Ông nhận định thế nào về một số vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng gần đây?
Tình hình hiểu biết của người dân về Luật Phòng chống BLGĐ (nguồn: Bộ VHTTDL)
- Cách đây 5 ngày vừa có nghi án mẹ bức tử 2 con (ở Long An) vì cô đơn, buồn chán, chồng lại đi làm ăn xa. Cũng mới đây, ở Thanh Hóa, người chồng bức tử vợ và 2 con rồi cũng tự tử vì làm ăn thua lỗ. Rồi người bố bức tử 2 con tại Yên Bái vì vợ bỏ đi... Có thể kể ra khá nhiều vụ bức tử vì mâu thuẫn gia đình, làm ăn thua lỗ… không thể chấp nhận được. Nhưng điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hại của bạo lực gia đình.
Đừng chỉ nhìn bạo lực gia đình như một vụ cãi cọ nho nhỏ, “bát đũa xô” để rồi hy vọng “gương vỡ lại lành” ngay hôm sau. Những tổn thương trên thể xác có thể nhìn thấy, có thể chữa trị nhưng những tổn thương về tâm lý mới thực sự nghiêm trọng. Chúng có thể tạo ra những nỗi tuyệt vọng, suy sụp, dẫn đến những cái chết “chùm” đau đớn.
Liệu có giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực gia đình sớm, hạn chế những cái chết vì tuyệt vọng như vậy?
-Cần phải sớm nhận diện các vụ xô xát để ngăn chặn bạo lực gia đình từ trong trứng nước, tránh bạo lực leo thang, gây nên những đổ vỡ, tổn thương không thể cứu vãn. Trước hết là tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của bạo lực gia đình. Không phải sáng tát vợ một cái, chiều lại nói ngọt, tặng quà là rũ bỏ mọi đau đớn, lỗi lầm...
Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực cho người làm công tác tuyên truyền ở cơ sở để họ nhận diện hành vi nào là bạo lực gia đình, khi có bạo lực gia đình cần làm gì để xử lý- trường hợp nào thì tư vấn, chuyện nào thì hòa giải, đến mức độ nào thì phê bình hay cảnh cáo, phạt, bắt giam… Trên hết, chính quyền phải hiểu nếu bạo lực gia đình không được xử lý ngay thì rất có thể một ngày xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Ông đánh giá thế nào về tình hình phòng chống bạo lực gia đình hiện nay?
-Từ năm 2008 đến nay, nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình đã được triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, đặc biệt cấp phường, xã. Các văn bản quy phạm về phòng chống bạo lực gia đình, hướng dẫn xử phạt, quy trình tiếp nhận, xử lý, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình… đã được ban hành đầy đủ.
Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng, duy trì hoạt động trên 26.550 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình và hơn 19.800 câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững. Ngoài ra, cả nước thành lập được gần 33.200 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng – nơi tạm trú cho nạn nhân bị bạo lực. Với mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình rộng khắp, hy vọng thời gian tới, người dân sẽ hiểu được rõ tác hại của bạo lực gia đình, thay đổi quan niệm bất bình đẳng giới, điều chỉnh hành vi.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.