Có nhiều người con sinh trưởng trong một gia đình không tốt, cha mẹ bất hoà... nhưng con lại ngoan, trưởng thành. Ngược lại nhiều người con có gia đình cha mẹ tốt, nghiêm túc và danh tiếng, lại đi vào con đường sa ngã. Điều đó chứng tỏ tính chất phức tạp và những yếu tố nhiều mặt để hình thành tính cách một con người. Trong những điều kiện tác động đặc biệt, cùng với phẩm chất cá nhân, con người có thể vượt lên hay gục ngã trước hoàn cảnh.
Nhiều kết luận của khoa học cho rằng thời kỳ hình thành cơ bản của tính cách là quãng từ sơ sinh đến sáu tuổi. Vậy là trường mầm non mẫu giáo nhà trẻ quan trọng hơn cả đại học và trường phổ thông.
Thế hệ trẻ đang hối hả học theo và “sáng tạo” ra đủ thứ mới, đề cao cá nhân ích kỷ trong lúc không có được một phông văn hoá nào đủ mạnh.
|
Cha mẹ bây giờ không dám tự tin vào việc dạy con. Cứ cố gắng hết sức, xoay xoả theo cách thiên hạ, nhưng con nên người thế nào là “hên xui” chả ai dám chắc. Lúc bé con ngoan sau thành tướng cướp. Học giỏi thông minh ra đời vẫn lận đận. Có khi thất nghiệp hoặc thua to thằng bạn kém hơn mình nhưng nhà nó có tiền, có cha mẹ anh chị làm to chẳng hạn.
Đời bây giờ khó giải thích, méo mó cả các quy luật. Gia đình đổ tại đám bạn bè xấu, tại xã hội chả có gì tốt đẹp, thậm chí tại ông bà không phù hộ, kém may mắn mà đâm ra con mình hư kém. Xã hội nhà trường thì bảo gia đình không dạy thì chả có cách gì.
Có đến cả trăm định nghĩa về văn hoá. Nhưng cha mẹ sống theo triết lý sống nào (chả cần nói học thuyết, mà là sống cách gì. Kiếm sống bằng lao động chân chính, đối xử có nhân có nghĩa, yêu thương đôn hậu, cho dù thiệt thòi chứ không chịu làm điều họ cho là xấu xa vô đạo đức) thì nó vẫn là hạt nhân của đạo đức truyền thống văn hoá Việt. Có thể ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hành động theo nó như một nguyên tắc sáng rõ. Nhiều người trẻ dị ứng chữ truyền thống. Nó đồng nghĩa với cũ kỹ lạc hậu.
Thế hệ trẻ được cho là đang hối hả học theo và “sáng tạo” ra đủ thứ mới, đề cao cá nhân ích kỷ trong lúc không có được một phông văn hoá nào đủ mạnh.
Phông văn hoá này đang được dẫn dắt bởi công nghệ, bởi truyền thông khá hỗn tạp, thành tâm lý đám đông vụ lợi cạnh tranh xấu, thành các triết lý sống “mới” khá tai hại, bình thường hoá trong đời sống. Nhiều khi những thứ đó dẫn dắt trẻ một cách hiệu quả. Gia đình đã thua cuộc trước cơn bão này?
Phải chăng các bậc cha mẹ không còn đủ tự tin vào những triết lý sống đạo đức tốt đẹp rất dễ hiểu mà họ vẫn tâm niệm xưa nay mà hoàn toàn lỗi của biến động xã hội? Vậy còn chính cha mẹ nghĩ ra được điều gì hay, hiệu quả trong hoàn cảnh này? Cha mẹ đã từng can đảm vượt qua mọi khó khăn đau khổ để nuôi dạy con, bây giờ sức mạnh đó có còn đủ để vượt qua hoàn cảnh mới của xã hội, dẫn dắt con mình đi tới?
Phải chăng đó chính là phông văn hoá mới của chính bậc cha mẹ?
Quảng Yên (Thế giới Tiếp thị) (Quảng Yên (Thế giới Tiếp thị))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.