Trong mấy ngày qua, chủ đầu tư – Ban quản lý Dự án 46 thuộc Bộ Quốc phòng đã cùng với lãnh đạo tỉnh và ngành giao thông Lâm Đồng tìm giải pháp khắc phục nhưng xem ra việc thông đường vào Đưng Knớ vẫn đang… mờ mịt!
|
Con đường vào xã Đưng Knớ lầy lội bùn đất. |
Vùng sâu chịu nhiều thiệt thòi
Ngày 2.10, Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phan Công Chánh tỏ ra bức xúc: “Việc xã vùng sâu Đưng Knớ của huyện Lạc Dương bị tắc đường trong mùa mưa là chuyện không phải lần đầu tiên xảy ra. Tuy nhiên, việc tắc đường những năm trước không quá trầm trọng như vừa rồi – tắc hoàn toàn và tắc liên tục đến 3 tháng. Ngoài yếu tố thiên nhiên, việc thi công đường chưa hợp lý ở đây cũng góp phần không nhỏ khiến hàng nghìn người dân Đưng Knớ bị cô lập hoàn toàn”.
Tuyến đường từ trung tâm thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương vào trung tâm xã Đưng Knớ là đường 722 cũ, dài khoảng 50km, nay thuộc một phần của Dự án đường Đông Trường Sơn (điểm cuối ở Lâm Đồng). Đến tháng 11 năm ngoái, tuy nhiều đoạn hư hỏng nặng và khá vất vả nhưng ô tô và mô tô vẫn đi lại được. Từ tháng 12.2010 trở đi, khi mưa xuống, con đường vào xã hoàn toàn ách tắc; đặc biệt trong 3 tháng qua, hơn 1.000 người dân vùng sâu này đã hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.
Theo ông Ha Liêng - Chủ tịch UBND xã Đưng Knớ, trung bình 1kg gạo ở Đà Lạt chỉ 14.000 đồng nhưng ở xã này là 25.000 đồng; giá mì tôm trong những ngày gần đây cũng đã tăng gấp đôi và hơn thế (đến 8.000 đồng/gói); còn xăng thì lên đến 30.000 đồng/lít… Trong khi đó, giá cà phê của người dân Đưng Knớ chỉ bán được 5.000 đồng/kg tươi, thấp hơn 9.000 đồng so với giá thu mua tại trung tâm huyện Lạc Dương.
Phải tạm thời cứu đường để cứu đói
Ông Phan Công Chánh cho biết: “Cuối tháng 9 vừa rồi, huyện đã phải mang 11 tấn gạo vào Đưng Knớ để cứu đói khẩn cấp cho hơn 1.000 người dân trong xã. Từ trung tâm huyện, để vào được thôn Lán Tranh, chiếc xe reo chở gạo đã phải đánh vật mất một tuần. Còn từ Lán Tranh vào trung tâm xã Đưng Knớ dài khoảng 8km, hoàn toàn bị tắc nghẽn. Huyện đã phải huy động dân từ trong làng đi bộ ra ngoài để cõng gạo về; và phải mất 2 ngày mới chuyển hết được số gạo”.
“Cuối tháng 9 vừa rồi, huyện đã phải mang 11 tấn gạo vào Đưng Knớ để cứu đói khẩn cấp cho hơn 1.000 người dân trong xã. Từ trung tâm huyện, để vào được thôn Lán Tranh, chiếc xe reo chở gạo đã phải đánh vật mất một tuần.
Dự án đường Đông Trường Sơn được khởi công vào tháng 5.2005; có chiều dài toàn tuyến gần 700km, với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; trong đó, điểm cuối của đường chồng lên tỉnh lộ 722 vào xã Đưng Knớ của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện tại, sau 6 năm thi công (đoạn Lâm Đồng khởi công vào tháng 9.2005), đường Đông Trường Sơn ở đoạn cuối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang còn rất dở dang (theo kế hoạch thì sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2010). “Chưa có số liệu là công trình được thi công bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn là không nhiều lắm. Và như vậy, nguy cơ ách tắc đường và cô lập dân ở đây vẫn còn rất cao” – ông Chánh cho hay.
Sau chuyến khảo sát, trong các ngày từ 29.9 – 2.10, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã bàn thảo với chủ đầu tư phương án kết bè gỗ để lót đường sao cho ô tô trọng tải nhẹ (2 tấn trở xuống) và mô tô có thể vào được Đưng Knớ để trước hết là nếu phải cứu đói thì có xe vào ra được để cứu đói cho dân; nếu có trường hợp cấp cứu thì đưa người đi kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra như đã từng xảy ra ở những vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng trong những năm trước đây. Dù vậy, chưa biết lúc nào phương án này lúc nào được triển khai và có khả thi...
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.