Cơn mưa chiều ào qua rất nhanh để lại trên mặt đường từng đám hơi nước phả lên ngun ngút, lối vào nhà vợ chồng anh chị Hà Tư Phước - Huỳnh Thị Hạc ở thôn Ia Rôk, xã Chư Hdrông (TP.Pleiku) vẫn đầy những vũng nước lam nham trơn nhẫy. Khoảng sân nhỏ bao quanh bởi vườn cà phê xanh tốt không một cọng cỏ.
|
Những người điên đang sinh hoạt văn nghệ dưới sự đạo diễn của “nhạc sĩ điên” Phạm Chính Nghĩa. |
Chuyện lạ ở ngôi nhà nhỏ
Tôi tần ngần nhìn căn nhà gỗ cũ kỹ nền tráng xi măng sạch sẽ nhưng chẳng có tài sản gì đáng giá: Một chiếc bàn để tiếp khách, một chiếc giường nhỏ cho mẹ anh Phước đã ngoài 80 tuổi (cụ bị mất một chân). Chiếc TV cũ nhòe nhoẹt màu ra rả một giọng cải lương nghe như người nghẹt mũi. Liếc sang bên hè thấy chiếc ô tô tải nhỏ, tôi đã tìm ra lời giải: Chiếc “cần câu cơm” của gia đình và cả “trại điên” là đây. Nhưng ngần ấy tài sản, thời buổi bây giờ may lắm thì cũng đủ bao một gia đình nhỏ, vậy mà phải chắt ra cho 18 miệng ăn là người dưng nước lã, chẳng trách người ta gọi anh bằng biệt hiệu Phước “khùng” !
“Quản chi giàu nghèo, người sống trên đời cốt ở cái tâm với đồng loại”. Vì tâm niệm đó, đôi vợ chồng nghèo ở xã Chư Hdrông (Pleiku, Gia Lai) đã làm một công việc dị thường: Đem những người điên lang thang về nhà nuôi nấng như người ruột thịt...
Dáng người thấp đậm, gương mặt nhân hậu, anh Phước - chủ nhà đang loay hoay bày cho những người điên tắm. Đám người xoay quanh chiếc vòi hoa sen kỳ cọ thân mình như những đứa trẻ. Tôi thoáng rùng mình với những tấm thân chằng chịt những vết sẹo, những vết đốt khi lên cơn… Thế nhưng quay sang việc giặt đồ, những người điên lại biết việc một cách thành thạo.
Thấy tôi ngạc nhiên, Phước giải thích: Được vậy cũng chẳng dễ dàng gì, ngày trước vợ chồng tôi phải tự giặt cho họ, sau đó phải lấy mình làm mẫu thị phạm cho họ học làm theo. Ban đầu thì giặt đồ không sạch, tắm thì nguệch ngoạc, mình chịu khó chỉ bảo, lâu riết cũng thành...
Mái ấm cho những cảnh đời…
10 năm trước, thấy chồng đưa một người điên lang thang trên đường về nhà lấy quần áo cho mặc rồi tuyên bố sẽ nuôi anh ta, chị Hạc chỉ ngỡ chồng đùa. Mấy hôm sau biết là thật, chị như réo sôi lên. Ai đời trong nhà mẹ già yếu chưa có người chăm sóc, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào những chuyến chở thuê hàng phập phù, véo bên này bỏ bên kia mới đủ sống, vậy mà bỗng dưng chồng lại rước dị nhân trên trời rớt xuống về nuôi. Hàng xóm suốt ngày lời ra tiếng vào.
Chịu không nổi, chị quyết định dùng áp lực đòi ra ở riêng. Cứ ngỡ “biện pháp mạnh” này sẽ làm chồng thối chí, nào ngờ Phước vẫn không lay chuyển. Anh đào giếng, làm nhà riêng để mình và “anh bạn” điên ở. Đến nước này thì trời không nghe đất, đất phải nghe trời”, chị Hạc phải bỏ ý định ly thân.
|
Anh Phước đang xem xét vết thương “tự tạo” trên cơ thể một người điên. |
Theo thời gian, dần rồi chị Hạc cũng thôi ái ngại bởi thấy người điên không hung dữ như suy nghĩ trước nay của chị. “Chồng mình làm việc thiện, mang phước cho đời chớ phải điều gì bất lương”.
Suy nghĩ ấy đã khiến chị bị thuyết phục lúc nào không hay… Tiếng đồn xa, chuyện vợ chồng Phước “khùng” tình nguyện nuôi người bị tâm thần được nhiều người biết đến. Ban đầu có một vài người, anh chị động viên nhau cố gắng, nhà mình ăn gì họ ăn nấy. Nhưng rồi, số người đến “gửi” ngày một nhiều. Biết nhận ai, từ chối ai. Thôi đã làm phúc thì làm cho trót…
Tỉ tê, chị Hạc kể cho tôi nghe những nỗi vất vả của anh chị… Dạt về đây mỗi người mỗi cảnh, mỗi quê. De - người Jrai ở làng KBe, xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum) được gia đình đem đến nhờ anh Phước nuôi giúp từ năm 2009.
