Tại "lá chắn" Covid-19 cuối cùng ở Hà Nội ngày giáp Tết: Cuộc đua cứu 1 người nhưng 2 sinh mệnh (bài 2)
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 23/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
"Cũng có con nhỏ, tôi thực sự đau lòng khi phải chứng kiến những ca thai lưu. Chúng tôi dành mọi nguồn lực có thể để cứu họ, những bệnh nhân là 1 người nhưng 2 sinh mệnh", bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.
Chị Vũ Thị Thuỳ Linh (31 tuổi), điều dưỡng Khoa hồi sức tích cực cho biết, đã làm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã 7 năm. Hàng ngày, chị Linh đảm nhiệm mọi việc lớn nhỏ trong phòng bệnh, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy. Theo chị, những ngày dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, tần suất công việc của nhân viên y tế luôn ở mức 200-300%.
Tết năm nay chị Linh cùng nhân viên y tế xác định sẽ là cái Tết đặc biệt, không như những trước năm. Bệnh nhân nặng nhiều và luôn trong tình trạng quá tải nên các bác sĩ xem như "mất Tết", dồn lực để hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Một phương châm chị Linh rất tâm huyết đó là "Liều thuốc tinh thần, gieo mầm sự sống; Điều trị bằng khối óc và chăm sóc bằng trái tim".
Vừa dứt lời trả lời chúng tôi, nữ điều dưỡng ra một giường bệnh vỗ về bệnh nhân "Bác yên tâm nhé, bệnh của bác đỡ hơn nhiều rồi. Con gái bác khoẻ hơn nên được chuyển lên giường tầng trên. Bác phải nghỉ ngơi khoẻ lại sức, chúng cháu sẽ chuyển bác lên cùng con gái nhé…"
"Chăm sóc người bệnh rất khó khăn, nhiều khi như một bác sĩ tâm lý. Đối với bệnh nhân Covid-19, vấn đề chăm sóc tâm lý là điều nặng nề nhất. Bệnh nhân không có người nhà bên cạnh, mình là người điều dưỡng an ủi động viên, khích lệ từ A-Z.
Đối với tôi khi thấy những bệnh nhân vào đây gần như đã bước vào cửa tử. Khi chăm sóc bệnh nhân dần dần hồi phục đến khi ra viện đó là một niềm vui, động lực để chúng tôi làm việc tại đây", chị Linh kể.
Tiếp lời chị Linh, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Vân Hà (38 tuổi) chia sẻ, với mỗi người bệnh được điều trị tại đây luôn được các bác sĩ xem như chính người thân, ruột thịt của mình. Bởi tại đây điều trị trong môi trường cách ly. Người thân các bệnh nhân không thể vào trong chăm sóc.
"Người bệnh đã giao tính mạng mình cho các y, bác sĩ như chúng tôi, người thân trao trọn niềm tin cho bác sĩ, điều dưỡng. Ở đây, chúng tôi phải động viên tư tưởng cho bệnh nhân rất nhiều. Có nhiều người bệnh khi vào đây họ rất hoang mang lo lắng. Đặc biệt họ nhìn xung quanh toàn thở máy, chạy ECMO... xác định mình bị rất nặng. Chính vì vậy, chúng tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng với người bệnh để mọi người yên tâm điều trị. Có nhiều người sau khi được động viên yên tâm điều trị hơn", chị Hà nói.
Những cuộc chạy đua cứu "1 người nhưng 2 sinh mệnh"
Trao đổi với PV Dân Việt, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện ở khoa có khoảng 40 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, trong đó có 6 ca nguy kịch rất nặng phải can thiệp tim phổi nhân tạo, các ca còn lại cũng phải thở máy.
"Trong số người bệnh nặng đang điều trị tại khoa có trường hợp nữ bệnh nhân 39 tuổi, mang thai lần thứ 4, thai 29 tuần vừa chuyển từ Nghệ An đến. Do suy hô hấp nặng đã khiến thai lưu.
Chúng tôi đã có phương án hội chẩn với các chuyên gia khoa sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ đó đưa ra kế hoạch mổ để xử lý thai lưu trong bụng bởi nếu để lâu sẽ gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, để làm được điều này phải làm công tác tư tưởng với người mẹ. Khi người mẹ ổn định tâm lý, các các bác sĩ mới có thể tiến hành xử lý được", bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Khiêm đánh giá, trường hợp thai phụ này điều trị gặp rất khó khăn bởi suy hô hấp rất nặng, thở máy, duy trì tim phổi nhân tạo lại vận chuyển đến phòng mổ. Bệnh nhân phải trải qua nhiều khoa như ngoại sản, gây mê, hồi sức, tất cả cùng phối hợp và có phương án chuẩn bị rất kỹ để dự trù như chế phẩm máu, sẵn sàng tình huống để xử lý.
Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho hay, trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, có khá nhiều nhóm bệnh nhân phụ nữ mang thai bị nặng, bởi vì khi mang thai, nhiều người sợ, lo ngại nên đã không tiêm phòng. Mà phụ nữ mang thai ở tuần tuổi càng cao, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ thì nguy cơ nặng cao hơn bình thường.
"Đây là khoa hồi sức nên phần lớn chúng tôi cứu được cả mẹ cả con nhưng cũng có vài ca đáng tiếc, có bệnh nhân chưa đến 30 tuổi dù được can thiệp hết nhẽ, tim phổi nhân tạo... nhưng vẫn không giữ được cả mẹ cả con. Các ca suy hô hấp phải đặt ECMO thì tỉ lệ sống ước tính chỉ dưới 20% nhưng nếu có vấn đề thai lưu thì cũng tùy vào đáp ứng vào từng diễn biến của bệnh nhân thì tiên lượng tốt hơn.
Tôi cũng có con nhỏ nên khi tiếp xúc những ca thai lưu tôi đau lòng, thương người phụ nữ và thương sinh mệnh thai đó. Chúng tôi dành mọi nguồn lực có thể để cứu họ bởi đó là 1 người nhưng 2 sinh mệnh.
Có những trường hợp trong đợt này còn là thai hiếm muộn, thai phải làm các can thiệp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) tuổi mẹ đã cao, nhiều người cố gắng hàng chục năm mới có nhưng rất may những trường hợp đó đều tai qua nạn khỏi, đều ổn", bác sĩ Khiêm kể.
Với bác sĩ Khiêm, trăn trở suy nghĩ với từng bệnh nhân, đôi lúc anh ngồi nhìn lại xem với bệnh nhân đó có chỗ nào mình có thiếu sót không, đã trọn vẹn hết chưa, để không có những tiếc nuối. Bởi để điều trị được 1 bệnh nhân cần công sức của cả một tập thể trong một thời gian rất dài mà vẫn không thể cứu được thì vô cùng tiếc nuối.
"Ví dụ như hai năm qua, có nhiều bệnh nhân đỡ, ra khỏi Khoa hồi sức thì có thể liên lạc qua điện thoại. Có những người ở quê gửi những món quà mít, gà, các đồ lên trên khoa, hay đồ ăn, cà phê… điều đó khiến chúng tôi rất ấm lòng. Niềm vui lớn nhất của bác sĩ là nhìn thấy bệnh nhân ổn định, ra khỏi phòng hồi sức này, trở về với cuộc sống bình thường", bác sĩ Khiêm tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.