Lâm Đồng: Đổ xô trồng mắc ca bằng giống trôi nổi

Thứ tư, ngày 11/07/2012 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều hộ dân ở Lâm Hà (Lâm Đồng) đang phá bỏ hàng loạt vườn cây mắc ca để trồng các loại cây trồng khác.
Bình luận 0

Họ cho biết: “Cây lên cao xanh mượt, tươi tốt nhưng chỉ có lá chứ không đơm hoa kết trái gì cả! Tiền tỷ đã đổ ra nhưng đành phải chặt bỏ. Xót nhưng biết làm sao được!”.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, đến nay cây mắc ca chỉ mới được trồng thử nghiệm chứ chưa đưa ra trồng đại trà tại tỉnh này. Tuy nhiên, do nguồn lợi của loài cây trồng này rất lớn nên phong trào tự phát trồng mắc ca ở nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng phát triển ở mức không kiểm soát nổi và đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

img
Cây mắc ca trồng ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.

Loại cây trồng cho thu nhập cao

Mắc ca là một giống cây trồng có nguồn gốc từ nước ngoài, được đưa về trồng ở một vài vùng của Việt Nam từ nhiều năm trước.

Tại Lâm Đồng, năm 2006, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã nhập và trồng thử nghiệm loại cây này tại 3 vùng tiểu khí hậu của tỉnh với tổng diện tích hơn 1ha. Sau đó, Công ty Mắt Đá Đà Lạt đã tiến hành trồng thử nghiệm hơn 40ha tại 2 huyện Đơn Dương và Lâm Hà.

Trên lý thuyết, cây mắc ca sau khi trồng khoảng 6 – 7 năm mới cho trái bói; đến năm thứ 7 – 8 mới cho thu hoạch chính thức. Tuy nhiên, ở Lâm Đồng, qua việc trồng thử nghiệm của Trung tâm Khuyến nông và Công ty Mắt Đá, cây mắc ca chỉ đến năm thứ 3 là cho trái bói, và đến năm thứ 4 là có thể thu hoạch chính thức.

Thời điểm hiện nay, 1ha mắc ca cho thu nhập không dưới 6.000USD (giá thị trường hiện nay là 2USD/kg hạt, năng suất bình quân 3 tấn hạt/ha), cao hơn 1.500 - 2.000USD/ha so với trồng cà phê. Bên cạnh đó, mắc ca là loại cây trồng khá đơn giản trong khâu chăm sóc, ít sâu bệnh, lại phù hợp với nhiều tiểu vùng khí hậu của Lâm Đồng nên được nhiều người dân quan tâm.

Đồng thời, việc trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê không những tạo bóng che cần thiết, cải tạo đất, giữ ẩm… cho cây cà phê mà còn là nguồn thu nhập đáng kể nếu như cà phê rớt giá. Bởi vậy, trong hơn 5 năm qua, cây mắc ca được nhà nông miền núi Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.

“Lờ” chất lượng giống

Thấy cây mắc ca được nhà nông Lâm Đồng đổ xô trồng nhiều cơ sở ươm cây giống ở Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương… đã gom hạt giống để ươm rồi bán cho nông dân trong vùng. “Với cây mắc ca, việc tạo cây giống chất lượng cao không dễ dàng. Hầu hết lượng cây giống mà Công ty Mắt Đá xuống giống rồi trồng ở Đơn Dương và Lâm Hà đều là hạt giống nhập từ nước ngoài về và ươm mầm theo một quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Tính ra mỗi cây giống cũng lên đến vài ba trăm nghìn đồng. Trong khi đó ở các cơ sở ươm giống tự do bên ngoài, giá mỗi cây giống mắc ca chỉ vài chục nghìn đồng!” - một cán bộ của Công ty Mắt Đá cho hay.

Lâm Đồng hiện chỉ có khoảng 100ha mắc ca đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm (chủ yếu là của Công ty Mắt Đá). Tuy nhiên, trong thực tế, diện tích cây mắc ca lớn hơn nhiều do dân trồng tự phát.

Sở NNPTNT Lâm Đồng đã nhiều lần cảnh báo về việc phát triển tràn lan cây mắc ca bằng các giống trôi nổi trên thị trường nhưng người dân vẫn vô tư tìm mua cây giống không rõ nguồn gốc. “Chúng tôi có kiểm tra nhiều cơ sở ươm giống ở các địa phương nhưng khó mà quản lý xuể. Họ vẫn cứ thu gom hạt giống về ươm rồi bán cho nông dân; cả nhà nông cũng bất chấp cảnh báo của chúng tôi về hậu quả xấu khi trồng các giống mắc ca chất lượng kém!” - một lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem