Ông Nguyễn Trần Lâm.
Thưa ông, xuất phát từ đâu có hàng loạt vụ vi phạm, trục lợi chính sách hỗ trợ người nghèo?
- Là chuyên gia nghiên cứu, đánh giá chính sách giảm nghèo, tôi cho rằng hiện nay Việt Nam đang thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Những chính sách này là rất đa dạng, từ hỗ trợ phương tiện sản xuất tới tài chính, tiền bạc… Tuy vậy, cũng phải thừa nhận bên cạnh những thành tựu đấy, vẫn có những hạn chế. Một trong số hạn chế đó là việc chính sách của chúng ta chưa cụ thể, còn lỏng lẻo khiến cho một bộ phận cán bộ, người thực thi tận dụng để trục lợi. Ví dụ như: Kê khống danh sách hộ nghèo để nhận thêm hỗ trợ, cho người thân, người nhà vào danh sách hộ nghèo, ăn chặn gạo, bớt tiền hỗ trợ của người dân… Những vụ việc này là không hiếm, gần như năm nào cũng có.
Bà Nguyễn Thị Tương (79 tuổi, hộ nghèo ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được hỗ trợ dựng lại nhà sao bão. Ảnh: T.L
Ngoài nguyên nhân về mặt chính sách, theo tôi có một nguyên nhân khác thuộc yếu tố chủ quan. Người Việt Nam thường coi trọng anh em, họ hàng, vì thế khi cán bộ thôn bản thực hiện điều tra, khảo sát thường không tránh khỏi được tác động của anh em địa phương. Điều này cũng khiến cho kết quả thực hiện bị sai lệch. Thậm chí khi bị phát hiện sai sót, thì nhiều người còn tâm lý bao che.
Hầu hết các vụ việc này thường xảy ra ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
- Đúng vậy. Thực tế trong quá trình đi làm, đi giám sát tại cơ sở, tôi cũng nhận thấy điều này. Thật dễ hiểu thôi, vì trình độ dân trí ở những khu vực này còn hạn chế. Nhiều khi khả năng tiếp cận thông tin của họ không cao, vì thế nhiều khi được hỗ trợ mà họ không hay biết. Thêm vào đó, đây cũng là những khu vực mà đoàn thanh tra, kiểm tra hay báo chí rất khó tiếp cận. Chính bởi vậy mới là những điểm dễ xảy ra các sai phạm.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu những vụ lợi dụng chính sách để trục lợi, ăn chặn tiền bạc người nghèo?lợi dụng chính sách để trục lợi, ăn chặn tiền bạc người nghèo?
- Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề đơn giản. Muốn giảm thiểu sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ cấp phát cho người nghèo, trước tiên cần tăng cường khả năng thanh - kiểm tra và cơ chế giám sát.
Trong thực tế, các địa phương đã thành lập các ban giám sát, thực hiện cơ chế dân chủ tuy nhiên điều này chưa thực sự phát huy tác dụng. Ban giám sát có nhiều thành phần đến từ hầu hết các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... nhưng “có cũng như không”. Khi cần thì họ tới rất đông nhưng khi xem xét trách nhiệm lại không có ai quy được trách nhiệm. Chính bởi vậy, việc giám sát không có hiệu quả.
Nếu muốn giảm thiểu sai sót, trục lợi trong việc thực hiện chính sách ngoài việc tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát thì chúng ta cần phải nâng cao hiểu biết cho người dân để họ có thông tin thực hiện quyền làm chủ. Thêm vào đó, cần có đường dây nóng để tố cáo tiêu cực, đây cũng là một cách để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nhằm giảm thiểu vụ việc tiêu cực trong khi thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.