Lâm Đồng kiến nghị cho Dalat Hasfarm sử dụng lượng hạn chế Glyphosate cho hoa, châu Âu xác nhận Glyphosate không gây ung thư

P.V Thứ ba, ngày 29/06/2021 12:21 PM (GMT+7)
Lâm Đồng đề xuất cho Dalat Hasfarm sử dụng Glyphosate lượng hạn chế hoa hoa cúc, cẩm chướng, trong khi Nhóm đánh giá của Liên minh châu Âu về Glyphosate (AGG) cho rằng, việc sử dụng theo đúng chỉ dẫn là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.
Bình luận 0

Lâm Đồng đề xuất cho Dalat Hasfarm sử dụng Glyphosate lượng hạn chế cho hoa hoa cúc, cẩm chướng

Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NNPTNT xem xét có cơ chế linh hoạt cho phép Công ty TNHH Dalat Hasfarm được phép sử dụng hoạt chất Glyphosate với số lượng hạn chế (khoảng 350 lít/năm) để xử lý triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng sau thu hoạch, phục vụ mục đích xuất khẩu sang thị trường Úc. 

Nếu được Bộ NNPTNT thống nhất, Sở NNPTNT Lâm Đồng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hoạt chất Glyphosate của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đúng số lượng, mục đích cho đến khi thị trường nước Úc chấp nhận hoạt chất thay thế.

Lâm Đồng kiến nghị cho Dalat Hasfarm sử dụng lượng hạn chế Glyphosate cho hoa, châu Âu xác nhận hoạt chất không gây ung thư - Ảnh 1.

Lâm Đồng vừa đề xuất cho Dalat Hasfarm sử dụng Glyphosate lượng hạn chế cho hoa hoa cúc, cẩm chướng. Trong ảnh: Thu hoạch hoa cúc tại Dalat Hasfarm. (Ảnh: Dalat Hasfarm).

Được biết, Úc là thị trường xuất khẩu chủ lực sản phẩm hoa cắt cành của Công ty TNHH Dalat Hasfarm với sản lượng mỗi năm 30 triệu cành, tương ứng với tổng doanh thu 5,2 triệu USD.

AGG: Khả năng gây ung thư của Glyphosate là không tồn tại

Trong khi đó, vào ngày 15/6 vừa qua, Nhóm đánh giá của Liên minh châu Âu về Glyphosate (AGG) đã công bố hoàn thành và nộp báo cáo dài 11.000 trang, trong đó kết luận Glyphosate đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phê duyệt để sử dụng như một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, bởi đây là hoạt chất không gây đột biến, không gây ung thư, không gây độc sinh sản và không gây rối loạn nội tiết.

Các kết luận của báo cáo lần này hoàn toàn trùng khớp và thống nhất với các báo cáo trước đó của châu Âu cũng như 17 nghiên cứu trước đó của các nước và tổ chức quốc tế trên toàn cầu, bao gồm WHO và FAO. 

Cùng với việc nhấn mạnh "rủi ro mà thuốc trừ cỏ Glyphosate gây ra đối với sức khoẻ con người và môi trường là rất nhỏ", báo cáo một lần nữa lưu ý rằng việc sử dụng theo đúng chỉ dẫn là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Điều đáng chú ý trong báo cáo này là kết luận của AGG về khả năng gây ung thư của Glyphosate là không tồn tại: "Sau khi đánh giá tất cả các bằng chứng, như thí nghiệm trên động vật, nghiên cứu dịch tễ và phân tích thống kê…, AGG không tìm thấy các bằng chứng phù hợp với tiêu chí phân loại của nhóm gây ung thư. AGG kết luận rằng việc phân loại Glyphosate vào nhóm có khả năng gây ung thư là không phù hợp".

Lâm Đồng kiến nghị cho Dalat Hasfarm sử dụng lượng hạn chế Glyphosate cho hoa, châu Âu xác nhận hoạt chất không gây ung thư - Ảnh 2.

Một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate. (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh khi có một số nhóm hoạt động môi trường đã cáo buộc rằng dư lượng Glyphosate trong thực phẩm có thể gây rủi ro cho người tiêu dùng, đánh giá mới nhất này của EU cũng xem xét khả năng này.

Tương tự như kết luận của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) - Hoa Kỳ trước đó, báo cáo đã khẳng định: "Không có rủi ro mãn tính hoặc cấp tính nào đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm cây trồng có xử lý Glyphosate. Việc đánh giá mức độ phơi nhiễm này bao gồm dư lượng có thể có trên cây trồng sau khi sử dụng Glyphosate, dư lượng có thể có trong thịt động vật khi vật nuôi phơi nhiễm với glyphosate và các chất chuyển hoá của chúng."

Tuy nhiên, các nhóm đánh giá cũng bổ sung khả năng cần phải thu thập thêm dữ liệu để xác nhận kết luận này và cũng có một vài điểm cần lưu ý. 

Ví dụ như đối với mục đích sử dụng trong dân cư (thay vì sử dụng trong nông nghiệp), có thể có một khả năng "khi lượng thuốc bay ra vùng xung quanh khi phun cao thì việc kiểm soát việc sử dụng an toàn lúc đó khó kiểm soát hơn".

Đánh giá cũng cho thấy Glyphosate có thể gây "tổn thương mắt nghiêm trọng" và "độc hại đối với sinh vật trong nước với những ảnh hưởng lâu dài". 

Tiếp theo, nhóm gia hạn Glyphosate (GRG), bao gồm các công ty xin gia hạn phê duyệt cho Glyphosate trong EU, sẽ phải đáp ứng các rào cản pháp lý bổ sung trước khi đến hạn EU ủy quyền lại Glyphosate vào năm 2022. 

Các hoạt động này bao gồm đánh giá bổ sung của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu và Cơ quan Hóa chất Châu Âu, giai đoạn lấy ý kiến công khai và sự giám sát thêm của các cơ quan quản lý ở từng quốc gia thành viên EU.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem