Tự sự của người làm báo nghiệp dư, viết hơn 700 tin, bài báo được đăng mỗi năm
Thiên Long
Thứ tư, ngày 19/06/2024 13:05 PM (GMT+7)
Không thẻ nhà báo, giấy giới thiệu, với mối quan hệ, nhanh nhẹn khi đến hiện trường đã giúp tôi, một người thích làm báo nghiệp dư đã có hơn 700 tin, bài báo được đăng.
Đang làm việc ở cơ quan công an, với đam mê thích làm báo nghiệp dư, nghe đâu đó có sự việc liên quan an ninh trật tự dù gần hay tận biên giới, là lập tức tôi thay bộ quân phục công an lên xe máy tức tốc tìm tới địa chỉ qua tin nhắn. Niềm vui nhân đôi khi vừa tới tận hiện trường là có người thật, việc thật.
Khoảng 20 năm trước, sáng vừa vào đơn vị thì một người cung cấp tin: Cây cầu bắc ngang con kênh gần biên giới Campuchia bị xe tải chạy qua làm sập. Nghe xong tôi "mở cờ trong bụng": "Đội trưởng cho em xin vắng buổi sáng, chiều về làm bù".
Thủ trưởng chưa gật đầu, tôi đã thay xong bộ quân phục tốc hành lên xe máy phóng ào ra khỏi trụ sở. Quãng đường hơn 150 km, nhiều đoạn quốc lộ 62 xuống cấp nghiêm trọng toàn ổ voi, chạy hơn 3 tiếng vào xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng là đúng giờ trưa.
Tranh thủ lấy máy ảnh (loại máy cơ chụp nửa cuộn phim), hỏi mấy người dân sống ngay khu vực đầu cầu vài chi tiết rồi tôi quay trở về mất 3 giờ (đi và về 300 km). Về nhà chỉ kịp thay cái áo, ngồi vào viết tin, sau đó ra tiệm ảnh rửa vài tấm ảnh. Công đoạn cuối cùng rất quan trọng là thuê anh xe ôm "mối ruột" cầm bao thư có bản tin đem lên tận tòa soạn ở TP.HCM gởi đăng, xem như xong cái trọn cả ngày.
Sáng hôm sau, tin, ảnh được đăng, niềm vui của người viết báo không chuyên như tôi tràn đầy hạnh phúc. 10 ngày sau nhận giấy báo nhận nhuận bút 12.000 đồng, chuyến đi lỗ vốn nặng.
Làm báo nghiệp dư mỗi năm viết hơn 700 tin, bài
Một lần, có vụ án mạng ở một trường phổ thông huyện Đức Hòa. Xác định có thông tin tôi lên xe chạy như bay tới nơi xảy ra sự việc mất đúng 1 giờ. Vừa chen vào bên trong để xem, vừa tranh thủ móc máy ảnh ra chụp, bất ngờ từ phía sau 2 cảnh sát chụp vai kéo ra, đồng thời giữ máy ảnh do tự ý xâm nhập hiện trường. Lúc đề nghị mở khẩu trang để lập biên bản, đồng nghiệp giật mình: "Đi đâu mà chạy vô đây chụp lung tung vậy ông, cầm máy ra khỏi chỗ này đi chút nữa lãnh đạo thấy là nguy".
Cố gắng cười gượng, tôi lặng lẽ rút êm khi máy đã chụp hơn 10 kiểu ảnh. Bài tường thuật vụ án này đã đăng trên tờ báo ở TP.HCM sau khi đưa về địa phương được dân bán báo bán đắt như tôm tươi bởi tính độc quyền.
Đeo bám vụ án khó quên đình dám nhất là hai nhân viên bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa bị sát hại. Dù chỉ là cộng tác viên "thời vụ" nhưng tòa soạn lại phân công tôi đeo bám xuyên suốt có tin, bài phản ánh dư luận, theo dõi diễn biến ngoài xã hội, động tịnh phía công an, phản ứng gia đình nạn nhân... Thời điểm ấy, sau khi kết thúc công việc ở cơ quan, tôi lại tức tốc chạy đi liên hệ mối quen để thu thập tin tức, về nhà chỉ kịp ăn uống qua loa là tôi lao vào viết tin, bài gởi đăng.
Cuộc "phiêu lưu" làm báo nghiệp dư kéo dài nhiều tháng cho tới ngày công an bắt giữ nghi phạm, tần suất tin, bài viết mới bắt đầu giảm dần.
Điểm lại, theo tờ giấy báo nhận nhuận bút tôi lưu lại, dù làm báo nghiệp dư nhưng một năm tôi viết gần 700 tin bài liên quan trật tự xã hội, số tiền nhuận bút kha khá nhưng cũng chỉ đủ bù chi phí ăn uống, sửa xe… Lợi nhuận lớn nhất mà cá nhân thu được đó là kinh nghiệm trong từng đề tài cụ thể, từ tường thuật án sang viết về đời sống, mảnh đời bất hạnh, phóng sự điều tra chứ không khép kín án hình sự thuần túy.
Đam mê nghề báo tận bây giờ xem như đã thành công. Báo giúp tôi hiểu rộng hơn về nghề nguy hiểm, sự khéo léo, nhanh nhẹn ứng phó, cách xử lý tin, bài để cho ra tác phẩm hay được nhiều người đọc nhớ đến tên mình.
Giờ đây, thời đại công nghệ thông tin hiện đại, phương tiện đi lại thuận lợi, chế độ cao hơn rất nhiều, nên cuộc sống người làm báo nghiệp dư như tôi có thu nhập nhất định, đỡ vất vả hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.