Anh Toản trồng cà phê từ năm 1999. Ảnh: V.C
Với suy nghĩ, cây có khỏe thì sau này mới cho năng suất cao và ổn định nên anh Toản không tiếc công sức chăm sóc, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nương cà phê của anh Toản sinh trưởng, phát triển xanh tốt, đến năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch.
Trao đổi với PV NTNN, anh Toản cho biết: Cây cà phê dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Nếu chăm sóc tốt thì năng suất cà phê có thể đạt hơn 30 tấn quả tươi/ha.
“Muốn cà phê cho năng suất cao, ngoài việc bón phân cân đối, thì phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cà phê. Đây là một trong những công đoạn chăm sóc đặc biệt quan trọng, giúp cây cà phê hình thành được bộ khung tán cân đối, vừa cho nhiều quả, vừa chống được sâu bệnh” – anh Toản vui vẻ nói.
Anh Toản thường sử dụng 3 loại phân để bón cho nương cà phê của gia đình, đó là phân chuồng, NPK và phân đạm. Cứ vào khoảng tháng 5 hàng năm, anh Toản lại lấy phân chuồng ủ hoai mục trộn với NPK để bón cho cà phê. Cách cho cà phê “ăn” phân của anh Toản cũng khá đơn giản. Đối với khu đất bằng, anh cuốc hố xung quanh gốc cà phê, tán tới đâu cuốc tới đó, rồi cho phân chuồng trộn lẫn với NPK xuống, sau đó lấp đất lên.
Còn với nơi đất dốc, anh Toản chỉ cuốc hố phía trên gốc cà phê rồi bỏ phân. Sau khi thu hoạch quả cà phê xong, anh Toản mới bón phân lần 2. Dịp này, anh không bón phân chuồng mà cho cà phê “ăn” đạm, giúp cho cây cà phê nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ nuôi quả.
“Năm 2011, giá bán cà phê tươi lên đến 17.000 đồng/kg. Người trồng cà phê ở Sơn La nói chung, ở xã Hua La nới riêng, ai cũng phấn khởi. Năm đó, giá đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, giá bán cà phê tươi ở Sơn La lên xuống thất thường, dao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg. Thu nhập của người làm cà phê cũng vì thế mà giảm hơn so với trước” – anh Toản cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.