Trên đây là trích đoạn trong bức thư của thầy Triệu Quang Tùng (Trường THCS Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) gửi vợ là y sĩ, đang tham gia chống dịch tại "điểm nóng" Bắc Giang. Bức thư nhận được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội.
"Gửi những người chiến sĩ nơi tuyến đầu: Tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế"!
Đấy là tựa đề của bức thư mà thầy giáo Tùng gửi đến vợ mình, y sĩ Nguyễn Thị Hồng, hiện đang chống dịch tại "điểm nóng" Bắc Giang.
Trong thư gửi vợ, thầy giáo Tùng chia sẻ:
"Chiều nay, cô bạn gửi cho mình tin nhắn của cô ấy tâm sự với vợ mình. Nội dung khiến mình thấy nhói lòng, cảm giác bất lực vì không thể san sẻ.
Mình cũng biết vợ lo lắng nhưng không muốn nói hoặc cố gắng giấu nó đi. Cũng chiều nay, mình phải tắt máy nhanh khi vợ gọi điện nói chuyện với con, vì mình sợ vợ sẽ khóc và mình biết cô ấy (vợ- PV) sẽ khóc vì nhớ con"…!
Được biết, thầy Tùng là giáo viên dạy Ngữ Văn. Nhà chỉ cách trạm y tế xã - nơi chị công tác - khoảng hơn 1 km nhưng chị không thể về.
Khoảng 20 ngày nay, khi dịch căng thẳng ở Bắc Giang, chị Hồng và đồng nghiệp gần như túc trực liên tục ở Trạm Y tế xã Hợp Thịnh.
May mắn gia đình sống cùng ông bà nội nhưng thầy Tùng phải thay vợ quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc 3 con, trong đó có con út chỉ mới 21 tháng tuổi.
"Vợ mình cai sữa cho con chưa được bao lâu. Cháu không hợp sữa ngoài nên hàng ngày, tôi hoặc ông nội cháu phải hầm cháo, xay bột cho ăn dặm.
Nhớ mẹ, nhiều khi con khóc ngằn ngặt tôi không biết phải làm sao. Lúc ấy tôi nghĩ ra trò hát ru. May quá, con thích nên dần dần bám bố", thầy Tùng chia sẻ.
Thầy giáo này cũng cho biết thêm: "Mỗi tối tôi dạy ôn thi trực tuyến miễn phí cho học sinh lớp 9. Dịch bùng phát, các em bất lợi hơn các bạn khóa trước rất nhiều.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tranh thủ dành mấy tiếng buổi tối, củng cố thêm cho các em ít kiến thức. Nhiều khi đang giảng bài, tôi phải bảo học trò thông cảm, bởi cháu bé gắt ngủ, quấn thầy quá"…
Chia sẻ về cảm giác của vợ mình lúc đọc thấy bức thư của chồng ra sao, thầy Tùng cho hay: "Tôi biết cô ấy rất bản lĩnh, thương chồng con nhưng nhất định sẽ không nói ra. Tôi tin, cô ấy sẽ hoàn thành công tác để trở về trong ngày chiến thắng đại dịch".
"Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng"!
Khi được hỏi "Gà trống chăm con" có vất vả không, thầy giáo Tùng vui vẻ trả lời: "Có chứ nhưng điều này sá gì so với cô ấy và đội ngũ y bác sĩ đang làm trong tâm dịch".
Trong bức thư gửi vợ mình, thầy giáo này cũng bày tỏ tấm lòng với các chiến sĩ áo trắng, những người đang vật lộn bất kể ngày đêm ở tâm dịch.
"Vậy nên, hỡi những chiến sĩ áo trắng, xin được bày tỏ lòng kính phục, lòng biết ơn đến các anh, các chị đã và đang ngày đêm hi sinh, cống hiến thầm lặng cho đất nước. Nhìn thấy đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng ... dài như sông, như suối, như tiếng hát ấy đang trên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh mới thấy: Tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế!
Bài viết này, tôi hy vọng một lúc nào đó, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chiến sĩ áo trắng sẽ đọc được và những tình cảm chân thành xin gửi đến các anh, các chị hy vọng sẽ làm dịu đi căng thẳng, nguy hiểm mọi người luôn phải đối mặt.
Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly"!
Chia sẻ với PV Dân trí sáng 31/5, chị Nguyễn Thị Hồng nghẹn ngào. Chị kể, không có thời gian xem mạng Internet nên chị nhận được thư của chồng từ một người bạn gửi cho.
"Lúc ấy nước mắt tôi cứ ứa ra, thương chồng, nhớ con. Cháu vẫn còn bé và mới cai sữa chưa được bao lâu, chắc con nhớ mẹ lắm.
Mang tiếng là giáo viên dạy Văn nhưng bình thường vợ chồng tôi không hay biểu hiện tình cảm với nhau sến súa hay lãng mạn bao giờ.
Có lẽ anh ấy muốn khích lệ, động viên chị em chúng tôi nên viết ra những lời xúc động như thế. Vậy nên khi đọc xong thư, tôi dặn lòng, phải cố lên, nhất định không được mềm yếu, không được chảy nước mắt", chị Hồng tâm sự.
Cũng theo y sĩ Nguyễn Thị Hồng, tính đến nay là khoảng 20 ngày chị xa nhà. Để an toàn, chị phải hạn chế về nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân do hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều ca F.
"Vất vả nhất là lúc truy vết các ca F0, nhiều khi phải đi đến 2-3h sáng mới về. Nhiều khi mặc quần áo bảo hộ đứng ngoài trời trong những ngày hè này, bức bí, nóng nực, mồ hôi bết bát.
Thế mới biết, các đồng nghiệp của chúng tôi đang ở tuyến đầu vất vả, kiệt sức đến thế nào.
Mặc dù vậy, chị em chúng tôi ở đây nhiều người có con nhỏ vẫn động viên nhau cố lên. Chúng tôi tin, niềm tin chiến thắng đại dịch", chị Hồng xúc động nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.