Làm sao để hơn 8 triệu dân Hà Nội đủ nước sạch?

Minh Khôi - Thuỳ Linh Thứ sáu, ngày 06/11/2020 18:30 PM (GMT+7)
Hà Nội có tốc độ đô thị hoá nhanh kèm theo dân số gia tăng không ngừng. Bài toán làm sao đảm bảo cấp nước sạch cho toàn bộ người dân ở Thủ đô chưa bao giờ dễ dàng tìm ra lời giải.
Bình luận 0

Năm 2008, sau khi sáp nhập Hà Tây vào, diện tích TP Hà Nội lên đến hơn 3.300 km2. Toàn thành phố có 30 đơn vị hành chính, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã. Dân số theo điều tra năm 2019 là trên 8 triệu người. Trong đó, hơn 3,9 triệu người ở đô thị và trên 4 triệu người ở nông thôn. Làm sao để cấp đủ nước sạch cho toàn bộ người dân là vấn đề gây đau đầu cho nhiều lãnh đạo không ít thành phố trên thế giới, Hà Nội cũng không ngoại lệ. 

Để hiểu rõ hơn về bài toán làm sao cấp đủ nước sạch cho người, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Du - Phó phòng Hạ Tầng kỹ thuật, Sở xây dựng Hà Nội.

Làm sao để hơn 8 triệu dân Hà Nội đủ nước sạch? - Ảnh 1.

Lắp đường ống cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Linh Ngọc

Thưa ông, với gần 10 triệu dân và chắc chắn dân số sẽ gia tăng trong tương lai, Hà Nội đã có chiến lược, cũng như giải pháp cấp nước như thế nào?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xác định 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh với quy mô dân số 9 triệu người. Đồng thời, Hà Nội trình và được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cấp nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm đô thị và nông thôn liền kề. Song song với đó Hà Nội cũng phê duyệt quy hoạch cấp nước cho khu vực nông thôn, ngoài phạm vi cấp nước đô thị theo quy hoạch năm 2013.

Các quy hoạch cấp nước này đều nhằm mục tiêu đảm bảo 100% dân cư trên địa bàn Hà Nội có nước sạch. Tuy nhiên, theo đó lại có 2 tiêu chuẩn nước sạch khác nhau. Với những khu vực đô thị thì sử dụng quy chuẩn (QC) 01 của Bộ Y tế năm 2009 với giám sát 109 chỉ tiêu. Còn khu vực nông thôn, sử dụng nguồn từ các trạm cấp nước nông thôn và công trình do hộ gia đình tự khai thác thì sử dụng QC 02 với 14 chỉ tiêu.

Do có sự chênh lệch về tiêu chuẩn này nên Hà Nội đã xác định mục tiêu nâng cao chất lượng cấp nước, chất lượng dịch vụ cấp nước cho dân, đồng bộ tiêu chuẩn cấp nước phạm vi toàn thành phố. 

Đến nay, Hà Nội đã mở rộng các hệ thống cấp nước từ quy hoạch đô thị ra các huyện ngoại thành: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì cơ bản đã hoàn thành hệ thống nước sạch. Các nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai mạng lưới cấp nước cho khu vực Phú Xuyên, Sóc Sơn… 

Tổng công suất nguồn nước sạch tập trung vào Hà Nội đạt 1.520.000 m3/đêm. Đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu hiện tại trong khu vực đô thị và nông thôn liền kề. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực nông thôn ước tính còn thiếu 500.000 m3/đêm.

Làm sao để hơn 8 triệu dân Hà Nội đủ nước sạch? - Ảnh 3.

Nhà máy nước sạch Sông Đuống nhìn từ trên cao.

Để phổ cập nước sạch đến từng người dân, Hà Nội đã và sẽ có những phương án gì?

Quy hoạch cấp nước trước đây có 2 điểm: Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn với tiêu chuẩn cấp nước khác nhau. Hiện nay, Hà Nội đã gộp 2 quy hoạch này làm 1 để xác định nhu cầu nước tổng thể. Qua đó, cả khu vực đô thị và nông thôn cùng sử dụng 1 tiêu chuẩn nước sạch đô thị. Hệ thống mạng lưới cấp nước cũng xác định gồm cả đô thị và nông thôn đều trên 1 hệ thống kết nối mạng vòng để đảm bảo hệ thống cấp nước này đồng bộ cùng 1 hệ thống, cùng 1 tiêu chuẩn, cùng 1 chất lượng, cùng 1 cách giám sát, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn cấp nước.

Căn cứ như vậy có thể kiến nghị thay đổi mục tiêu quy hoạch 2013 được Thủ tướng phê duyệt về phạm vi cấp nước thay đổi, quy mô, nhu cầu xác định cấp nước đô thị và quy mô nhà máy cũng thay đổi. Hệ thống nhà máy, trước đây là 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh nay gồm cả hệ thống mạng lưới thống nhất bao trùm khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Để làm được như vây, Hà Nội đã bắt đầu từ việc xin Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước 2013.

Như trên đã nói, tổng công suất nguồn nước sạch tập trung vào Hà Nội đạt 1.520.000 m3/ngày đêm. Khu vực 12 quận nội thành, có nhu cầu sử dụng là 1.500.000m3/ngày đêm. Nhưng hiện nay đang cung cấp được khoảng 1.300.000m3/ngày đêm. Trong đó, có 650.000m3 là nước ngầm và 650.000 là nước mặt. Định hướng quy hoạch khai thác nước ngầm trong tương lai sẽ điều chỉnh giảm dần xuống 450.000 - 500.000m3/ngày đêm. Phần thiếu hụt sẽ được bù từ nguồn nước mặt lấy từ ngoại thành.

Một vấn đề khác là ở các khu vực phía Nam Hà Nội như huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ… chất lượng khai thác nước ngầm giảm, một số vùng bị hạn chế thậm chí cấm khai thác gây nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt. Hà Nội đã có chủ trương mở rộng, triển khai giải pháp cấp nước từ hệ thống cấp nước sạch chung của thành phố cho các khu vực kể trên với khoảng 108 xã. Xu hướng tương lai của những trạm cấp nước sạch cục bộ ở nông thôn sẽ chuyển thành trạm bơm tăng áp để phục vụ người dân.

Quan điểm của ông như thế nào về việc có ý kiến cho rằng, 1 số nhà máy cấp nước vượt quy hoạch Thủ tướng phê duyệt?

Quy hoạch cấp nước cho Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt xác định đầu tư 3 nhà máy tại các nguồn nước: Nước mặt sông Đà, nước mặt sông Đuống, nước mặt sông Hồng. Song song với việc xây dựng 3 nhà máy ở các nguồn nước này, Sở Xây dựng cũng xác định vùng, phạm vi cấp nước, nhu cầu… của từng nhà máy. Nguyên tắc là về mặt kỹ thuật, khu vực nào cũng phải đảm bảo cùng 1 áp lực, cùng lưu lượng để tất cả người dân đều được sử dụng nước.

Tuy nhiên, khi triển khai quy hoạch cấp nước được Thủ tướng phê duyệt, vùng cấp nước có thể thay đổi theo điều kiện, khả năng cung cấp dịch vụ, của đơn vị cấp nước. Thực tế, thiết kế mạng lưới cấp nước đô thị kết nối các nhà máy cấp nước với nhau để dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố, đảm bảo cấp nước sạch cho người dân. Do vậy, trường hợp, nhà đầu tư không triển khai quy hoạch cấp nước có thể bổ sung từ các nguồn khác.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem