Kỳ vọng thu hút 2 vạn người hiến máu

Thứ năm, ngày 17/02/2011 15:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước thềm Lễ hội Xuân hồng lần IV vào 20.2, hôm qua (16.2) NTNN đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.
Bình luận 0

PGS-TS Nguyễn Anh Trí cho biết:

img

Nguyễn Anh Trí

- Hiện nguồn máu trong kho dự trữ trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Riêng tại Viện lúc nào cũng có khoảng 400-500 bệnh nhân mắc các bệnh về máu. Ngày 15 và 16.2 liên tục tiếp nhận 60 bệnh nhân/ngày.

Trong khi đó chỉ có 250 đơn vị máu cấp/ngày. Ý nghĩa của Lễ hội Xuân hồng lần IV nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng này để người bệnh được cứu sống. Dự kiến có 20.000 người tham gia và sẽ thu được khoảng 5.000 đơn vị máu.

Việc thiếu máu có phải do nghỉ Tết và quan niệm kiêng hiến máu đầu năm?

img
Hiến máu cứu người tại Hà Nội trước Tết Tân Mão.

- Đó là một lý do quan trọng. Năm nay sinh viên - lực lượng đông đảo của phong trào hiến máu nhân đạo và người lao động được nghỉ bù khá dài nên mặc dù Viện đã có chuẩn bị khá tốt trước Tết, nhưng tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra. Bệnh nhân nhập viện trở lại tăng rất nhanh và số ca cấp cứu thì vẫn nhiều. Trong khi đó, hiện rất thiếu tiểu cầu để điều trị các ca xuất huyết và chảy máu, mất máu.

Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, cân nặng trên 45kg đều có thể tình nguyện hiến máu của mình để cứu người bệnh. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng. Những người không nên hiến máu gồm: Đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV, người nhiễm viêm gan B, viêm gan C và các virus lây qua đường truyền máu, người có các bệnh mãn tính: Tim mạch, huyết áp...

Nhiều người hiến máu thắc mắc, họ hiến máu nhằm giúp người nghèo không phải mua máu. Vậy sao tổng chi phí khi hiến máu nhân đạo chỉ được hơn 100.000 đồng trong khi người bệnh phải trả đến 450.000 đồng/đơn vị máu?

- Tôi rất cảm ơn câu hỏi này của bạn và mong rằng sau khi hiểu đúng sẽ có thêm nhiều bạn đi hiến máu hơn. Trước hết, tôi xin cung cấp thông tin của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tính toán, một đơn vị máu có chi phí là 200 USD.

Trong khi đó, nếu tính thực tế đủ, chi phí cho một đơn vị máu tại VN là 1,1 - 1,2 triệu đồng. Cụ thể, quy trình để có máu truyền cho người bệnh phải qua rất nhiều khâu, từ tuyên truyền vận động, thu gom máu, xét nghiệm sàng lọc, sản xuất chế phẩm máu... Riêng xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, giang mai, sốt rét, bạch cầu, làm nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường... đã lên đến trên 300.000 đồng/đơn vị.

Như vậy Viện phải bù lỗ rất nhiều?

- Viện không có kinh phí để làm điều đó. Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ đắc lực để Viện thực hiện.

Còn quan niệm hiến máu để người nghèo được hưởng thì sao, thưa ông?

- Hiện bệnh về máu rất nhiều, như bệnh thiếu máu huyết tán, bệnh ưa chảy máu, ung thư máu, bệnh lý sản khoa liên quan mổ, bệnh máu không đông... Trong đó, rất nhiều người nghèo không mắc các bệnh này và bệnh về máu gặp ở bất kỳ người nào. Cứ bị mắc bệnh về máu thì ai cũng khổ, người giàu cũng khổ.

Ví dụ như bệnh nhân sốt xuất huyết rất cần tiểu cầu, nếu không có tiểu cầu bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó để có một đơn vị tiểu cầu, cần tối thiểu 3-4 đơn vị máu toàn phần. Do vậy, hiến máu là để cứu người bệnh, không nên quan niệm cho người nghèo hay người giàu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem