Lạm bàn về kiềng ba chân

Thứ hai, ngày 05/05/2014 10:30 AM (GMT+7)
Ngày 29.4.2014 tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân diễn ra tại Hạ Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, một cố vấn cao cấp của Thủ tướng đã làm công chúng ngạc nhiên khi ông nói: “Đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”.
Bình luận 0
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển còn nói thêm: “Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.

Liệu có lạ không khi nói về xã hội dân sự tại một hội nghị kinh tế? Cải cách thể chế là vấn đề được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua, và việc thừa nhận xã hội dân sự và tạo điều kiện cho nó phát triển lành mạnh là một vấn đề quan trọng của cải cách thể chế. Nhìn từ khía cạnh đó không có gì là lạ khi một hội thảo quan trọng về kinh tế lại bàn về xã hội dân sự. Và việc ông Tuyển được cử tọa hoan hô nhiệt liệt khi ông nói những câu trên cũng cho thấy sự thay đổi đáng mừng về nhận thức của nhiều quan chức và học giả.

Có thể tạm phân xã hội thành các lĩnh vực khác nhau: Gia đình; Thị trường nơi các hoạt động kinh tế tạo ra của cải vật chất diễn ra; Nhà nước có sứ mệnh cai trị, nơi mệnh lệnh, sự ép buộc từ trên xuống, sự tổ chức theo chiều dọc và thứ bậc là quan trọng.

Tất cả những thứ ngoài gia đình, thị trường và nhà nước được cho là thuộc xã hội dân sự. Đó là những hoạt động mang tính xã hội như hoạt động của các hội đoàn, các nhóm cùng sở thích, cùng những mối quan tâm, các tổ chức phụng sự xã hội... Các tổ chức xã hội dân sự có thể cung cấp dịch vụ, giám sát công quyền, nghiên cứu, vận động chính sách và rất quan trọng trong việc hình thành dư luận - một sự phản hồi không thể thiếu nếu nhà cầm quyền muốn cai trị một cách hữu hiệu - lên tiếng phản biện, đôi khi thậm chí chỉ trích những hành động sai của chính quyền.

Hoạt động xã hội dân sự bổ sung cho hoạt động gia đình và những hoạt động thị trường, nhà nước, hết sức cần thiết cho sự phát triển xã hội. Nếu coi gia đình là cái nền của xã hội và phần còn lại là cái kiềng ba chân (thị trường, nhà nước, xã hội dân sự) thì xã hội chỉ có thể phát triển vững mạnh trên nền tảng của chiếc kiềng vững chãi.

Một thời chúng ta không hiểu và cứ tưởng cái gì cũng do nhà nước làm và lo, từ cái kim sợi chỉ, nhà trẻ đến... nghĩa trang. Cái kiềng có 1 chân vừa to và dài, hai chân kia bị teo đi, hiển nhiên không thể đứng vững.

Rồi chúng ta trả lại quyền làm kinh tế cho người dân, trả lại vai trò cho thị trường và cuộc sống được cải thiện rõ rệt, nhưng cái kiềng với 2 chân cũng chẳng thể vững. Và việc nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho cái chân thứ ba phát triển cân đối với 2 chân kia, cũng như tạo dựng cái nền bền vững là vấn đề cốt lõi của cải cách thể chế nhằm phát triển đất nước phồn vinh.

Phân công lao động là một sáng kiến vĩ đại của loài người. Nhà nước hãy làm việc của mình và trả lại cho gia đình, cho thị trường, cho xã hội dân sự những việc thuộc về chúng. Đấy là cách hay nhất, khôn ngoan nhất để làm cho nhà nước hoạt động hiệu quả, ổn định.

Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem