Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 28/11, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đến thăm, làm việc tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Báo cáo với Bộ trưởng, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, ĐH Nông Lâm TP.HCM là một trong những cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp hàng đầu ở khu vực phía Nam cũng như trong cả nước.
Nhà trường hiện có gần 1.000 cán bộ viên chức, trong đó có hơn 600 giảng viên chủ yếu được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới, đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Về cơ sở vật chất, nhà trường hiện nay có 1 Viện nghiên cứu, 13 khoa chuyên ngành, 1 bộ môn trực thuộc và 2 phân hiệu với 60 phòng thí nghiệm, 1 bệnh xá thú y, 1 trại thực nghiệm thủy sản và 4 trung tâm nghiên cứu thí nghiệm về nông học, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cùng nhiều phòng thí nghiệm thuộc các khoa chuyên ngành phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Với mục tiêu đẩy mạnh việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, song song với việc áp dụng triển khai các giải pháp phù hợp, nhiều năm qua nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hiện tại, nhà trường đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với hơn 150 đối tác học thuật trên toàn thế giới và gần 100 đối tác đến từ khối công - nông nghiệp trong và ngoài nước.
Về nghiên cứu khoa học, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có rất nhiều đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động này của Bộ GDĐT chỉ được 5 đề tài. Ngoài ra, nguồn lực của nhà trường trích 80% chi phí để thực hiện nghiên cứu đề tài cấp cơ sở. Nhà trường cũng tận dụng nguồn kinh phí của các địa phương để phát triển mảng này.
"Cái khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay của trường là vì Trường ĐH Nông Lâm không nằm trong Bộ NNPTNT nên không tận dụng được nguồn kinh phí này từ Bộ. Thường các đề tài trọng điểm của Bộ cấp cho Viện, nhà trường chỉ thực hiện thông qua hợp đồng nào đó, thực hiện các nhánh nào đó của Viện chứ chưa từng có nguồn kinh phí nào liên quan đến nghiên cứu khoa học được cấp từ Bộ NNPTNT"
Bên cạnh đó, ĐH Nông lâm TP.HCM là trường chưa được tự chủ tài chính. Hàng năm Bộ GDĐT vẫn phải hỗ trợ 25% ngân sách để trả lương. Học phí tại ĐH Nông lâm hiện đang rất thấp, chỉ 12 triệu/năm. Trước đây, mỗi năm trường được tăng tối đa 10% học phí, nhưng 3 năm gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên trường không được phép điều chỉnh tăng học phí.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, việc trường có thể tự chủ tài chính hoàn toàn rất khó. Bởi lẽ, ngày nay học sinh không thích học các ngành nông nghiệp; các em lựa chọn ngành này chủ yếu đến từ nông thôn nên nếu tăng học phí sẽ rất khó tuyển. Một nguyên nhân nữa, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết, đặc điểm ngành nông nghiệp và khối sinh học có trang thiết bị rất đắt, toàn tiền tỷ, nhưng tuổi thọ chỉ khoảng 5 năm. Nếu thu thì không biết thu bao nhiêu mới có thể trang bị trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu chất lượng cao. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì chắc chắn các trường trong khối sinh học nói chung và các ngành nông lâm nói riêng sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Một vấn đề khác là nhà trường tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất các sản phẩm có thể thương mại hóa như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, sản phẩm sấy từ trái cây... Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường thì các sản phẩm này rất khó để phát triển nếu không có nguồn đầu tư để phát triển trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ... để tạo ra các nguồn thu.
Ngoài PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, nhiều thầy là lãnh đạo các khoa, trung tâm cũng phát biểu ý kiến, nêu ra nhiều vướng mắc trong công tác giảng dạy, phát triển khối ngành nông nghiệp, thú y, thủy sản... và hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan lấy làm tiếc khi những ý kiến đóng góp của giảng viên, cán bộ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM không được chia sẻ sớm hơn. Ông đề nghị tập thể lãnh đạo nhà trường cần chủ động, nhiệt tình hơn nữa trong việc xây dựng, đưa ra ý kiến với Bộ trưởng. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị, các thầy cô mạnh dạn nhắn tin, gửi mail những vướng mắc, trăn trở hoặc những ý tưởng cho Bộ trưởng; ông sẽ sẵn sàng chia sẻ, kết nối để có những giải pháp tốt nhất trong đào tạo ngành nghề cũng như mang đến cho người nông dân những lợi ích thiết thực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, dù ĐH Nông Lâm TP.HCM thuộc Bộ GDĐT quản lý, nhưng không có nghĩa Bộ NNPTNT "làm ngơ". Tới đây, Bộ trưởng sẽ có buổi làm việc với tất cả các trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, không phân biệt trường trong hay ngoài Bộ NNPTNT để cùng giao lưu, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.