Lạm dụng tình dục người tâm thần: Nỗi đau để lại cho thân nhân

Thứ tư, ngày 28/08/2013 06:36 AM (GMT+7)
M thừa cân, ăn mặc luộm thuộm nên không ai để ý bụng em to lên từng ngày. Đến khi mẹ phát hiện ra thì em đã có bầu 7 tháng. Khi hỏi ai làm việc này với em thì M chỉ cười ngơ ngác, đập bùm bụp vào bụng mình.
Bình luận 0
Không ít người tâm thần đã bị lạm dụng tình dục, rồi mang bệnh, sinh con... Họ và nhiều thủ phạm vẫn hồn nhiên, chỉ có thân nhân là gánh chịu nỗi đau lớn.

Một phụ nữ bị tâm thần ở Anh Sơn, Nghệ An đã nhiều lần bị lạm dụng tình dục và sinh tới 7 người con.
Một phụ nữ bị tâm thần ở Anh Sơn, Nghệ An đã nhiều lần bị lạm dụng tình dục và sinh tới 7 người con.

Bị hiếp dâm vẫn không biết

Nguyễn Thị M (18 tuổi, Mê Linh, Vĩnh Phúc) phổng phao, tươi tắn, ra dáng thiếu nữ. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, em đã bị thiểu năng trí tuệ, thi thoảng lại lên cơn động kinh, sùi bọt mép, la hét ầm ĩ.

Bố M là thợ hồ thường vắng nhà, mẹ và ông bà đều bận công việc đồng áng, nên M thường ở nhà một mình. M thừa cân, ăn mặc luộm thuộm nên không ai để ý bụng em to lên từng ngày. Đến khi mẹ phát hiện ra thì em đã có bầu 7 tháng. Khi hỏi ai làm việc này với em thì M chỉ cười ngơ ngác, đập bùm bụp vào bụng mình.

Đứa con sinh ra giống hệt “thằng Thành hàng xóm”. Lúc đầu gia đình Thành cũng định “truất ngựa truy phong”, tuy nhiên, bố mẹ M dọa đưa đứa trẻ đi xét nghiệm ADN, trình báo công an, Thành mới cuống cuồng “xin nhận tội”.

Gia đình Thành bồi thường cho M vài chục triệu đồng và xin đón đứa trẻ về nuôi. Từ khi đón đứa bé về Thành trốn biệt khỏi nhà, luôn lo sợ lỗi lầm của mình bị bạn bè phát hiện, lên án. Thành hối hận: “Em cứ nghĩ trót dại với người tâm thần thì lỗi lầm của mình sẽ được đậy điệm, không ai phát hiện ra. Ai ngờ… phải đeo đẳng nó cả đời”.

Bà Trịnh Thị Lê - cán bộ Dự án Xương rồng vẫn nở hoa (Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng) cho biết, trong quá trình đi làm dự án giúp đỡ các bà mẹ khuyết tật đơn thân, bà gặp rất nhiều trường hợp người khuyết tật nói chung và người tâm thần nói riêng bị lạm dụng tình dục, mang bệnh, mang thai, sinh con ngoài ý muốn. Đặc biệt, những người thiểu năng trí tuệ, do không có khả năng nhận biết, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng hiếp dâm và hy vọng tội ác của mình không bị phơi bày. “Nhiều người đã bị hiếp dâm nhiều lần, nhưng không ai biết và giúp đỡ họ. Đến khi thai to gia đình mới tá hỏa” – bà Lê cho biết.

Theo bà Lê, đối tượng hiếp dâm người tâm thần rất đa dạng, nhiều lứa tuổi nhưng chủ yếu là người quen biết, quanh làng, quanh xóm. Cũng rất ít gia đình truy tìm kẻ hiếp dâm hoặc biết rõ “mười mươi” thì cũng không báo công an mà lẳng lặng “tự giải quyết” với nhau.

Tội ác tăng nặng

Theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng Văn phòng luật sư Hằng Nga (Hà Nội): “Hiếp dâm người tâm thần ngoài việc phạm tội hiếp dâm còn bị quy kết về mặt đạo đức nên tòa án thường xem xét tăng nặng tội”.

"Cần có chế tài bắt buộc để thanh thiếu niên phải học để nâng cao nhận thức về pháp luật chứ không thể buông lỏng, để họ tự bơi, đến lúc chết đuối lại trách họ thiếu hiểu biết”.
Luật sư Hằng Nga

Trong quá trình tham gia các vụ án, bà Nga cho biết đã gặp không ít trường hợp nam thanh – thiếu niên phạm tội hiếp dâm, thậm chí từ khi 14-15 tuổi. Theo bà Nga, nguyên nhân khiến thanh thiếu niên phạm tội hiếp dâm là do bố mẹ ít quan tâm và để ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con, giáo dục cho con biết về sức khỏe sinh sản, về lối sống, hành vi đúng đắn...

“Nguyên nhân nữa là hầu hết các em đều không nhận thức đầy đủ về pháp luật. Các em sau khi phạm tội đều sợ hãi cho biết: “Cháu chỉ nghĩ nếu bị phát hiện thì chỉ bị lên án, phê bình chứ không biết là bị đi tù”. Lại có em ra đến vành móng ngựa thì khóc òa vì lúc đó mới thấy sợ” – luật sư Nga kể.

Trong khi đó, việc tuyên truyền luật pháp của các ban ngành, địa phương lại nặng về lý thuyết, về văn bản mà không có các ví dụ rõ ràng, hành vi cụ thể nên thanh thiếu niên khó “tưởng tượng” để vận dụng vào từng việc mình làm. Còn người dân, nhiều nơi phải được trả tiền họ mới ngồi nghe.

“Các cán bộ tư pháp, chuyên trách thì không sâu sát thực tế, không tiếp xúc với các vụ việc cụ thể, chỉ “đọc” luật thì người dân khó hiểu, khó tiếp thu. Người tuyên truyền luật pháp phải là các luật sư mới có thể tuyên truyền cho người dân hiểu bằng các vụ việc cụ thể, phân tích việc này đúng, việc này sai, hành vi này nên tránh… ” – luật sư Nga cho biết.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem