Lâm Đồng và mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp của ĐNA: Thực tế hay... lãng mạn?

Thanh Xuân - Ngọc Lê (thực hiện) Thứ ba, ngày 19/01/2016 07:07 AM (GMT+7)
Như Báo Dân Việt đã thông tin, gần đây tỉnh Lâm Đồng có những chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ với mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng bị nhiều người cho là thiếu thực tế.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với ông Phạm S– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Đồng đang là tỉnh đi đầu trong cả nước về đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ông có thể chia sẻ những thành công của tỉnh trong lĩnh vực này?

img

Mô hình ghép cải tạo giống cà phê tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.  Ảnh:   I.T

- Có thể nói, với những lợi thế sẵn có, trong thời gian qua chúng tôi đã tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Lâm Đồng đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển các nông sản có lợi thế so sánh.

Tỉnh cũng tập trung vào các giải pháp về khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản và quán triệt doanh nghiệp cũng như bà con nông dân sản xuất theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế.

Do đó, những mặt hàng nông sản của Lâm Đồng trong thời gian qua sản xuất ra đều đảm bảo mọi tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và được sản xuất với quy mô lớn, chất lượng, mẫu mã đồng đều, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu không chỉ của thị trường trong nước, mà còn được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng.

Chúng tôi cũng đã sớm định hình vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên đến nay, Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thực hiện chỉ đạo xây dựng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao và đã có một số địa phương đạt được tiêu chí này.

Nói đến Lâm Đồng là nói đến nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng, chỉ cần sản phẩm được gắn với cái tên “Đà Lạt”, giá trị của mặt hàng có giá trị cao hơn hẳn. Vì đâu Lâm Đồng xây dựng được các thương hiệu đó, thưa ông?

- Chúng tôi xác định, trên cơ sở lợi thế so sánh với nông nghiệp, để tiến hành xây dựng thương hiệu phải gắn với chỉ dẫn đại lý. Trong thời gian qua, chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) để xác định khảo sát các sản phẩm nông sản.

Sau khi đã được chứng nhận nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị được chứng nhận cần tiếp tục giữ gìn thương hiệu, bởi nếu chất lượng sản phẩm mà không tốt, thì thương hiệu có rồi cũng sẽ bị đánh mất.

Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề tái canh cây cà phê cũng rất quan trọng, bởi hiện đã có nhiều vườn cà phê già cỗi. Vậy việc tái canh cà phê của Lâm Đồng hiện được thực hiện ra sao, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương kêu khó khăn do thiếu vốn?

- Để tái canh cà phê thì địa phương nào cũng khó khăn về vốn do cây trồng này dài ngày, khi thực hiện tái canh sẽ không thể cho thu nhập ngay. Tuy nhiên, chúng tôi đã huy động vốn đầu tư của nông hộ và dành riêng một gói tín dụng 2.800 tỷ đồng cho chương trình tái canh cà phê, nên vấn đề về vốn đã được giải quyết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do lãi suất quá cao, chúng tôi đã có những đề xuất với phía Agribank để điều chỉnh lãi suất và đến nay lãi suất đã hấp dẫn người dân tham gia đầu tư vào tái canh cà phê hơn.

"Chúng tôi quán triệt doanh nghiệp và nông dân phải sản xuất nông sản đạt chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn cả trong nước và quốc tế để nông sản trở thành những thương hiệu mạnh, chủ động và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập”.

Ông Phạm S

Trong vòng 3 năm qua, nguồn vốn tái canh cà phê của Lâm Đồng đã chiếm 60% nguồn vốn của cả vùng Tây Nguyên và diện tích tái canh cà phê của Lâm Đồng cũng chiếm 90% diện tích tái canh của cả vùng.

Hiện tổng diện tích tái canh cà phê của Lâm Đồng đã đạt 27.000ha, vượt cả mục tiêu tái canh giai đoạn 2013-2015. Điều này góp phần giúp cho Lâm Đồng trở thành địa phương có năng suất cà phê cao nhất thế giới.

Mới đây, Bộ NNPTNT đã chính thức khởi động Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Là một trong những địa phương được chọn tham gia vào dự án này, Lâm Đồng có kỳ vọng dự án này sẽ là động lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp của Đông Nam Á?

- Đây là dự án ODA đầu tiên của chúng ta khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với số vốn lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 6.500 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có lợi thế so sánh với tiềm lực quốc tế, trong đó có lúa gạo. Chúng ta thực hiện VnSAT cũng đúng lúc tham gia hội nhập quốc tế, nếu hội nhập mà không nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ để các nước cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam.

Với riêng Lâm Đồng, chúng tôi đã và đang xây dựng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng mang tầm cỡ và đẳng cấp của khu vực Đông Nam Á với nhiều cây trồng chiến lược, năng suất và chất lượng cao. Cà phê của Lâm Đồng hiện đã có nhiều thị trường tiềm năng và thị trường mới đang rất quan tâm trong thời gian tới.

Lâm Đồng có đặc thù là cà phê vối có diện tích và sản lượng cao nhất thế giới và cà phê Arabica cũng có 15.000ha. Hiện 1 trong 6 trung tâm cà phê chất lượng cao của Tập đoàn Starbucks cũng đang lấy cà phê của Đà Lạt để cung cấp cà phê cho các thị trường trên toàn cầu… Vì thế, việc Lâm Đồng trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả khu vực Đông Nam Á là hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem