Rõ ràng, con là do tôi sinh ra, ở trong cùng một nhà, nhưng tôi vẫn thường phải nhìn ngắm con trong sự thèm khát. Không phải là tôi không biết mẹ chồng yêu cháu và chăm cháu rất khéo. Nhưng "độc chiếm" cháu như vậy thì thật là ích kỷ và không quan tâm tới cảm xúc của tôi.
Ảnh minh họa
Những khi tôi được may mắn ôm con vào lòng, con lại òa khóc theo bà. Tiện thể, mẹ chồng lại trách làm cho thằng bé khóc. Tôi ức tới ứa nước mắt. Trẻ con thì biết gì đâu, bà cứ ôm nó suốt ngày nên bện hơi, chỉ theo bà thôi.
Tôi phải làm gì để giành được quyền chăm con, dỗ dành con như bao bà mẹ khác?
(Tươi, Hòa Bình)
Chào bạn,
Câu chuyện bạn kể quả là không hiếm trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà cuộc sống vật chất no đủ và việc sinh con không phải dễ dàng gì. Vì thế, khi một đứa trẻ ra đời, nó trở thành trung tâm của mọi sự quan tâm, chú ý và yêu thương của mọi người trong gia đình, đặc biệt là bà và mẹ. Điều đó càng làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu, vốn đã chẳng mấy yên ả.
Bạn nói đúng, mẹ chồng bạn phải rất yêu cháu, thương cháu nên mới tận tụy, hết lòng chăm sóc cháu như vậy. Nhưng tình yêu thường đi liền với sự ích kỷ, không muốn chia sẻ với bất cứ ai. Hộp thầm kín cho rằng, bạn không nên nhẫn nhịn quá, đừng để tức nước vỡ bờ mà đánh mất hòa khí, hủy hoại mối quan hệ với mẹ chồng.
Trước hết, bạn nên nhẹ nhàng mở lời đề nghị mẹ tạo điều kiện để bạn được gần gũi với con hơn. Hãy chân thành cảm ơn tấm lòng và sự chăm sóc của bà dành cho con bạn. Mặt khác, hãy thể hiện sự khao khát và trách nhiệm của người làm mẹ. Mẹ chồng cũng đã sinh con, cũng đã chăm nuôi con, chắc chắn bà hiểu được tâm sự của bạn.
Bạn cũng có thể nhờ chồng hoặc một người mà mẹ chồng tin tưởng để khéo léo khuyên giải, để bà hiểu rằng, việc một người mẹ tự tay chăm con vừa là hạnh phúc của mẹ, lại vừa tốt cho sự phát triển tâm hồn của trẻ. Bà yêu cháu mà, nếu đó là việc tốt cho cháu, bà lẽ nào lại ngăn?
Khi đã bắt đầu dần được trao nhiều cơ hội hơn để gần con, hãy thường xuyên hỏi han mẹ chồng về kinh nghiệm chăm trẻ, để bà không cảm thấy hụt hẫng, khó chịu nhé. Cũng hãy nghĩ tới chuyện vận động mẹ chồng tham gia một hoạt động xã hội nào đó, vừa có lợi cho sức khỏe của bà, vừa tiêu tốn được một phần trong quỹ thời gian.
Chúc bạn sớm thành công!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.