Những chiếc răng cửa của De đã bay mất, theo lời De là hậu quả của việc nhậu say rồi đua xe năm nào, cũng là nguyên nhân khiến anh bị chấn thương não dẫn đến tâm thần. Trên thân mình De chi chít hằng hà những vết bỏng do anh tự mình đốt trong những lúc lên cơn.
Giờ đây, tháng ngày tăm tối đã dần rời xa, ký ức dần hiện về, De cho biết rất nhớ vợ con và rất mong được về gặp họ. Có lẽ từ trong sâu thẳm của De, những đứa con là tài sản quý giá nhất mà anh không thể lãng quên.
Rồi trường hợp của Minh ở tận tít Phú Thọ đã ở đây với anh Phước nhiều năm. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất ở đây là trường hợp “trí thức điên” Phạm Chính Nghĩa ở Thái Thụy, Thái Bình. Nghĩa nhớ như in ngày về với anh Phước - đã 4 tháng 6 ngày. Không giống như những người khác chỉ nhớ chút ít chuyện mình, Nghĩa nhớ tất tật mọi chuyện đã xảy ra.
Từng điều trị tại nhà thương tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai), mỗi mùa nắng là Nghĩa lại lên cơn và lang thang rày đây mai đó. Có bận, Nghĩa lang thang ra tới Nha Trang, vất vưởng xin ăn qua ngày. Có lúc đói quá, bộ áo quần trên người cũng đem đổi bánh mì để ăn. Có lúc Nghĩa lấy cát thay cơm, lấy nước biển thay nước uống... Cũng chẳng biết cơn gió nào đưa đẩy Nghĩa đến Pleiku và được anh Phước đem về nuôi...
Nghĩa có biệt tài chơi đàn organ, có thể chơi từ sáng tới tối mà chẳng cần nhìn bản nhạc, mọi thứ đều đã nằm trong đầu Nghĩa. Hơn thế kể từ ngày về ở với anh Phước, Nghĩa đã sáng tác 8 bản nhạc: Mẹ hiền yêu ơi, Tôi yêu Nha Trang, Đến cùng Pleiku ân tình… Cũng chính Nghĩa ôm đàn dạy cho những người điên cùng hát và họ hát rất hay, đặc biệt là bài “Mẹ hiền yêu ơi”.
Hầu hết những người điên tụ về đây bệnh viện cũng đã bó tay, vậy mà bằng tình thương ruột thịt, anh Phước đã “thuần” được họ. Không chỉ tinh thần, những vết thương thân thể cũng đã đã liền da. Tính người đã trở lại, họ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Mấy ai biết rằng, nhiều người trong số họ từng dùng hung khí tấn công bất kỳ ai đến gần… Niềm vui của Phước ngày càng lớn khi gần đây đã có người lành bệnh về với gia đình…
Làm phúc còn tiếng thị phi
Tôi hình dung nỗi chật vật của vợ chồng Phước khi phải lo ăn lo mặc cho ngần ấy miệng ăn… Thực sự thì cũng có vài người còn thân thích thỉnh thoảng hỗ trợ thêm cho anh chị nhưng chẳng đáng là bao. Vậy mà có người độc miệng tung tin là vợ chồng anh nuôi người điên để kiếm lợi (!). Chuyện đã đến tai chính quyền và họ đã thành lập đoàn kiểm tra yêu cầu anh chị dẹp “trại”. Lý do là anh chị chưa đủ điều kiện để chăm sóc bệnh nhân. Sau quyết định oái oăm ấy, người được trả về nhà, người được đưa vào trại tâm thần…
Anh Phước kể rằng, mới hôm rồi có người mang cho bao gạo với mấy thùng mì tôm. Anh chị đã rơi nước mắt. Món quà tuy nhỏ nhưng đó là sự sẻ chia. Thiên lương của vợ chồng anh chị rốt cục cũng đã được người đời biết đến…
“Làm phúc mà còn chịu tiếng thị phi, thực tình lúc ấy tôi cảm thấy như được giải thoát. Không ngờ sau một thời gian họ lại tìm về bởi người không có nơi nương tựa, người lại chẳng muốn rời xa tôi – Phước cười. Vậy là cái “nghiệp” của tôi lại phải tiếp tục…”.
Sự thật đã khiến cái tâm của vợ chồng Phước gần đây có những cái nhìn trong sáng hơn… Ông Đặng Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND xã Chư Hdrông cho biết: Sở LĐTBXH đã về đây kiểm tra và đang xem xét cho phép anh Phước tiếp tục nuôi những người bệnh này. Khi được phép, chúng tôi sẽ cử cán bộ y tế của xã đến kiểm tra sức khỏe định kỳ cho họ. Đây là việc làm từ thiện và cũng là trách nhiệm của chính quyền…
Nhưng nếu chỉ đến vậy thì trong tôi vẫn mang cái cảm giác an ủi về mặt tinh thần. Việc thiết thực hơn mà chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm được là giúp đỡ anh chị một chốn ở rộng rãi, ấm áp hơn cho những người điên, giúp đỡ thêm cho họ cái ăn, cái mặc...
Quốc Dinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.