Cuộc sống là một hành trình dài mà ở đó luôn có hạnh phúc, niềm vui đan xen với khổ đau và bất hạnh. Vẫn biết cuộc sống không cho ai tất cả nhưng có những người lại mất quá nhiều. Ngay từ khi sinh ra họ đã kém may mắn khi mắc phải những căn bệnh quái ác và những khổ đau ấy cứ đeo bám lấy cuộc đời họ như một sự trớ trêu của số phận. Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ "Những phận đời kém may mắn" để phần nào thấu hiểu và chia sẻ với những đau đớn, thiệt thòi mà họ đang phải đối mặt hằng ngày.
|
Clip: Cô gái 27 tuổi mang dáng hình trẻ lên hai ở Thái Nguyên
Cô gái không bao giờ lớn
Chào đời vào một ngày đầy nắng tháng 3 năm 1990, Đỗ Thị Dung là đứa con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em. Bà Trần Thị Nguyễn (mẹ của Dung) nhớ lại: “Hôm đó tôi cùng bố cháu đi đẻ ở trạm y tế xã. Khi chào đời Dung nặng 2,5kg và xinh xắn, kháu khỉnh lắm. Vợ chồng tôi sung sướng lắm vì trước Dung còn có một người anh trai nữa, giờ thì nếp tẻ đủ cả”.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vài tháng sau khi chào đời, mẹ Dung đưa cô đi tiêm phòng lao ở trạm y tế xã. Trở về Dung bất ngờ bị sốt cao và nổi hạch ở nách. Cái hạch cứ to dần rồi đến sau hơn 1 năm thì hạch vỡ gây sưng tấy. Từ đó sức khoẻ của Dung chuyển xấu rõ rệt, cô thường sốt cao, đau người và cơ thể mãi mãi không bao giờ lớn lên được nữa.
Dung mắc một chứng bệnh hiếm gặp khiến cơ thể cô không thể phát triển từ lúc lên hai tuổi
Nhiều năm sau đó, mẹ Dung bồng bế cô đi chạy chữa khắp nơi. Khi xuống đến bệnh viện tỉnh Thái Nguyên, các bác sĩ nói với gia đình rằng Dung bị mắc chứng úng thuỷ trong não và cơ thể sẽ không thể phát triển được nữa. Khi ấy cả gia đình đều đau đớn và tuyệt vọng nhưng họ vẫn cố gắng chăm sóc tốt cho Dung và hy vọng một phép màu sẽ đến.
Do phần đầu to và nặng so với cơ thể, việc đi lại của Dung gặp rất nhiều khó khăn, cô không thể đi nổi quá 10 bước mà không dừng lại để nghỉ ngơi. Thậm chí cô còn bị thiếu toàn bộ phần xương sườn bên phải. Cô gái 27 tuổi cũng không tự làm được bất cứ một việc nhà đơn giản nào.
Dù ở độ tuổi của một phụ nữ trưởng thành nhưng Đỗ Thị Dung vẫn mang dáng hình của một em bé hai tuổi.
Cứ thế, suốt gần 30 năm qua, Dung sống ngày qua ngày trong thân hình của một đứa trẻ lên hai. 8 tuổi, Dung mới chập chững tập đi, 10 tuổi bập bẹ nói những lời đầu tiên tuy nhiên cô cũng chỉ nói được những từ đơn giản và rất khó nghe. Suốt cả quãng đời mình, Dung chưa bao giờ tự mình đi quá khỏi luỹ tre làng.
Trong gia đình, cô thân thiết nhất với người em thứ 4 là Đỗ Thị Thơm. Tuy nhiên, từ khi Thơm lấy chồng, Dung gần như không nói chuyện với ai, hằng ngày chỉ ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, chơi với mấy món đồ chơi yêu thích. Cô cũng chưa bao giờ cất tiếng gọi mẹ.
Lần đầu cất tiếng gọi cha cũng là lần cuối
“Bố ơi, dậy đi!” lần đầu tiên và cũng duy nhất Dung cất tiếng gọi bố là trong đám tang của ông. Bố Dung qua đời sau một vụ tai nạn giao thông khi đang đi lao động ở Thái Nguyên, để lại gánh nặng cơm áo gạo tiền và tương lai những đứa con lên vai bà Nguyễn. Tiếng gọi bố cất lên ba lần trong tang lễ khiến họ hàng, làng xóm không ai cầm được nước mắt, khóc thương cho số phận người cha, thương xót đứa con gái tật nguyền nhưng cũng hết mực hiếu thảo. Từ đó mọi người cũng biết rằng, dù không nói được nhưng Dung đều hiểu hết những gì mọi người trò chuyện.
Dung rất ít khi nói chuyện với mọi người, cô chỉ thi thoảng nở một nụ cười hiếm hoi khi thấy mình được chụp hình
Chiếc khăn tang Dung đeo trên đầu hôm tang lễ giờ đây được cô gói gọn trong chiếc túi “bảo bối” và luôn luôn mang theo mình. Nằm chung với chiếc khăn tang là những món đồ chơi mà Dung cùng người em gái đã sẻ chia với nhau từ thời thơ ấu hay những gói bim bim mà cô ưa thích.
Yêu con, thương con, lúc nào cũng hết lòng vì con nên bà Nguyễn chẳng dám đi xa làm ăn mà chỉ quanh quẩn trồng rau, bán rau ở chợ trong xã. “Đi làm từ mờ sáng rồi đến trưa tôi lại sấp ngửa chạy về kịp nấu cơm cho con. Ngày trước đã từng có sơ về ngỏ lời đưa Dung đi Bắc Ninh để chăm sóc nhưng tôi không đồng ý vì sợ nhớ con không chịu được, phần vì kinh tế khó khăn nếu gửi con đi xa thì chẳng biết bao giờ mới được gặp lại”, bà Nguyễn tâm sự.
-----------------------
Sinh con ra với biết bao hi vọng, thế nhưng người mẹ ấy suốt 30 năm qua đã không biết bao lần khóc hết nước mắt bởi nỗi đau đớn tột cùng vì con mắc phải chứng bệnh kỳ lạ, mãi mãi không chịu lớn lên.
Đón đọc kì tới: "Xót xa người mẹ già gần ba thập kỷ chăm sóc đứa con không bao giờ lớn" vào lúc 0h30 ngày 9/10.
Khoảng 26 tuổi cô đã có gương mặt của một bà lão 70 tuổi, đi lại khó khăn và mắc bệnh khó thở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.