Giải thích với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và nhà đầu tư, SBT cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn mở rộng thị phần, tập trung vào phát triển và kinh doanh sản phẩm cốt lõi; đồng thời việc gia nhập ATIGA giúp công ty cơ cấu lại nguồn nguyên liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả chế luyện, chính vì thế doanh thu đường quý 3 tăng tới 39% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận đạt tới 20,7%.
Sản xuất đường tại Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (Ảnh: IT)
Giảm lãi ròng trong quý tới 75%
Cụ thể, theo BCTC được công bố, DN nhà “vua mía đường” Đặng Văn Thành ghi nhận doanh thu thuần quý 3 niên độ tài chính 2019-2020 gần 2.975 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp mảng đường Quý 3 cũng là điểm đáng chú ý khi đã có những cải thiện vượt bậc đạt 20,7%, tăng mạnh gần 270% so với bình quân 5,6% của lũy kế 6 tháng đầu niên độ.
Kết quả này có được là do toàn bộ sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã được tiêu thụ hết ở 2 quý trước, đồng thời sản lượng đường mới đã được Công ty kiểm soát tốt chi phí đầu vào đặc biệt khi Công ty đã tận dụng được lợi thế từ ATIGA với lượng nguyên vật liệu đầu vào giá cạnh tranh hơn. Biên Lợi nhuận gộp Quý 3 nhờ đó cũng ghi nhận tăng trưởng tốt khi bứt phá trở lại đạt 17,6%. Kết quả là, công ty thu về hơn 524 tỷ đồng lãi gộp, tăng 80% so cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý, trong quý 3 cùng kỳ, SBT có khoản lãi bất thường dẫn đến doanh thu tài chính đạt hơn 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý 3 niên độ 2019-2020, do không có khoản này nên doanh thu tài chính giảm tới 81% so cùng kỳ, đạt 65 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại gia tăng đáng kể, ở mức 145,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 94,6 tỷ đồng) và 115,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 103,4 tỷ đồng); khiến kết quả quý 3 niên độ tài chính 2019-2020, SBT chỉ lãi ròng hơn 73 tỷ đồng, giảm 75% so cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu của SBT có đến hơn 92,2% là về ngành đường (Nguồn SBT)
Lũy kế 3 quý đầu niên độ 2019-2020, SBT ghi nhận đã tiêu thụ 699 ngàn tấn đường, tăng 33% so cùng kỳ. Các sản phẩm từ đường mang về 8.404 tỷ đồng doanh thu lũy kế, chiếm 92% cơ cấu doanh thu và tăng 25% so cùng kỳ. Tổng cộng, sau 3 quý, công ty đã thu được 9.122 tỷ đồng doanh thu và hơn 131 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 12% và giảm 55% so cùng kỳ. Như vậy, SBT đã thực hiện 84% kế hoạch doanh thu và hơn 53% kế hoạch lãi trước thuế cả niên độ 2019-2020.
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của SBT tăng 10% so với thời điểm đầu niên độ, đạt 18.400 tỷ đồng.
Xét đến cơ cấu nguồn vốn, việc nợ vay ngắn và dài hạn cùng giảm mạnh cũng là một điểm sáng trong bức tranh tài chính trong 9 tháng đầu niên độ của SBT. Cụ thể, nợ phải trả giảm 308 tỷ đồng, tương đương giảm gần 3%, trong đó nợ ngắn hạn tăng nhẹ 1% tương đương 81 tỷ đồng; nợ vay ngắn hạn giảm 4% tương đương giảm 300 tỷ đồng. Đặc biệt nợ dài hạn cũng có những cải thiện đáng kể khi ghi nhận giảm 20% tương đương giảm 389 tỷ đồng; trong đó nợ vay dài hạn giảm 402 tỷ đồng, tương đương 22%.
Trong 9 tháng đầu năm, SBT đã tiết kiệm được tổng cộng 67 tỷ chi phí lãi vay so với cùng kỳ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, các chỉ số cơ cấu vốn ghi nhận sự cải thiện rõ nét khi chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và chỉ số nợ vay/tổng tài sản đạt 1,1 lần và 0,5 lần, lần lượt giảm 31% và 16% so với đầu niên độ.
Lãnh đạo đua nhau “gom” cổ phiếu
Điểm đáng chú ý với SBT trong thời gian gần đây là hàng loạt lãnh đạo DN này đua nhau “gom” cổ phiếu khi giá giảm sâu, và hầu hết đều khớp lệnh ngay trên sàn.
Cụ thể, từ ngày 30/3-28/4, ông Đặng Văn Thành, nhà sáng lập đồng thời là chồng của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Bích Ngọc cũng đã mua vào gần 10 triệu cổ phiếu SBT. Sau khi giao dịch thành công, ông Thành nắm giữ cổ phiếu SBT với tỷ lệ 1,64%.
Tương tự, Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Dương, Thành viên HĐQT Nguyễn Mạnh Tiến và Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Ngữ cũng đăng ký gom vào mỗi người 1 triệu cổ phiếu SBT. Sau khi giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trên lần lượt là 0,61%; 0,16% và 0,71%. Tương ứng với số cổ phiếu nắm giữ lần lượt là 3,74 triệu; 1 triệu và 4,37 triệu cổ phiếu.
3 lãnh đạo khác gồm Phó Tổng Giám đốc Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng Giám đốc Dương Thị Tô Châu và Giám đốc Huỳnh Văn Pháp cũng mua vào mỗi người 500.000 cổ phiếu. Sau khi giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu SBT của các thành viên trên lần lượt là 0,08%; 0,1% và 0,11%.
Động thái gom mua cổ phiếu của lãnh đạo SBT và người liên quan diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu này đã “bốc hơi” gần phân nửa thị giá. Theo đó, từ vùng 22.000 đồng/CP trong đầu tháng 3, cổ phiếu SBT đã lao dốc về mức 11.900 đồng/CP (phiên 26/03).
Sau khi chạm đáy, giá cổ phiếu này đã dần hồi phục, trong phiên giao dịch hôm nay (7/5) cổ phiếu SBT đang được giao dịch quanh mức 14.250 đồng/CP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.