Kỳ vọng mùa lũ đẹp

Thứ ba, ngày 16/08/2011 20:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ông Võ Thạnh - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang: “Mực nước cao nhất xấp xỉ báo động 3 (4,5m) sẽ rơi vào những ngày giữa cho đến tuần cuối của tháng 10 và lúc đó sẽ xuất hiện đỉnh lũ. Mùa lũ năm nay nhiều khả năng sẽ là mùa lũ đẹp”.
Bình luận 0

Dịch vụ ăn theo

Lũ về, không chỉ những người chuyên sống bằng nghề giăng câu, đánh bắt cá vào mùa lũ hớn hở mà dân buôn ở nhiều chợ “di động” cũng vui mừng vì được “ăn theo”. Vào các xã của vùng rốn lũ Tứ Giác Long Xuyên như Cô Tô (Tri Tôn), Vọng Đông (Thoại Sơn), Vĩnh Bình (Châu Thành), đi đến đâu chúng tôi cũng đều thấy nhan nhản các bà, các cô lập chợ “di động”.

img
Người dân xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang bán ốc thu hoạch từ lũ.

Lũ về sớm đã góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng buôn bán của các gian hàng chợ “di động”. Thứ gì ở các chợ cố định có bày bán thì chợ “di động” đều có đủ. Nào là: Cá linh non, cá lóc, ốc, cua, lươn, thịt, khô, nước mắm, rau xanh đủ loại… được bày bán tươi roi rói. Những cái chợ “thập cẩm” này cứ ì à, ì ạch, từ sáng cho đến tối. Và những “tiểu thương” của chợ “di động” - đa phần là phụ nữ, phần lớn là không có ruộng, vườn, hoàn cảnh khó khăn. Không rao bán ỏm tỏi, những người bán cứ đẩy từ xã này qua xã khác, rồi chỉ dừng lại khi nào có người hỏi mua hàng.

Và cả tháng nay, người dân vùng lũ ngoài chuyện chuẩn bị các dụng cụ để đánh bắt sản vật ra họ còn tranh thủ cải tạo lại đồng ruộng, đắp bờ bao, lên liếp để trồng hoa màu. Nhờ đó, mà một bộ phận chuyên làm nghề cạp đất đồng, đào đất thuê cũng từ đó mà hình thành. Giữa cái nắng chang chang, anh Út Tâm (xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang), vẫn miệt mài đào đất để lên liếp trồng cà.

Chìa bàn tay sần sùi, chai lì, mãi một hồi sau anh Út Tâm mới trầm tư nói: “Lũ về nhà lại nghèo không nghề ngỗng gì cả chỉ biết móc đất mướn sống qua ngày là chính, hết lũ thì ai thuê gì làm nấy. Nghề móc đất thuê là vậy đó, 10 đầu móng tay thì có đến 7 ngón là hư do “đất ăn”. Bù lại, mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm ngàn đủ nuôi vợ con”.

img
 

Tương tự như nghề cạp đất đồng chủ yếu làm vào mùa lũ thì nghề móc “xáng cơm” (hay còn gọi là móc đất bằng thùng), cũng rộ hẳn lên. Nghề móc “xáng cơm” phần lớn đất được lấy ở các sông, rạch, ao, hồ dùng để đắp bờ, lấy đất trồng cây… Nghề này với đồ dùng hết sức đơn giản chỉ với mỗi cái thùng nhôm, thiếc hoặc thùng bằng inox phía trên có tay cầm và một cây len. Nghề móc “xáng cơm” mỗi khi làm thường phải có từ 3-4 người.

Kỳ vọng một mùa lũ đẹp

“Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 do cơn bão số 2 đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây mưa lớn ở khu vực trung lưu sông Mekong. Do vậy, nước lũ ở khu vực này đổ về khu vực đầu nguồn lũ sông Cửu Long nên đã tạo lũ đầu mùa.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua tiếp tục gây mưa lớn ở khu vực Lào, Campuchia và nước lũ cũng đã đổ về khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, làm cho mực nước lũ cao hơn cùng kỳ năm ngoái” - ông Võ Thạnh lý giải.

Cũng theo ông Võ Thạnh: “Thông thường, đỉnh lũ dao động ở mức báo động 3 được xem như là mùa “lũ đẹp”. Bởi với mực nước xấp xỉ 4,5m, khi xả lũ, nông dân dễ dàng vệ sinh đồng ruộng. Kèm theo đó là lượng phù sa dồi dào sẽ giúp người dân canh tác hiệu quả hơn, đánh bắt được nhiều cá, tôm”.

“Mùa lũ năm nay sẽ là mùa “lũ đẹp”! Huyện đã đầu tư khoảng 12 tỷ đồng để làm bờ bao mới. Theo đó, diện tích lúa vụ 3 trên địa bàn huyện tăng lên 4.000ha - trong đó có 2.600ha mới. Năm rồi lũ thấp, 24ha nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ của huyện không đạt hiệu quả, mùa lũ năm nay về sớm do đó rất nhiều bà con đã đăng ký với trên 30ha” - ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khác với vài ba năm gần đây, năm nay, lũ sông Cửu Long về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng gần nửa mét. Thông thường, những năm lũ về sớm là những năm đỉnh lũ ở mức cao.

Theo ông Mai Văn Lập - Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang: “Kế hoạch triển khai lúa vụ 3 năm nay trên địa bàn tỉnh lên đến 135.000ha - tăng hơn 20.000ha so với mùa lũ năm 2010. Trước tình hình lũ về, địa phương cũng đang tăng cường triển khai mở các lớp tập huấn cứu nạn trong mùa lũ”.

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cũng đang tất bật chuẩn bị cho mùa cây trồng mới khi con nước tràn về. Ở thị trấn An Châu và các xã Bình Thạnh, Cần Đăng, Bình Hòa, Vĩnh Hanh… người dân đã xuống giống 23ha ấu, 27ha rau nhút, 49ha sen và nhiều loại cây thủy canh khác như rau muống, bông súng, lục bình... Đây là những loại cây trồng phát triển nhanh nhờ nguồn nước tràn đồng.

Ông Huỳnh Thanh Phong - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú (An Giang), cho rằng: “Bà con đang rất phấn khởi và đang tập trung hoàn chỉnh các công trình sản xuất lúa vụ 3 cho an toàn, cơ bản bảo vệ sản xuất là chính. Ngoài ra, còn tổ chức dạy nghề và hướng dẫn các mô hình làm ăn trong mùa lũ cho bà con nông dân”. Mùa lũ năm nay, huyện An Phú có 3.571ha lúa vụ 3 - tăng 571ha so với cùng kỳ năm rồi, hiện đã gieo sạ đạt trên 60% diện tích, gồm 10 tiểu vùng đê bao an toàn...

Bài 3: Sản vật mùa nước nổi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem