Lạ ở Bình Định: Làng ra "nghị quyết" bảo vệ báu vật là 20 cây kơnia

Thăng Bình Thứ ba, ngày 11/02/2020 13:52 PM (GMT+7)
Giữa miền quê xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định), có hàng chục cây kơ nia cổ thụ đứng sừng sững, rợp bóng mát cả 1 vùng. Người dân ở đây có quy ước “bất thành văn”, sẵn sàng “tuyên chiến” với những ai lăm le đốn hạ cây kơ nia cổ thụ, đây được xem là “báu vật” của làng.
Bình luận 0

Độc đáo vườn kơ nia cổ thụ

Theo những bậc cao niên ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), hơn 20 cây kơ nia đang đứng sừng sững tại xóm Phú Mỹ, xung quanh khuôn viên nhà văn hóa thôn đã có từ lâu đời.

“Ngày xa xưa, ở thôn Hòa Mỹ này có 3 khu vực mang 3 tục danh là rừng Đình, rừng Trong và rừng Ngoài, cả 3 nơi này có mọc rất nhiều cây kơ nia. Lúc nhỏ, tôi đã thấy những cây kơ nia kia đứng sừng sững ở góc làng rồi, có nhiều cây cao hàng chục mét, thân to 2 - 3 người ôm không xuể”, cụ Lê Xuân Hương (xã Nhơn Phúc) nhớ lại.

img

Vườn cây kơ nia hiếm gặp giữa vùng quê xã Nhơn Phúc, được dân làng xem như báu vật.

Theo cách nói của cụ Hương, riêng đời của cụ đã gần 100 năm, trong khi mới 5 – 6 tuổi cụ đã thấy những cây kơ nia kia đứng sừng sững, như vậy, tính đến nay chúng phải có niên đại cao đến hàng trăm năm.

“Trải qua nhiều thăng trầm đến bây giờ, ở Hòa Mỹ còn lại hơn 20 cây kơ nia cổ thụ, dân làng xem chúng như “báu vật”, mấy chục năm qua toàn dân luôn ra sức gìn giữ. Người dân có việc đi đâu xa, khi về đến đầu làng, nhìn thấy những đọt cây kơ nia hùng vĩ hướng thẳng lên nền trời là đã cảm nhận được sự ấm áp của quê nhà”, cụ Hương nói.

Cấm phá hoại vườn cây

Ngay cả trên vùng đất Tây Nguyên, “quê hương” của cây kơ nia, hiện loài cây này còn lại cũng rất ít, thi thoảng mới thấy bóng cây rợp mát giữa buôn làng. Trong khi đó, giữa vùng quê thuần nông mà còn có cả hơn 20 cây kơ nia cổ thụ mọc đông đặc như ở Hòa Mỹ, quả là “của hiếm”. Vì vậy, khi đất sản xuất, khu dân cư ở thôn Hòa Mỹ đã ổn định, người dân địa phương đã dồn hết tâm lực bảo vệ vườn cây kơ nia.

Cũng theo người dân nơi đây, Ban nhân dân thôn Hòa Mỹ và các cụ cao niên trong làng thường xuyên nhắc nhở con cháu và dân làng không được đốn hạ cây kơ nia lấy gỗ hoặc đốt phá làm chết cây. Các cụ khuyên con cháu về lợi ích của môi trường sinh thái, bóng mát của những cây kơ nia mang lại. Dần dần, từ già đến trẻ đều ý thức rằng cây kơ nia cổ thụ là biểu trưng của làng quê mình đang sinh sống nên ra sức gìn giữ.

Đặc biệt, một quy ước “bất thành văn” được lập ra là nếu ai làm tổn hại đến những cây kơ nia sẽ bị “bêu tên” trong các cuộc họp kiểm điểm. Hầu hết người dân trong thôn đều tự giác chấp hành, bởi họ không muốn vi phạm quy ước của làng, cũng như e ngại làm tổn hại đến những cây kơ nia hàng trăm tuổi vô hình trung đã trở thành biểu tượng của làng.

img

Hàng chục cây kơ nia cổ thụ “hiếm gặp” giữa đồng bằng, cấm người “lăm le” đốn hạ.

Việc bảo vệ những cây kơ nia được thể hiện rõ nhất khi chính quyền định xây dựng Nhà Văn hóa thôn Hòa Mỹ vào 2 năm trước. Khi xây dựng, cả làng cùng đồng thuận ra “nghị quyết” kiên quyết không đụng vào bất kỳ cây kơ nia nào. Chỉ là nhà văn hóa của 1 thôn nhưng có khuôn viên rộng đến 10.000m2 và tường rào vây quanh, chủ yếu là để bảo vệ những cây kơ nia.

“Lúc làm sân thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa thôn, nếu muốn có mặt sân vuông vức, đẹp mắt thì buộc phải “hi sinh” 3 cây kơ nia. Bàn qua tính lại, cuối cùng cả làng biểu quyết phải giữ bằng được những cây kơ nia mà hàng trăm năm qua bao đời người dân giữ gìn, chấp nhận cái sân thể thao méo mó một chút”, ông Văn Đình Bính (xã Nhơn Phúc) kể lại.

Cây kơ nia có tên khoa học là Irvingia malayana, nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á, ở Việt Nam cây tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Kơ nia là cây gỗ lớn, cao từ 15 - 30m, đường kính thân từ 40 - 60cm, gốc thường có khía, bạnh vè, tán cây hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm. Cây chịu hạn tốt, có nhiều rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa bão.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem