng viên. Một số người nhìn nhận vào Đảng không phải để thực hiện lý tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân mà vào Đảng là để có được những quyền lợi cá nhân. Vấn đề này cần phải ngăn chặn.
“Vấn đề phê và tự phê phụ thuộc rất nhiều vào tính tự giác và tính chiến đấu của các đảng viên”.
Ông Hà Tuấn Trung
Theo ông, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng của ta hiện nay, cụ thể là vai trò của Ủy ban Kiểm tra, có những hạn chế gì?
- Theo điều lệ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư là làm việc dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp, nghĩa là dưới chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Vì thế nó cũng hạn chế nhất định trong việc kiểm tra, giám sát, nhất là với các nhân sự Đảng cấp cao. Bất cứ quyền lực nào, nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến xu hướng lạm quyền, độc quyền.
Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng vừa rồi, tôi có góp ý trong vấn đề tăng thêm tính giám sát, kiểm tra đối với đảng viên, đặc biệt là các nhân sự cấp cao của Đảng, đó là lập một Ủy ban Giám sát T.Ư do chính Đại hội Đảng bầu ra, có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban chấp hành T.Ư và chịu trách nhiệm trước Đại hội mà thôi.
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.